Mô hình kinh tế Vượt Khó Làm Giàu Nhờ Khai Thác Hải Sản Vùng Biển Xa

Vượt Khó Làm Giàu Nhờ Khai Thác Hải Sản Vùng Biển Xa

Publish date Thursday. September 4th, 2014

Từ một người làm thuê trở thành chủ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Đãi (SN 1958), phường Mũi Né, TP Phan Thiết không chỉ tham gia đánh bắt hải sản xa bờ mà còn trao đổi những kinh nghiệm về kỹ năng vượt sóng gió và cách phát hiện luồng cá cho ngư dân.

Từ khi còn trẻ, ông Đãi từng làm nghề đi câu thúng chai rồi góp vốn đóng thuyền chung với bạn để đánh bắt thủy sản khắp các vùng biển. Từ năm 1999, ông đã tích lũy kinh nghiệm và có một số vốn nhất định, cùng với sự ủng hộ của gia đình ông mạnh dạn vay vốn đầu tư đóng mới 1 chiếc tàu cá công suất 223CV với số tiền 600 triệu đồng để hành nghề mành mực.

Lúc đó, nghề mành mực ở Mũi Né là nghề chủ lực ở địa phương. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản lượng và giá trị đánh bắt từ nghề mành có chiều hướng giảm. Mặt khác, với ngư cụ và phương pháp  đánh bắt truyền thống như nghề mành hiện nay thì sản lượng mang lại rất thấp và phụ thuộc khá nhiều vào ngư trường, mùa vụ. Chính vì vậy, gia đình ông đã đầu tư ngư lưới cụ và đóng mới thêm một tàu công suất 250CV để chuyển sang đánh bắt cá cơm bằng pha xúc.

Từ đây, đời sống của gia đình ông khá hẳn. Khi đã chủ động nguồn nguyên liệu cá cơm cùng với việc tìm hiểu đầu ra về sản phẩm chế biến cá cơm. Nhận thấy đây là cơ hội để phát triển kinh tế nên gia đình ông Đãi đầu tư xây dựng lò chế biến cá cơm vào năm 2004.

Cũng nhờ đầu ra của sản phẩm ổn định nên kinh tế gia đình ông cũng được cải thiện, nhà cửa khang trang, các con của ông đều có công ăn việc làm ổn định. Không chỉ làm giàu cho gia đình, lò chế biến cá cơm của gia đình ông Đãi còn tạo việc làm cho 50 lao động nhàn rỗi tại địa phương với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Trên cương vị phụ trách Tổ đoàn kết 31, ông Đãi xây dựng quy chế hoạt động phối hợp giữa các tàu thành viên rất cụ thể. Trong quá trình đánh bắt, các tàu có nhiệm vụ thông tin cho nhau về tình hình ngư trường và hỗ trợ nhau cứu hộ, cứu nạn.

Ngoài việc trao đổi những kinh nghiệm về kỹ năng vượt sóng gió và cách phát hiện luồng cá, ông Đãi còn gương mẫu và luôn ý thức về tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng khi làm ăn xa bờ. Những tháng năm lênh đênh trên biển đã cho ông nhiều bài học quý.

Ông nhận thấy: Muốn thu được kết quả cao từ nguồn lợi hải sản, nhất thiết phải làm tốt công tác bảo đảm hậu cần nghề cá. Từ kỹ thuật bảo quản cá, bảo đảm vật tư thiết yếu như xăng, dầu, phụ tùng máy móc đến lương thực thực phẩm và dụng cụ y tế, thuốc men...

Tuy nhiên, những chuyến đi biển có khi ròng rã cả tháng trời, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng với ngư dân cứ mỗi chuyến ra khơi như có thêm niềm vui riêng. Không ai nói ra, nhưng trong lòng mỗi ngư dân đều hiểu rằng, ra biển Đông thì họ được xem như là một người lính bảo vệ trên biển và tàu thuyền của họ là một cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau nhiều năm đánh bắt trên biển, giờ đây ông Đãi đã giao lại tàu cho con trai. Bây giờ, thỉnh thoảng ông Đãi lại ra khơi đánh bắt, phần vì nhớ biển, phần vì muốn “cầm tay chỉ việc” những kinh nghiệm quý mà ông đã tích lũy được qua hàng chục năm làm nghề đi biển cho thế hệ trẻ.

Nhờ đánh bắt và làm kinh tế giỏi, nên Hội Nông dân tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh khen thưởng ông tại Hội nghị sơ kết nông dân Bình Thuận sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ VIII (2012 - 2014) sẽ tổ chức vào cuối tháng 9/2014.


Related news

ha-quang-hon-6-ty-dong-ho-tro-chuyen-dich-co-cau-cay-trong Hà Quảng Hơn 6 Tỷ… duoc-mua-chua-duoc-gia Được Mùa, Chưa Được Giá