Mô hình kinh tế Xu Thế Phát Triển Tất Yếu Của Nông Nghiệp Hiện Đại

Xu Thế Phát Triển Tất Yếu Của Nông Nghiệp Hiện Đại

Publish date Sunday. September 29th, 2013

Cần tư duy mới

Thực tiễn sản xuất đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách cần có tư duy mới, cách tiếp cận hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp… Mô hình liên kết mới thật sự đạt được mục tiêu như mong muốn: hài hòa lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, để người nông dân không bị thiệt.

Phải có cơ chế đột phá

HTX Thủy sản Thới An với mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra ở Cần Thơ là một trong những “điểm sáng” sản xuất và kinh doanh khá hiệu quả. Ảnh: T. LONG

Thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL và cả nước phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Không chỉ vậy, đầu tư vào nông nghiệp cần vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi chậm. Ông Nguyễn Đăng Khoa, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhìn nhận: Để xây dựng các mối liên kết trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới bắt buộc phải từ doanh nghiệp.

Bởi doanh nghiệp mới có đủ điều kiện lo đầu vào, đầu ra cho sản xuất của nông dân. Nhưng do nhiều rủi ro hơn so với các ngành nghề khác nên nhìn chung nhiều doanh nghiệp rất ngán ngại đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Vậy nên, cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh, đột phá để thu hút doanh nghiệp.

"Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nên chăng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0%; hỗ trợ 100% chi phí bồi hoàn trong các khu công nghiệp. Ngân hàng nên có những chính sách cho vay trung hạn để doanh nghiệp đầu tư máy móc, nhà xưởng…; cho vay ngắn hạn để doanh nghiệp ứng vốn cho nông dân đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu… phục vụ sản xuất" – ông Khoa đề nghị.

Để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại, phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất. Vấn đề này nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đã lên tiếng, coi đây là cứu cánh quan trọng để phát triển nông nghiệp. Quy hoạch vùng sản xuất ổn định cho sản phẩm cũng là vấn đề cấp bách.

Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, quy hoạch phải rõ ràng, phải mang tính lâu dài. Cần quy hoạch tạo vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô sản xuất lớn, có chính sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho nông thôn, như: hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện… Thị trường bấp bênh chính là lý do sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ ban hành chính sách bình ổn giá đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; thành lập quỹ hỗ trợ nông dân trong sản xuất và công nghệ sau thu hoạch; có cơ chế để doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có trách nhiệm đầu tư, gắn kết với nông dân, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Chính sách tín dụng cho nông nghiệp hiện nay chưa thực sự tạo điều kiện cho các loại hình hợp tác vay vốn phát triển sản xuất.

Vì vậy, phải có cơ chế, chính sách cho nông dân vay vốn hoặc các mô hình liên kết được vay vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Song song đó, thường xuyên tổ chức đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm và có cơ chế, chính sách cụ thể để sớm nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp là điều cần thiết.

Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng, các chủ trương, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước không mang mục tiêu bao cấp. Các chủ trương, chính sách này phải được thực hiện một cách đồng bộ cùng với sự nỗ lực vươn lên của bản thân nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp thì mới có thể thành công.

Cách tiếp cận hiệu quả

Xây dựng các mối liên kết trong phát triển sản xuất đã có nhiều cách tiếp cận "tam nông" hiệu quả. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ: Từ năm 2001, thành phố đã có những mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nhưng do tổ chức sản xuất chưa chặt chẽ nên số lượng doanh nghiệp và nông dân tham gia ít dần. Từ bài học kinh nghiệm này thành phố đã có những bước đi chắc chắn, căn cơ.

Thực hiện mô hình nào phải đảm bảo "ăn chắc" thông qua 3 yếu tố cơ bản. Đó là: Phải có doanh nghiệp có tâm huyết, năng lực thực hiện đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Có mô hình liên kết và hệ thống thủy lợi phải đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất. Nông dân phải có trình độ tương đối để nắm bắt và đưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Từ nhu cầu hợp tác của các hộ nông dân để nuôi cá tra xuất khẩu, tháng 10 - 2003, Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ thành lập với 10 xã viên, 1 ao nuôi 3.000m2, vốn điều lệ 500 triệu đồng. Qua gần 10 năm hoạt động, đến nay, HTX đã có 36 xã viên, vốn điều lệ đạt 5,6 tỉ đồng và doanh số từ 1,5 tỉ đồng/năm tăng lên 300 tỉ đồng/năm. Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX, đột phá chính là HTX xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhiệt tình, có khả năng sắp xếp điều hành công việc tốt và có kinh nghiệm trong nghề nuôi cá tra.

