Xuân Hòa (Nam Định) phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững
Từ đầu những năm 2000, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh, xã đã quy hoạch và chuyển đổi gần 30ha đất trồng lúa kém hiệu quả do nhiễm mặn sang NTTS. Để phát triển NTTS bền vững, xã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi thả và phòng bệnh cho các đối tượng nuôi thủy sản cho các hộ nuôi; đồng thời tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Những năm đầu, các hộ nuôi thả các giống cá truyền thống, giá trị kinh tế không cao. Đến năm 2006, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tôm sú, cá vược xen với cá truyền thống, tuy nhiên trong 2 năm 2008 và 2010 hầu hết các diện tích nuôi bị chết do ảnh hưởng của các đợt rét đậm đã gây thiệt hại cho nông dân trong xã. Trước tình hình trên, xã khuyến khích, vận động các hộ chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản chịu thâm canh, giá trị hàng hóa cao, thích hợp với phương thức nuôi bán thâm canh và thâm canh như: cá chép, cá trắm đen, tôm thẻ chân trắng…
Cùng với đó, các hộ nuôi đã rút kinh nghiệm qua từng vụ, tập trung vệ sinh cải tạo ao đầm, đầu tư cơ sở hạ tầng… nên những năm gần đây NTTS ở Xuân Hòa đã phát triển ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao. Nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi, từ năm 2012, xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện xây dựng các mô hình thí điểm nuôi cá lăng chấm, cá hồng mỹ, cá diêu hồng, tôm thẻ chân trắng xen cá rô phi… Kết quả các mô hình thành công hiện đã và đang được các hộ nhân ra diện rộng.
Theo hạch toán của các hộ nuôi trong xã, mỗi ha nuôi cá lăng chấm cho thu hoạch trung bình 7 tấn, lợi nhuận đạt 300 triệu đồng; nuôi trắm đen cho thu hoạch 6 tấn, lợi nhuận đạt 240 triệu đồng; cá hồng mỹ 4,4 tấn, lợi nhuận đạt 115 triệu đồng… Đặc biệt mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng xen cá rô phi đã thể hiện nhiều ưu điểm, cả 2 đối tượng nuôi đều lớn nhanh, không bị bệnh và hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn, mỗi ha cũng thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng.
Cá rô phi phàm ăn, ít mắc bệnh, nuôi ghép với tôm tạo ô-xy, tận dụng dọn sạch những thức ăn thừa của tôm, giúp giảm thiểu lượng chất thải, ô nhiễm tại đáy ao, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nước trong ao. Năm 2006, được Đảng ủy, UBND xã Xuân Hòa tạo điều kiện cho đấu thầu 2,77ha vùng đất bãi ven sông Sò, ông Lê Văn Bản, xóm 15 đã đầu tư vốn, đào ao, đưa cá vược vào nuôi thả nhưng do thiếu kinh nghiệm và do thời tiết khắc nghiệt nên ông đã 2 lần gặp thất bại. Không nản chí, ông tiếp tục nuôi thả giống cá vược này xen lẫn cá trắm đen, các loại cá truyền thống. Năm 2012, gia đình ông đã thu hoạch được gần 40 tấn cá vược; 7 tấn/ha cá trắm đen và gần 5 tấn/ha các loại cá truyền thống, thu lãi trên 400 triệu đồng.
Từ năm 2013 tới nay, ông chuyển diện tích nuôi cá truyền thống sang nuôi tôm thẻ chân trắng xen cá rô phi và nuôi cá lăng chấm. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu 1,5 tỷ đồng, lãi từ 500 - 700 triệu đồng từ nuôi thủy sản. Hiện nay, nhiều hộ nông dân tại vùng NTTS tập trung của Xuân Hòa có thu nhập cao, tiêu biểu là hộ các ông: Ngô Quang Thanh có 2,4ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp, mỗi năm cho lợi nhuận trên dưới 1 tỷ đồng; Trần Văn Cường có 1,1ha nuôi bán thâm canh tôm thẻ chân trắng ghép cá rô phi, lãi 300 - 350 triệu đồng/năm; Hoàng Văn Thường có 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng và cá lóc bông mỗi năm lãi 200 - 250 triệu đồng…
Để khắc phục những khó khăn do yếu tố thời tiết, dịch bệnh, thị trường, con giống, thức ăn, đồng thời nâng cao tính cộng đồng trong bảo vệ môi trường vùng nuôi, cuối năm 2014, các hộ nông dân NTTS trong xã đã thành lập HTX NTTS xã Xuân Hòa. Đến nay, mô hình HTX NTTS đã tạo sự liên kết giữa các hộ gia đình trong toàn xã, tương trợ lẫn nhau trong việc ứng dụng công nghệ NTTS, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. HTX đứng ra giám sát về con giống, thức ăn, thuốc thú y và đối phó dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ…
Theo từng thời điểm, HTX quan sát, kiểm tra độ mặn của nước để thông báo cho các hộ dân lấy nước nuôi tôm, đảm bảo môi trường nước phù hợp cho tôm sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện HTX đã thu hút 20 hộ tại địa phương tham gia. Để hoạt động NTTS đạt hiệu quả cao, HTX thường xuyên tổ chức cho hội viên sinh hoạt để nhận xét, đánh giá, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và rút kinh nghiệm nuôi thả trong hợp tác sản xuất. HTX có trách nhiệm tư vấn, tham gia, tổ chức hội nghị đầu bờ cho các hộ trao đổi rút kinh nghiệm.
Việc thực hiện mô hình HTX NTTS tại xã Xuân Hòa đã đem lại hiệu quả cao cho các hộ nuôi trong xã. Qua hợp tác sản xuất, các hộ nuôi ở Xuân Hòa đã tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo về số lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi, NTTS ở Xuân Hòa còn gặp một số khó khăn như nước sông lên xuống phụ thuộc vào thủy triều nên không chủ động được việc lấy nước. Hệ thống kênh cấp và kênh thải tuy riêng biệt nhưng kênh thải lại xả nước trực tiếp ra sông, ngay gần cống cấp, nước thải của ao nuôi không qua xử lý, gây ô nhiễm cho cấp tại chỗ và các khu nuôi khác.
Thời gian tới, xã Xuân Hòa tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tới các hộ nuôi nhằm nâng cao trách nhiệm, tính cộng đồng từ việc cải tạo ao, lấy và thải nước hợp lý, bảo vệ môi trường nuôi. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật từ con giống sạch bệnh, xử lý nước, thức ăn, chăm sóc phòng bệnh tốt giúp cho vùng nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Xã tiếp tục khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế, các hộ dân đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng, ao nuôi, hệ thống giao thông, cấp thoát nước... nhằm phát triển NTTS bền vững.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao