Trồng lúa Xác Định Lượng Phân Bón Cho Lúa Xuân Để Đạt Hiệu Quả

Xác Định Lượng Phân Bón Cho Lúa Xuân Để Đạt Hiệu Quả

Publish date Thursday. July 18th, 2013

Thực tế cho thấy, việc xác định lượng phân bón cung cấp cho cây trồng đảm bảo đủ và cân đối phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nhu cầu của cây trồng, đặc điểm đất đai, điều kiện thời tiết… Vì vậy, nông dân cần tìm hiểu, đánh giá một cách kĩ lưỡng và chính xác những yếu tố này khi bón phân cho cây trồng. Sau đây là những lưu ý trong việc bón phân cho lúa xuân để đạt hiệu quả:

Phân lân: Cây chỉ hút một phần lượng lân bón vào đất (tối đa khoảng 30%), lượng lân còn lại được cây trồng vụ sau sử dụng. Tuy vậy, ở những chân ruộng thôi chua, đất giàu sét, nhiều kim loại nặng (Fe, Al…), phân lân bón xuống ruộng dễ chuyển thành dạng khó hòa tan tồn trữ lại trong đất, cây trồng khó có thể hút được lượng lân đã bón. Do vậy, trên những chân đất này nông dân cần phải bón nhiều lân hơn so với chân đất khác và bón thêm một lượng vôi tả (tùy theo độ chua của đất có thể bón từ 15 - 20kg/sào bắc bộ), thậm chí còn phải đầu tư một lượng lân nhất định để bón thúc cho lúa khi bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh hữu hiệu.

Tuy vậy, khác với đạm, bón lân nếu vượt quá mức cây cần cũng không làm giảm năng suất và phẩm chất lúa sau này. Cho nên, không nhất thiết phải quá thận trọng với việc xác định lượng lân bón ruộng. Có thể bón nhiều hơn mức cây cần một ít để tránh trường hợp thiếu lân mà phân đạm không phát huy hết hiệu quả.

Lân chủ yếu dùng để bón lót vì nó là loại phân ít di chuyển, ít bị rửa trôi và lại rất cần cho sự phát triển của rễ và mầm. Chỉ bón thúc lân cho lúa khi ruộng có triệu chứng bị nghẹt rễ hoặc loại đất thôi chua, giàu sét…

Phân đạm: Xác định lượng đạm bón cho lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vụ trồng hơn là phụ thuộc vào đất. Vì trong lớp đất canh tác 20cm số lượng đạm huy động từ đất là rất ít. Cho nên, có thể nói, năng suất lúa cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào lượng đạm bón.

Xác định lượng đạm bón trước hết là dựa vào nhu cầu của cây lúa. Lúa lai, lúa năng suất có nhu cầu đạm cao hơn lúa thuần, lúa chất lượng. Mặt khác, xác định lượng đạm bón còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Thời tiết lạnh, ít mưa cần bón nhiều đạm cho lúa hơn (vụ xuân > vụ mùa). Cho nên, việc bón bao nhiêu đạm cho cây là phải “nhìn cây mà bón”, không nên áp dụng cứng nhắc theo quy trình, công thức.

Vụ xuân, đầu vụ rét, hoạt động phân giải phân đạm ở chất hữa cơ trong đất chậm, dẫn đến giai đoạn đầu đất không cung cấp đủ lượng đạm cho cây. Vì vậy, cần phải bổ sung một lượng đạm nhất định bằng phân hóa học (urê). Khi thời tiết ấm dần lên (giai đoạn giữa vụ) đạm ở chất hữu cơ được phân giải, thậm chí là lượng đạm bón thúc cho lúa đẻ nhánh đến lúc lúa đứng cái mới được phân giải (nếu đầu vụ thời tiết rét đậm), nếu bón đạm thêm lúc này cây lúa dễ bị lốp đổ do thừa đạm.

Phân kali: Kali là yếu tố thứ ba cây cần sau đạm và lân nhưng lại là nguyên tố cây hút nhiều nhất. Hàm lượng kali dự trữ có trong đất là rất lớn. Tuy nhiên, năng suất cây trồng càng cao, trồng nhiều vụ/năm thì lượng kali trong đất mất đi càng nhiều, do đó việc bón phân kali là tất yếu.

Việc xác định lượng kali bón cho lúa xuân cần căn cứ vào:

+ Nhu cầu nội tại của cây lúa: lúa lai cần nhiều kali hơn lúa thuần…

+ Tính chất của đất canh tác: đất không trồng màu, để ải giàu kali hơn đất trồng màu; đất sét giàu kali hơn đất cát; đất kiềm > đất chua, đất nặng > đất nhẹ…

+ Tập quán canh tác của nông dân: đất được bón nhiều phân chuồng giàu kali hơn đất không được bón, đất được vùi rơm rạ hoặc thân lá cây màu giàu kali hơn đất không được vùi.

Trong vụ xuân, nhiệt độ đầu vụ thấp nên ưu tiên bón kali sớm và nhiều hơn vụ khác. Nếu đất được trồng nhiều vụ (3- 4 vụ/năm), thời gian đất được nghỉ ngắn cần chú ý bón lót kali. Ngược lại, những chân ruộng chỉ cấy 02 vụ lúa và có điều kiện cày ải trong vụ đông thì chỉ cần bón ít và thúc vào các thời kì cây cần nhất (đứng cái làm đòng và trước trổ).


Related news

phong-tru-sau-duc-than-buom-2-cham-hai-lua-vu-mua Phòng Trừ Sâu Đục Thân… phong-tru-oc-buou-vang-hai-lua Phòng Trừ Ốc Bươu Vàng…