Tin nông nghiệp Vua chuối tiết lộ bí quyết cho chuối ăn đậu tương

Vua chuối tiết lộ bí quyết cho chuối ăn đậu tương

Author Việt Tùng, publish date Monday. January 4th, 2016

Đó là chia sẻ của “vua chuối” Phạm Năng Thành thôn Ninh Tập, xã Đại Tập (Khoái Châu, Hưng Yên).

Ngoài sở hữu hơn 50ha chuối tiêu hồng, hiện anh Phạm Năng Thành còn liên kết với người dân nhiều nơi trồng tới cả trăm ha chuối, trừ chi phí mỗi năm lãi 5 – 6 tỷ đồng. Vì thế mà anh được mệnh danh là “vua chuối đất Bắc”. PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Phạm Năng Thành về kinh nghiệm, cũng như những dự định của anh trong tương lai đối với sản phẩm chuối.

Anh Phạm Năng Thành - “vua chuối” miền Bắc (ngoài cùng bên phải) trao đổi kinh nghiệm với các đối tác.

Trồng chuối lãi khủng

Xin chào anh, được biết thời điểm anh mới trồng chuối, quả chuối chưa có “chỗ đứng” như bây giờ. Anh có thể cho biết vì sao mình lại gắn bó với nghề trồng chuối?

- Trước khi trồng chuối, tôi làm nghề phụ vữa. Năm 2003, tôi được một người bạn ở Hà Nam giới thiệu về giống chuối tiêu hồng với nhiều ưu điểm nổi trội so với các giống chuối tiêu khác như buồng dài, quả to, đều, vỏ màu vàng tươi, ăn ngọt và đặc biệt là có thể trồng quanh năm, nên tôi đã quyết định về quê trồng chuối.

Lúc đầu chưa có vốn, kỹ thuật còn hạn chế, tôi chỉ trồng thử 2 mẫu, cũng may vụ chuối năm đó được mùa, được giá, trừ chi phí lãi 60 triệu đồng. Thấy trồng chuối dễ, đầu tư thấp, năm sau tôi trồng thêm 5 mẫu nữa, mỗi năm tăng thêm vài ha và nay tôi đang có hơn 50ha.

Anh bảo trồng chuối dễ và đầu tư ít, lãi cao, nhưng tôi thấy đâu có nhiều người giàu nhờ chuối?

- Dễ là bởi đất trồng chuối không cần làm kỹ như trồng dong riềng, mía, hay các loại cây khác mà chỉ cần cày tung đất lên, bừa qua là được. Mỗi ha trồng khoảng 2.500 cây giống (hiện giá bán từ 6.000 – 8.000 đồng/cây), sử dụng phân chuồng là chủ yếu, kết hợp với bón thúc kali khi cây sắp ra buồng.

Cây chuối rất ít bệnh nên không tốn thuốc BVTV. Qua trải nghiệm thực tế, tôi nhận thấy chăm sóc chuối cũng đơn giản, chỉ cần đủ độ ẩm là chuối phát triển tốt. Sau trồng khoảng 11 – 12 tháng là chuối cho thu hoạch, với giá chuối như hiện nay khoảng 80.000 – 100.000 đồng/buồng, trừ chi phí người trồng sẽ lãi 150 – 200 triệu đồng/ha.

Mỗi ngày anh Thành xuất khoảng 20 tấn chuối đi các thị trường.

Thời gian qua, rất nhiều loại nông sản bị “tắc” đầu ra như dưa hấu, hành tím ở Quảng Ngãi, cà chua, cà rốt ở Đà Lạt… và gần đây, chính chuối tiêu hồng ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cũng phải nhờ cộng đồng giải cứu. Còn anh trồng hơn 50ha chuối, sản lượng không hề nhỏ, anh không thấy liều sao?

- Quan điểm của tôi là làm đến đâu chắc đến đó và cái gì chắc thắng mới làm. Dựa vào lượng tiêu thụ hàng năm và các mối hàng, tôi mới quyết định có nên mở rộng diện tích hay không. Nói thật, bây giờ tôi mới có 50ha, chứ 500ha tôi cũng tiêu thụ hết.

Chuối là loại quả rất sạch, an toàn và bổ dưỡng, dễ ăn, hợp với nhiều người. Tuy nhiên nhiều năm nay, thị trường này đã bị “bỏ ngỏ”, hơn nữa chúng ta vẫn còn một thị trường rộng lớn là XK đi các nước mà người dân rất thích ăn chuối như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… nên đầu ra không đáng lo ngại. Điều đáng lo là làm sao để có đủ chuối đạt tiêu chuẩn XK. Vụ chuối năm ngoái, trừ chi phí tôi lãi hơn 5 tỷ đồng, nếu tính cả tiền bán chuối giống cũng gần 6 tỷ đồng.

Cho chuối “ăn” đậu tương

Tôi thấy chuối của bà con trồng cũng cho buồng to, quả tương đối đều và sản lượng lớn, sao lại thiếu chuối XK?

