Tin thủy sản Xử lý bệnh nấm ở cá cảnh

Xử lý bệnh nấm ở cá cảnh

Author Lê Loan, publish date Saturday. February 27th, 2021

Nhiễm nấm là một trong những bệnh phổ biến thường thấy ở cá cảnh. Khi bị bệnh nặng mà không được điều trị cá sẽ yếu dần và chết, ảnh hưởng đến kinh tế của người nuôi.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân khiến cá bị nấm, như: bể có cá chết hay có sự phân hủy nhiều các chất hữu cơ trong khi đó việc vệ sinh bể không sạch sẽ làm chất lượng nước kém; Cá bị tổn thương, cá già hoặc cá đang có những bệnh khác.

Triệu chứng

Cá bị nhiễm nấm thường xuất hiện các triệu chứng bên ngoài như các vết bệnh đều có màu trắng (mịn, có lông tơ) đặc trưng. Khi cá bị nhiễm nấm nặng thì vết nhiễm nấm có thể chuyển sang màu xám thậm chí là màu đỏ.

Một số dạng bệnh

Bệnh nấm len bông: là một thuật ngữ được dùng để chỉ chung cho những loại nấm lây nhiễm trên da, vây và miệng của cá. Những phần nấm trắng (dạng như bông) thường phát triển ở những khu vực mà cá đã bị lây nhiễm trước, những chỗ có ký sinh trùng tấn công và cả những chỗ cá bị thương. Những loài nấm gây bệnh này thường là loài Saprolegnia Achyla. Một số loài nấm khác cũng có thể gây bệnh này và cũng có trường hợp tìm thấy nhiều loại nấm cùng gây bệnh trên cá.

Bệnh thối mang: Đây là loại bệnh nấm không thường gặp nhưng khi bị bệnh thì rất nguy hiểm cho cá. Khi bị nhiễm loại nấm này cá có dấu hiệu hô hấp bất thường như thở gấp gáp để lấy không khí. Các tơ mang và lá mang dính lại với nhau bởi chất nhầy và trên đó cũng xuất hiện các đốm trắng. Nguyên nhân của bệnh này là do nấm Branchiomyces, chúng tác động và có thể làm cho mang bị thối đi. Bệnh này thường xuất hiện khi cá bị stress mà nguyên nhân chủ yếu là do hàm lượng amoniac hoặc nitrat trong bể cao. Khi cá bị bệnh thì việc điều trị rất khó khăn và thường không thành công nhiều. 

Bệnh nhiễm nấm toàn thân: Bệnh nhiễm nấm toàn thân ở cá cảnh nhiệt đới ít gặp, rất khó chẩn đoán và điều trị. Một loại nấm có thể gây nhiễm bệnh này là Icthyophonus. Cá bị nhiễm bệnh có biểu hiện yếu ớt, bơi lội, hoạt động và kém ăn rõ rệt. Cá sống trong môi trường nước kém và hay thay đổi dễ bị mắc bệnh này. 

Phòng, trị bệnh

Khi phát hiện cá nhiễm nấm, cần thực hiện các biện pháp sau:

– Lập tức thay sạch nước trong bể cá nhiễm bệnh;

– Dùng sưởi để tăng nhiệt độ bể cá nên 30 – 32 độ C

– Cho xanh methylen vào bể với liều lượng 3 – 5 giọt/20 lít nước và thay nước liên tục một ngày/lần;

– Đối với các bể cá lớn nên bắt cá ra các bể nhỏ hoặc chậu có thể tích từ 20 – 40 lít tùy theo cá lớn hay bé. Sau đó tiến hành sục khí, cắm sưởi và thuốc như trên hoặc cũng có thể dùng tetracyclin, muối trắng , thuốc chuyên trị bệnh nấm có bán tại các cửa hàng cá cảnh như Tetra nhật, Bio Knock 2…

– Thực hiện liên tục cá sẽ sớm khỏi bệnh.

Để phòng bệnh trong quá trình nuôi, cần đảm bảo nước trong bể/hồ nuôi phải luôn sạch sẽ bằng cách cải tạo hệ thống lọc nước; Nguồn nước cấp cho bể cá phải được khử trùng đảm bảo không mầm bệnh; Cá mới mua về phải thả riêng và khử sạch bệnh trước khi cho vào bể…


Related news

luu-y-khi-su-dung-che-pham-sinh-hoc Lưu ý khi sử dụng… hieu-qua-nuoi-tom-the-chan-trang-vu-dong-tai-thanh-hoa Hiệu quả nuôi tôm thẻ…