Xây Dựng Thương Hiệu Cho Lúa Việt Nam
Lúa hè thu vùng ĐBSCL bước vào thời điểm thu hoạch đại trà vào tháng 7 và 8 nhưng trong bối cảnh cung vượt cầu trên thị trường gạo thế giới đã tạo nên áp lực lớn đến việc tiêu thụ, xuất khẩu trong nước. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), xung quanh vấn đề này.
Tiêu thụ khó
PV: Thông thường lúa thu hoạch sớm đều được giá, nhưng vụ hè thu năm nay ngược lại. Diễn biến này nói lên điều gì trên thị trường lúa gạo?
Ông TRƯƠNG THANH PHONG: Trong các cuộc họp với bộ ngành và địa phương từ cuối năm 2012, mới nhất là tại cuộc họp sơ kết vụ đông xuân 2013, triển khai vụ hè thu tại tỉnh Đồng Tháp, VFA đã nhận định thế giới đang ở giai đoạn dư thừa nên việc tiêu thụ lúa gạo sẽ khó khăn, đặc biệt là vụ hè 2013. Chính vì vậy, trước đó Bộ NN-PTNT đã khuyến cáo các địa phương hạn chế hoặc không nên sản xuất lúa xuân hè ở vùng ĐBSCL, thu hoạch cuối tháng 5.
Chẳng lẽ lại khó đến mức giá lúa đầu vụ lại giảm mạnh như tuần qua, chỉ còn 3.500 đồng/kg đến 3.900 đồng/kg lúa tươi tại ruộng tùy loại lúa thường hay hạt dài, trong khi giá thành bình quân 1kg lúa hè thu theo công bố của Bộ Tài chính là trên 4.100 đồng?
Thông thường lúa vụ xuân hè và hè thu sớm chất lượng kém do nắng hạn đầu vụ, thiếu nước, cộng với tình trạng xâm nhập mặn nên hạt lúa không được tốt. Những năm trước, khi thị trường không quá kén chọn, việc tiêu thụ cũng tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, năm nay, thị trường cực kỳ khó khăn, cộng với diễn biến thời tiết diễn ra gay gắt hơn khiến chất lượng hạt lúa hè thu sớm quá kém, không thể xuất khẩu, kể cả bán tiêu dùng trong nước.
Tôi vừa đi Đồng Tháp và một số tỉnh và thấy rằng, nếu đấu trộn một phần gạo hè thu với 4 phần gạo đông xuân, khách hàng vẫn từ chối, trong khi những năm trước chỉ cần phối trộn một phần gạo đông xuân với 2 phần gạo hè thu là ổn. Vừa rồi, không ít nơi do mưa dông làm ngã đổ lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch, hàng sáo không dám mua vì chất lượng tệ hơn. Khoảng 79% nông dân có thói quen bán lúa tại ruộng, nên khi chưa có ai mua bà con để luôn trên ruộng khiến hạt lúa bị nảy mầm, càng khó bán hơn.
Cải thiện chất lượng gạo
Lúa hè thu chính vụ chất lượng có được cải thiện không, thưa ông?
Theo nhận định của chúng tôi, những trà lúa thu hoạch từ sau ngày 10-6 trở đi, đặc biệt là thời điểm thu hoạch tập trung vào tháng 7 và tháng 8, chất lượng sẽ tốt hơn nhờ gieo sạ theo đúng lịch thời vụ, thời tiết thuận lợi hơn. Do đó, giá lúa sẽ không sụt giảm mạnh như đầu vụ. Một điều cần chú ý, dù cung vượt cầu nhưng thị trường gạo thế giới vẫn có giao dịch. Lượng gạo hợp đồng các doanh nghiệp ký được đến đầu tháng 6 cao hơn cùng kỳ năm 2013 là 13%.
Thưa ông, thời gian mua tạm trữ từ ngày 15-6 đến 31-7 có phù hợp không khi thời điểm thu hoạch chính của vụ lúa hè thu là tháng 7 và tháng 8. Nếu tháng 8 diễn biến không như mong muốn thì có thêm biện pháp gì để cải thiện tình hình?
