Xuất hiện nhiều loại bệnh trên cây mì
Theo thống kê của Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Krông Pa, tại địa bàn các xã: Uar, Ia Rsai, Chư Rcăm, Ia Mlah… đã có ít nhất 65 ha mì của gần 40 hộ dân được phát hiện nhiễm bệnh lở cổ rễ. “Vụ này mình trồng 1,8 ha mì nhưng không hiểu sao cách đây khoảng chục ngày, nhiều đám mì tự nhiên héo chết. Mình được cán bộ tư vấn và mua thuốc điều trị, đến nay bệnh đỡ rồi nhưng xung quanh vẫn bị rất nhiều”-anh Rơ Ô Thương (buôn H’Mung, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) nói.
Ngoài ra, bệnh sinh lý cũng đã được ghi nhận với khoảng 20 hộ có vườn mì nhiễm bệnh, diện tích nhiễm khoảng 57 ha. Các xã có diện tích mì nhiễm bệnh sinh lý bao gồm: Ia Mlah, Chư Gu, Ia Rmok, Ia Rsươm và thị trấn Phú Túc. Ông Trương Văn Trường (khu phố 12, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa), cho biết: Đầu tháng 7 vừa qua, ông phát hiện 3 ha mì của gia đình mình có biểu hiện bạc trắng lá và chết rất nhanh. Ngay lập tức, ông tìm đến Trạm Bảo vệ Thực vật huyện và được nhân viên Trạm tư vấn mua thuốc về phun. Đến nay, bệnh cơ bản đã được khống chế.
“Một vài năm trước, trên địa bàn cũng đã xuất hiện loại bệnh này, tuy nhiên mức độ và tỷ lệ gây hại rất ít. Năm nay mới bước vào đầu vụ một thời gian đã thấy bệnh phát triển khá nhiều”- ông Huỳnh Nam Long - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Krông Pa, chia sẻ. Trước tình hình trên, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Krông Pa đã ra thông báo đột xuất gửi các xã, thị trấn và các phòng ban chuyên môn cùng phối hợp tuyên truyền cho bà con nhân dân trên địa bàn tác hại, cách phòng trừ của các loại bệnh này, tránh để bệnh lây lan thành dịch. Hiện tại, các loại bệnh này đã được khống chế khoảng 70%.
Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân xuất hiện các loại sâu bệnh trên phần lớn là do thời tiết thời gian qua nắng mưa thất thường, độ ẩm và nhiệt độ chênh lệch nhiều. Trong khi đó, nguồn bệnh có sẵn trong đất và giống, gặp điều kiện thời tiết thuận lợi phát sinh và gây hại. “Đáng chú ý là các loại bệnh trên đều có khả năng lây lan rất nhanh qua môi trường nước, không khí. Bệnh chỉ có thể khống chế và điều trị được nếu phát hiện sớm, vì theo diễn biến chúng tôi nắm được qua thực tế tại đồng ruộng của một số hộ dân, bệnh gây hại khiến cây mì bị chết chỉ sau một vài ngày”- ông Long cho biết.
Hiện nay, trên thị trường đã có nhiều loại thuốc có thể áp dụng điều trị các loại bệnh này. Trạm Bảo vệ Thực vật huyện đã tư vấn cho bà con sử dụng các loại thuốc gốc đồng, Ridomil Gold 68WV, Benlat-C… Bên cạnh đó, cán bộ Trạm cũng hướng dẫn cho bà con đảm bảo chế độ chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho cây non, làm sạch cỏ, kết hợp giữa chăm sóc và điều trị một cách tốt nhất. “Quan trọng nhất là bà con nên theo dõi sát sao đồng ruộng, phát hiện sớm các dấu hiệu sâu bệnh gây hại để xử lý, tránh lây lan gây thiệt hại nặng hơn cho chính mình và các vườn xung quanh”- ông Long nhấn mạnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao