Tôm thẻ chân trắng Xử lý nước có độ pH cao như thế nào cho hiệu quả?

Xử lý nước có độ pH cao như thế nào cho hiệu quả?

Author XNKDelta, publish date Thursday. May 17th, 2018

pH trong nước quá cao và kéo dài sẽ làm tôm cá còi, chậm lớn thậm chí là chết. Xử lý nước có độ pH cao hay nói cách khác là giảm pH và giữ ổn định sẽ giúp cho tôm cá sinh trưởng và phát triển tốt

1/ Nguyên nhân làm pH trong nước cao

- pH của nước tăng khi thực vật hấp thu khí CO2 trong nước cho quá trình quang hợp. Mức độ tăng pH của nước phụ thuộc vào “tính đệm” của nước, tức là phụ thuộc vào độ kiềm. Độ kiềm càng lớn thì sự thay đổi pH càng ít. Ví dụ pH của phần lớn các nguồn nước ít khi vượt quá 10 vào buổi chiều hôm, vì khi đó xảy ra quá trình kết tủa của CaCO3 (đá vôi) do sự hình thành của CO3- ở pH cao và sự có mặt của ion Ca2+ trong nguồn nước.

- Hiện tượng trên xảy ra trong các nguồn nước có hàm lượng kiềm và độ lớn Canxi cao. Với các nguồn nước có nồng độ Ca thấp và độ kiềm cao (nước chứa nhiều Na, K, Mg), quá trình kết tủa của đá vôi (CaCO3) kém khi pH tăng do quá trình quang hợp của tảo, mức độ tăng mạnh hơn, có thể lên trên 10.

- Ví dụ một số nguồn nước có độ kiềm 50 – 60 mg/l nhưng nồng độ canxi chỉ 5 – 6 mg/l. Nguồn nước trên rất thích hợp cho tảo phát triển, nhưng pH của nước đôi khi tăng đến mức đầu độc tôm cá trong ao.

2/ Cách xử lý nước có độ pH cao hiệu quả

- Để giảm pH ngay có thể dùng phèn nhôm Al2(SO4)3.14H2O, khi hòa tan vào nước sẽ bị thủy phân:

Al2(SO4)3 + 6 H2O --> Al(OH)3 + 6H+

- Sử dụng phèn nhôm có thể giảm ngay pH của nước nhưng không làm ảnh hưởng gì tới điều kiện môi trường, chỉ làm cho nước nuôi trong hơn và tảo lại có điều kiện để phát triển tốt.

- Không chỉ có tảo gây ra pH cao mà cả các loại thực vật thân lớn, có rễ cũng làm tăng pH của nước, vì vậy đôi khi để hạn chế pH tăng cũng cần phải diệt cỏ dại và hạn chế tảo phát triển.

- Có thể sử dụng thạch cao thô (CaSO4) để hạn chế sự tăng pH đột ngột của nước. Khi bón thạch cao cho ao, làm tăng hàm lượng Ca và vì có độ cứng cao nên pH sẽ tăng chậm khi quá trình quang hợp xảy ra mạnh. Sự có mặt của Ca cũng làm giảm lượng Phospho trong nước dẫn đến sự kiềm hãm tảo phát triển, tức là hãm pH của môi trường nước.

- Bên cạnh đó người nuôi nên thường xuyên đo độ pH 2 lần mỗi ngày vào sáng và chiều tối để biết sự biến động của pH trong ao, từ đó can thiệp kịp thời để ổn định pH. Ngoài ra, nên dùng thường xuyên chế phẩm men vi sinh để ổn định màu nước, làm sạch nguồn nước giúp tôm cá sinh trưởng và phát triển tốt.


Related news

tong-hop-cac-can-benh-thuong-gap-va-cach-phong-tri-trong-nuoi-tom-phan-1 Tổng hợp các căn bệnh… so-sanh-dac-diem-nuoc-bien-va-nuoc-lo-trong-quan-ly-ao-nuoi-tom-phan-2 So sánh đặc điểm nước…