Thu nhập bộ phận quản lý được trích 0,6% lợi nhuận trước khi thực hiện trích lập các quỹ. "Cách làm này tạo động lực cho cán bộ quản lý tìm phương thức sản xuất hiệu quả cao nhất, vừa nâng cao uy tín và lòng tin của xã viên đối với HTX" – ông Hải chia sẻ. Năm 2008, HTX đàm phán với Công ty Cổ phần Hùng Vương thỏa thuận nội dung hợp đồng mới trên cơ sở hợp tác đầu tư. Công ty khoán và cung cấp thức ăn; khoán chi phí khác bao gồm tiền nuôi cá giống, thuốc trị bệnh, công nuôi…

HTX tổ chức nuôi, giao sản phẩm cho công ty và hưởng giá trị trên sản lượng và phần chi phí do tiết kiệm được trong quá trình nuôi cá. Cách làm mới này, HTX và xã viên nuôi ao nhà, vốn đầu tư không nhiều, không rủi ro, chỉ cần tổ chức nuôi cá đạt yêu cầu hợp đồng với chi phí thấp nhất. 5 năm qua, HTX có lãi ổn định từ 1.500 – 2.000 đồng/kg cá trong khi nhiều người nuôi cá tra lâm vào cảnh lỗ, phá sản…

Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) là một trong những doanh nghiệp tiên phong và khá thành công xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL. Ngoài việc đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu (quy hoạch sản xuất tập trung, quy mô lớn; ký hợp đồng hợp tác sản xuất với nông dân; cung ứng vật tư nông nghiệp (giống xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); cho nông dân nợ không tính lãi 120 ngày;…), AGPPS đào tạo được 1.017 cán bộ "3 cùng". Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc AGPPS, chia sẻ: Đội ngũ này hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, quy trình canh tác từ khâu làm đất, xử lý giống đến quá trình thu hoạch cho cho nông dân.

Ngoài ra, cán bộ "3 cùng" hướng dẫn nông dân ghi chép "Nhật ký đồng ruộng", ghi lại toàn bộ quá trình sử dụng vật tư, xử lý dịch hại trong quá trình sản xuất để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm - một trong những yêu cầu tất yếu của thị trường hiện nay…". Kế hoạch đến năm 2020, AGPPS phát triển đội ngũ cán bộ "3 cùng" lên 4.000 người… Đây là cách tiếp cận mới của AGPPS trong triết lý kinh doanh "Cùng nông dân phát triển bền vững".

Công ty cổ phần nông nghiệp - sao không?

Theo Giáo sư Tiến sĩ Võ – Tòng Xuân, không chỉ dừng lại ở khâu cánh đồng mẫu vì thực chất đây chỉ là một mắt xích trong chuỗi giá trị. Chỉ lo phát triển cánh đồng mẫu mà không tổ chức cả chuỗi giá trị thì nông dân chưa giàu được. Cần phải có một tư duy mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo phương pháp chuỗi giá trị.

Đây cũng là nội dung tổng hợp để hình thành nông thôn mới. Theo đó, nhà nước cùng tư nhân đầu tư thực sự đích đáng cho nông thôn kiểu mới, tạo công ăn việc làm ở nông thôn bằng việc xây dựng cấu trúc hạ tầng tối thiểu, mở thị trường nông thôn, nâng cao trình độ quản lý nông thôn…

Nông thôn mới, đòi hỏi phải có nông dân kiểu mới. Theo Giáo sư Tiến sĩ Võ – Tòng Xuân, không được đào tạo một cách tràn lan, đủ loại kiến thức cho nông dân như cách làm hiện nay. Nông dân trong các HTX hoặc tập đoàn sản xuất có liên kết với doanh nghiệp đầu ra phải được đào tạo nhuần nhuyễn kiến thức và kỹ năng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP theo đặt hàng của doanh nghiệp. Nông dân kiểu mới sẽ không tự sản xuất theo ý, hoặc kinh nghiệm mà phải triệt để tuân theo tiêu chuẩn GAP.

Còn doanh nghiệp phải tìm, hoặc mở được thị trường tiêu thụ; tổ chức liên kết với nông dân vùng quy hoạch nguyên liệu, phối hợp với các cơ quan khoa học để có quy trình GAP huấn luyện cho nông dân, đầu tư cho nông dân sản xuất… Ngoài ra, doanh nghiệp phải lập kế hoạch thu hoạch nguyên liệu, chế biến theo kỹ thuật cạnh tranh, đăng ký xây dựng thương hiệu…

Tất cả việc làm trên nhằm tiến tới một chính sách mới hơn để nông dân gắn bó với doanh nghiệp. Đó là lập Công ty cổ phần nông nghiệp, mời nông dân thu mua cổ phần để gắn kết chuỗi giá trị sản xuất nông sản từ nguyên liệu đến thành phẩm có thương hiệu mạnh đưa ra thị trường. Cách làm này để lợi tức được phân bổ hợp lý cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị nông sản; trong đó, bảo đảm nông dân luôn luôn có cơ hội tích lũy lợi tức và doanh nghiệp cũng bảo đảm mức thu nhập.

Vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp phục vụ an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Lúa gạo, trái cây và thủy sản (cá tra, basa và tôm) là ngành hàng nông nghiệp rất quan trọng. Tiếp cận theo chuỗi giá trị nông sản bằng sự tham gia "4 nhà" để phát triển các hình thức liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Ngoài ra, phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa-gạo, trái cây, cá da trơn và tôm, lồng ghép nâng cao năng lực và thu nhập nông dân qua liên kết vùng và liên kết "4 nhà" cần thực hiện càng sớm càng tốt để làm nền tảng hỗ trợ thực hiện Nghị quyết "tam nông" thành công.


Related news

lua-thu-dong-dat-loi-nhuan-cao-hon-lua-he-thu Lúa Thu Đông Đạt Lợi… nhung-van-de-thach-thuc-doi-voi-cay-ca-phe-huong-hoa-quang-tri Những Vấn Đề Thách Thức…