Mô hình kinh tế Xử Lý Chất Thải Nuôi Gia Cầm

Xử Lý Chất Thải Nuôi Gia Cầm

Publish date Friday. November 7th, 2014

Ngày 31/10 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu giống gà Sơn Tinh (Tập đoàn Dabaco Việt Nam) ở xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh đã chính thức khởi công dự án xử lý chất thải chăn nuôi gia cầm do Tập đoàn Hoài Nam - Hoài Bắc (TP.HCM) thiết kế, thi công.

MỤC TIÊU

Theo kết quả khảo sát của Hoài Nam - Hoài Bắc, Trung tâm Nghiên cứu giống gà Sơn Tinh chủ yếu hoạt động nghiên cứu, ấp nở gia cầm, mỗi ngày có hơn 60 m3 nước thải ra môi trường.

Thành phần của nước thải hầu hết là các chất hữu cơ, vô cơ, vi sinh vật tồn tại ở dạng hoà tan, phân tán nhỏ hay có kích thước lớn hơn. Đặc trưng ô nhiễm của nước thải là ô nhiễm hữu cơ; ô nhiễm N, P và chứa nhiều loại vi trùng, vi khuẩn gây bệnh.

Hiện trạm ấp của trung tâm này đã có hồ sinh học để chứa nước thải, với hiện trạng thể tích hồ chứa chỉ đảm bảo chứa nước trong một thời gian nhất định nên Dabaco đã định hướng xử lý nước thải đạt quy chuẩn VN nhằm xả thải ra môi trường.

Việc xây dựng một hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh tại đây là rất cần thiết, nhằm thu hồi khí biogas, giảm bớt chi phí tiêu hao năng lượng, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, đem lại cho người dân trong khu vực một môi trường sống trong sạch, đảm bảo nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép, giúp trung tâm phát triển SX bền vững, hạ giá thành sản phẩm, đầu tư có lợi nhuận.

Việc dọn dẹp, vệ sinh thiết bị bằng nước ở đây đã tạo ra một lượng nước thải khá lớn. Nước thải chủ yếu từ khâu rửa trứng và dọn dẹp vệ sinh thiết bị. Hệ thống xử lý nước thải của trung tâm được thiết kế, xây dựng dựa trên những căn cứ sau: Lưu lượng nước thải; thành phần, tính chất nước thải; yêu cầu mức độ xử lý; các điều kiện tự nhiên và khí tượng, thủy văn khu vực; tình hình thực tế và khả năng tài chính; quy mô SX và xu hướng phát triển; khả năng đáp ứng thiết bị cho hệ thống xử lý; tận dụng tối đa các công trình hiện hữu.

Hoài Nam - Hoài Bắc đã tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đề xuất phương án dựa trên thực tiễn những công trình, thiết bị trong hệ thống xử lý nước thải hiện hữu của trại, nhằm đảm bảo chất lượng nước thải đạt theo tiêu chuẩn quy định và tận dụng tối đa những công trình thiết bị hiện hữu. Công nghệ xử lý nước thải thu hồi biogas đảm bảo hiệu quả xử lý, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn Cột A QCVN 40-2011/BTNMT.

PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ

Theo thiết kế của Hoài Nam - Hoài Bắc, hệ thống xử lý nước thải tại trạm ấp Sơn Tinh được vận hành tự động, ngoài ra còn có chế độ vận hành bằng tay khi gặp sự cố kỹ thuật. Theo đó, hệ nước thải theo đường mương dẫn vào các hố thu, sau khi các loại rác thải bị chắn giữ lại, nước thải chảy vào các hầm biogas được thiết kế với kỹ thuật thi công chuyên dụng đảm bảo hiệu quả xử lý triệt để các chỉ tiêu ô nhiễm có hàm lượng lớn.