- Đúng là chúng ta đang có rất nhiều chuối, thậm chí dư thừa, nhưng chuối XK lại đang thiếu. Hiện diện tích chuối chiếm gần 20% diện tích trái cây cả nước, sản lượng 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên chúng ta mới xuất khẩu được 3.000 – 4.000 tấn chuối/năm, do các nước nhập khẩu yêu cầu rất cao: chuối phải có mẫu mã đẹp, quả căng mọng, mỗi nải từ 20 – 25 quả, nặng 3,5 – 5kg và đặc biệt không có chất bảo quản, dư lượng thuốc BVTV… Trong khi đó, chuối của chúng ta quả không đều, mẫu mã xấu, việc sử dụng thuốc BVTV chưa đúng cách, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch yếu dẫn đến sản phẩm khó XK.

Những năm gần đây chuối của anh chủ yếu được XK, bí quyết nào giúp anh có được sản phẩm chất lượng như vậy?

- Sau vài năm gắn bó với cây chuối, tôi đã “nhắm” đến thị trường XK, bởi chỉ có XK mới có thể tiêu thụ hết khối lượng sản phẩm lớn, cho giá trị kinh tế cao. Qua kinh nghiệm thực tế, tôi thấy nếu chuối bón phân vô cơ thời điểm tháng 6 – 7, vườn chuối trông rất đẹp, lá xanh mướt, nhưng khi vào đông thì lá thường chuyển sang vàng. Trong khi để đạt tiêu chuẩn XK, khi thu hoạch hầu hết lá cây chuối vẫn phải xanh.

Do đó tôi chuyển sang dùng phân chuồng là chính và ủ đậu tương để bón cho chuối. Tính ra 1kg phân vô cơ có giá 15.000 đồng, khi bón cây chỉ hấp thụ được 60%, còn lại là bị rửa trôi, dẫn đến đất bị bạc màu, trong khi 1kg đậu tương cũng chỉ 15.000 đồng, chuối “ăn” đậu tương vừa giữ được màu lá, quả to, căng đều và đặc biệt có màu rất sáng, ăn ngon và tăng chất đất cho vụ sau.


Để chuối đạt tiêu chuẩn XK, ngoài việc chăm sóc, thu hoạch đảm bảo kỹ thuật, đóng gói cũng đóng một vai trò rất quan trọng.

Thành lập Tập đoàn chuối 3T

Một “đối thủ” rất lớn của người trồng chuối, đó chính là chuối Dole của Philippines. Anh có lo lắng về điều này và hiện chuối của anh đã vươn tới những thị trường nào?

- Đúng vậy, không có cuộc chơi nào lại không có đối thủ. Điều chúng ta cần quan tâm là làm sao có sản phẩm tốt và giá cạnh tranh hơn thì sợ gì không có chỗ đứng. Chuối Dole của Philippines đã có thương hiệu và thị trường ở nhiều nước, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, chuối Dole quả nhỏ, mẫu mã xấu và chất lượng thấp hơn chuối tiêu hồng của ta. Song họ vẫn bán được 40.000 đồng/kg, trong khi chuối ta chỉ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Chúng ta chỉ cần XK được chuối với giá bằng nửa chuối Philippines là hàng nghìn nông dân đã có cơ hội làm giàu, thậm chí thành tỷ phú nếu biết trồng chuối đạt chuẩn XK. Hiện tôi vẫn chủ yếu XK sang các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…, với sản lượng bình quân  20 tấn/ngày. Tôi cũng đang liên kết với hàng chục hộ để có đủ lượng hàng XK.

Hiện đã có nhiều bài học về việc nông sản Việt Nam bị mất thương hiệu tại thị trường nước ngoài, anh đã có kế hoạch gì để xây dựng thương hiệu cho mình?

- Tôi đã rất lưu ý đến vấn đề này nên đã quyết định thành lập Công ty Thuận Tâm Thành và xây dựng thương hiệu chuối 3T. Hiện chuối 3T đã không còn xa lạ với người dân Hưng Yên và các tỉnh thành phía Bắc. Về lâu dài, tôi đang lên kế hoạch xây dựng dự án trình UBND tỉnh Hưng Yên để thuê hàng trăm ha đất trồng chuối quy mô lớn, với quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói ngang tầm với các tập đoàn sản xuất chuối lớn trên thế giới. Vừa qua Bộ KHCN và UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã phê duyệt dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chuối tiêu hồng Khoái Châu”, với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Nếu dự án thành công, nước ta sẽ có 1 tập đoàn chuối đầu tiên đưa chuối đi XK.

Xin cảm ơn anh!


Related news

nong-dan-dinh-don-phan-bon-gia-nhieu-chieu-tron-tranh-trach-nhiem Nông dân dính đòn phân… su-that-ve-chat-lam-chin-trai-cay-ethephon Sự thật về chất làm…