Mô hình kinh tế Vực Dậy Nghề Trồng Dâu Nuôi Tằm

Vực Dậy Nghề Trồng Dâu Nuôi Tằm

Publish date Saturday. July 20th, 2013

Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của người dân Hoài Ân. Riêng ở xã Ân Hảo Đông (Bình Định), hiện có khoảng 90 ha dâu và gần 200 hộ nuôi tằm. Vài năm trở lại đây giá kén tằm ở mức cao, đặc biệt từ đầu năm 2013 đến nay kén tằm được mùa, được giá, nên người nuôi tằm rất phấn khởi.

Từ đầu năm đến nay, người trồng dâu nuôi tằm (TDNT) ở Hoài Ân nói chung và ở Ân Hảo Đông nói riêng đều vui vì có một vụ tằm thắng lợi trên nhiều mặt: năng suất lá dâu cao, thời gian nuôi tằm kéo dài, năng suất kén tăng, giá kén cao. Anh Bùi Long Quang, ở thôn Hội Long - xã Ân Hảo Đông, thuê 1 ha đất để trồng dâu nuôi tằm; từ đầu năm đến nay anh đã nuôi 6 lứa tằm gồm 12 hộp trứng, thu được trên 550 kg kén; với giá kén hiện trên 135 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi xấp xỉ 50 triệu đồng.

Anh Bùi Thanh Sĩ, cũng ở thôn Hội Long, có kinh nghiệm trên 15 năm trồng dâu nuôi tằm, cho biết: Chưa có năm nào nghề TDNT thuận lợi như năm nay. Thông thường vụ nuôi tằm chính bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 6, nhưng vì đầu năm dâu chưa có lá, tháng 5-6 thì trời nắng nóng, tằm dễ bị bệnh, năng suất thấp.

Còn năm nay từ tháng 1 đến nay cây dâu phát triển tốt, tằm không bị bệnh. Những năm trước người nuôi chuyên nghiệp mới đạt được 40 kg kén/1 hộp trứng, năm nay đạt 45 kg/hộp là chuyện thường, riêng bản thân tôi có hộp đạt trên 53 kg kén.

Khôi phục nghề truyền thống TDNT là một trong những chủ trương trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Ân Hảo Đông, nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng thu nhập cho nông dân. Hiện nghề truyền thống TDNT ở đây đã hồi sinh và phát triển trở lại, nhưng chưa thật sự bền vững, chủ yếu là do phần lớn diện tích dâu của toàn xã đều trồng cách đây trên 15 năm, đến nay đã thoái hóa, thường xuyên bị bệnh, năng suất lá thấp.

Theo ông Nguyễn Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Đông: Hiện nay xã đã xây dựng dự án đầu tư cải tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả cây dâu tằm, như xây dựng mô hình TDNT theo hướng tập trung, xóa bỏ toàn bộ cây dâu cũ kém hiệu quả, đưa giống dâu F1 của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương về trồng để tăng sản lượng lá.

Tổ chức tập huấn kỹ thuật TDNT cho 220 hộ, triển khai các mô hình để nhân ra diện rộng. Trước mắt, dự án sẽ đầu tư 100 ha dâu trong năm 2013, sau đó sẽ đưa toàn bộ diện tích đất soi nà, bãi bồi ven sông sang TDNT, phấn đấu đạt 200 ha vào năm 2020.


Related news

nong-dan-chua-man-ma-voi-mo-hinh-nhan-nuoi-nam-xanh Nông Dân Chưa “Mặn Mà”… thanh-cong-tu-nhan-giong-chon-muop Thành Công Từ Nhân Giống…