“Với đặc điểm, tính chất đặc thù của trạm ấp Sơn Tinh, phương pháp xử lý nước thải hiệu quả nhất là kết hợp sinh học và hóa lý như đã trình bày ở trên. Với kinh nghiệm nhiều năm xử lý chất thải, từng thực hiện những dự án lớn gấp hàng trăm lần dự án này, chúng tôi khẳng định, sau khi hoàn thành, hệ thống xử lý chất thải của trạm ấp sẽ được xử lý dứt điểm, chấm dứt tình trạng ô nhiễm”, ông Huỳnh Viết Thanh, TGĐ Hoài Nam - Hoài Bắc.

Trong hầm biogas, dưới sự tác động của chế phẩm vi sinh tốc độ cao và sự tác động của các loại vi sinh vật kỵ khí sẽ lên men nước thải, làm giảm hàm lượng các chất ô nhiễm có trong nước thải, đồng thời sinh ra khí biogas quay lại SX. Ngoài ra các hầm biogas còn được thiết kế các hệ thống xáo trộn nước thải bên trong hầm, nhằm tránh lắng cặn và tạo điều kiện sinh khí biogas (CH4) triệt để nhất.

Nước thải sau hầm biogas nhờ có sự chênh lệch cao độ nước sẽ tự chảy vào các hố trung gian với hai bơm chìm để bơm nước thải lên bể anoxic. Tại đây, xảy ra quá trình xử lý các hợp chất hữu cơ nhờ vi sinh vật kỵ khí và thiếu khí. Bể anoxit là bể sinh học khuấy trộn bùn liên tục dạng kín. Sau đó, nước thải tiếp tục đi dến bể aerotank. Tại đây, nước thải được xáo trộn với các vi sinh vật hiếu khí nhờ không khí cấp vào từ máy thổi khí và hệ thống đĩa phân phối khí được phân bố đều trên đáy bể. Quá trình này tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật hiếu khí sinh trưởng và phát triển.

Trong quá trình tiếp xúc đó, vi sinh vật hiếu khí lấy các chất ô nhiễm có trong nước thải (nitơ, photpho, kim loại nặng…) làm thức ăn của chúng, làm tăng sinh khối và kết thành các bông bùn. Tại đây, dưới sự tác động của sinh vật hiếu khí và hệ thống phân phối khí trong bể các chỉ tiêu COD, BOD được xử lý hiệu quả 92 - 98% làm tăng chỉ số oxy hòa tan trong nước (DO). Mức duy trì chỉ số DO trong bể aerotank luôn ở mức 1,5 - 2 mg/l. Nước thải sau bể aerotank sẽ chảy vào bể lắng để loại bỏ các bông bùn vi sinh có trong nước thải. Lượng bùn này sẽ được bơm hoàn lưu bể anoxic, aerotank. Sau đó nước thải chảy vào bể khử trùng.

Bể khử trùng có tác dụng tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh có trong nước thải trước khi thải ra môi trường. Bể được thiết kế với nhiều vách ngăn nhằm tăng khả năng xáo trộn tự nhiên giữa hóa chất với nước thải nhằm đạt hiệu quả xử lý cao nhất. Hóa chất được cung cấp bằng các bơm định lượng. Bồn lọc áp lực nhằm mục đích loại bỏ các hợp chất lơ lửng không loại bỏ được từ quá trình lắng.

Tại các bồn lọc áp lực, quá trình làm sạch nước thông qua lớp vật liệu lọc nhằm tách các hạt cặn lơ lửng, các thể keo tụ và ngay cả vi sinh vật trong nước mà lắng không xử lý được. Bể chứa bùn được thiết kế để chứa bùn vi sinh thải từ bể lắng, bùn được cô đặc và bơm đi dùng để làm phân bón cho cây trồng.


Related news

quan-li-phan-bon-chong-cheo-om-dom Quản Lí Phân Bón Chồng… de-dung-vung-trong-tpp-manh-dan-di-vao-che-bien-thuc-pham Để Đứng Vững Trong TPP…