Đúng là mùa vụ thu hoạch chính lúa hè thu là tháng 7 và tháng 8. Do lúa hè thu giảm mạnh nên ngày 4-6, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, tương đương 2 triệu tấn lúa hàng hóa. Chỉ sau 2 ngày, giá lúa đã nhích lên 100 - 200 đồng/kg tùy loại. Vấn đề là phải mua tập trung, mạnh trong thời gian ngắn để kích giá thị trường trong nước. Như trên đã nói, thị trường gạo thế giới vẫn có người mua, nhưng nhà nhập khẩu chỉ mua khi giá giảm. Với kho trữ có hạn cũng như lực còn hạn chế nên tại cuộc họp Ban chấp hành VFA ngày 3-6 vừa qua, chúng tôi đã thống nhất giảm giá một chút. Khi có người mua sẽ là động lực để doanh nghiệp mạnh dạn mua vào, tạo được sự luân chuyển lúa gạo trong nước, giữ không cho giá giảm mạnh như hiện nay.
Vì sao giá gạo Việt Nam lại thấp hơn giá gạo cùng phẩm cấp của Ấn Độ và Pakistan?
2 thị trường mua nhiều nhất hiện nay là Trung Quốc (khoảng 3 triệu tấn/năm) và các quốc gia châu Phi (6,4 - 6,5 triệu tấn/năm) đều chỉ mua khi giá gạo giảm. Vì vậy, với gạo chất lượng cao, gạo thơm Trung Quốc mua của Việt Nam do giá rẻ hơn Thái Lan. Tháng 3 vừa rồi, khi VFA nâng giá bán một chút, ngay lập tức các giao dịch bị ngưng lại. Tương tự, do vận chuyển giữa Việt Nam đến các quốc gia châu Phi rất xa, cước phí lên đến 65 - 70 USD/tấn, so với gạo của Ấn Độ và Pakistan chỉ có 15 - 35 USD/tấn. Vì vậy, những nước này chỉ mua gạo Việt Nam khi thấp hơn giá gạo của 2 nước trên.
Trong bối cảnh khó khăn này, chúng ta hy vọng vào gì?
Nếu chúng ta giữ được giá lúa gạo trong nước ổn định hết tháng 7, không xuống quá thấp để người trồng lúa có thể lời đôi chút là đạt yêu cầu. Sau thời điểm đó, thị trường giao dịch thế giới sẽ sôi động hơn. Quan điểm của VFA là cần điều chỉnh lại việc sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Chỉ cần xuất 6 - 6,5 triệu tấn gạo chất lượng cao giá trị sẽ tương đương 7,5 - 8 triệu tấn gạo như hiện nay.
Cần chuyển một số diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu như đậu, bắp… cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi trong nước hiện nay mỗi năm nhập khẩu 3 - 4 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Muốn vậy phải cơ cấu lại diện tích, mùa vụ và giống cho cây lúa. Cụ thể, không nên trồng lúa xuân hè, diện tích lúa vụ 3 (thu đông) cũng vừa phải. Vì ngoài đông xuân, chỉ vụ 3 mới trồng được lúa thơm. Cần có giống lúa riêng của Việt Nam để xây dựng thương hiệu như KDM của Thái Lan, Basmati của Ấn Độ, Pakistan đều bán trên dưới 1.000 USD/tấn.
Giống lúa thơm Jasmine Việt Nam xuất khẩu khá nhiều nhưng là giống từ Mỹ. Trong khi giống OM 4900, cơm mới nấu thì thơm, để lâu mất mùi, lại cứng cơm. Giống lúa thơm ST của Sóc Trăng tính ổn định chưa đều và không thể mở rộng diện tích. Việt Nam cần có giống lúa riêng để xây dựng thương hiệu. Muốn vậy đòi hỏi sự ổn định lâu dài của giống lúa về chất lượng, gieo trồng được trên nhiều địa bàn khác nhau để có lượng lúa gạo hàng hóa lớn.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao