Mô hình kinh tế Xuất khẩu gạo nhiều tín hiệu khả quan

Xuất khẩu gạo nhiều tín hiệu khả quan

Publish date Thursday. October 15th, 2015

Thị trường được nhận định sẽ khả quan từ nay cho đến đầu năm 2016.

Sau khi trúng thầu bán 450.000 tấn gạo cho Philippines, mới đây, lại có thêm thông tin, Việt Nam tiếp tục giành được hợp đồng bán 1 triệu tấn gạo cho Indonesia.

Thời gian giao hàng của cả hai hợp đồng đều cùng thời điểm tính từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016.

Trong số 1 triệu tấn gạo trúng thầu này, có khoảng 750.000 tấn loại 15% tấm và 250.000 tấn loại 5% tấm.

Thị trường nội địa ấm lên

Việc trúng thầu gạo là tín hiệu tốt, đẩy giá lúa gạo thị trường nội địa đi lên.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, sau khi Việt Nam trúng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo cho Philippines, giá thóc, gạo ở ĐBSCL đã tăng dần lên. 

Đến nay, giá thóc gạo ở ĐBSCL đã tăng khoảng 300 - 400 đồng/kg khiến nông dân rất phấn khởi.

Tại An Giang, giá lúa IR 50404 hiện là 4.100 đồng/kg tại ruộng (giá lúa ướt); lúa Jusmin 5.700 đồng/kg (giá lúa khô). 

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng từ nay đến đầu năm 2016, giá lúa sẽ tiếp tục tăng, do những tín hiệu tích cực về thực hiện các hợp đồng xuất khẩu tập trung.

Nhận định về xu hướng thị trường xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm, ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết xuất khẩu gạo những tháng cuối năm của Việt Nam được dự báo sẽ tốt hơn do thời tiết khô hạn (El Nino) gây sụt giảm sản lượng ở nhiều nước nhập khẩu lớn gạo của Việt Nam như Malaysia, Indonesia… 

Nhu cầu gạo tại các thị trường truyền thống đang có những tín hiệu hồi phục tích cực.

Bên cạnh đó, sau chuyến thăm Trung Quốc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thị trường xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng đã được "khơi thông", "cho nên từ nay đến cuối năm, thị trường này có lẽ sẽ được khôi phục và thoát ra khỏi tình trạng rất trầm lắng như những tháng đầu năm nay".

Trước đó, các chuyên gia đưa ra dự báo xuất khẩu gạo cả năm sẽ sụt giảm mạnh, tuy nhiên nhờ những tín hiệu tích cực từ những thị trường nhập khẩu, nên VFA đưa ra dự báo, khả năng xuất khẩu gạo cả năm 2015 vẫn có thể đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra, tương đương trên 6 triệu tấn. 

Số liệu thống kê từ VFA cho thấy xuất khẩu gạo chính ngạch trong 9 tháng đầu năm 2015 có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 9/2015, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp hội viên đơn vị này đạt hơn 532.000 tấn, trị giá FOB đạt hơn 216 triệu USD.

Lũy kế xuất khẩu gạo ngày 1/1 - 30/9/2015 đạt hơn 4,3 triệu tấn, giá trị khoảng 1,95 tỷ USD, giảm 9,12% về khối lượng và giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Nguyên nhân là do nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam trong các tháng đầu năm sụt giảm mạnh, cộng với yếu tố giảm giá sản phẩm.

Cơ hội cho ngành lúa gạo rõ ràng đã sáng sủa hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ngành lúa gạo muốn thực sự phát huy hiệu quả hoạt động, thực sự nắm bắt được những cơ hội này cần phải khắc phục những yếu kém nội tại. 

Tích cực "khơi thông" thị trường

Ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho rằng ngành lúa gạo của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ đến từ các nước láng giềng như: Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar...

Bên cạnh đó, hai thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam là Phillippines (chiếm 12%) và Indonesia (chiếm 5% thị phần xuất khẩu) cũng đang có chiến lược gia tăng sản xuất nhằm từng bước tự cung về lương thực. 

Một trong những nút thắt của ngành lúa gạo Việt Nam là nông dân làm việc vất vả với cây lúa nhưng vẫn bấp bênh.

Vùng ĐBSCL hiện chiếm 53% diện tích sản xuất và gần 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước nhưng nông dân tại đây vẫn chưa thể làm giàu từ cây lúa. 

Cùng với đó, cơ chế chính sách xuất khẩu gạo vẫn còn nhiều bất cập.

Ts.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng hiện cơ chế xuất khẩu gạo chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp lớn, không tạo cơ hội cho những doanh nghiệp nhỏ cùng tham gia, dẫn đến khả năng cạnh tranh của thị trường lúa gạo Việt Nam so với các nước yếu dần.

Ông Nguyễn Đình Bích - Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), phân tích bất cập của ngành lúa gạo chính nằm ở chuỗi giá trị, trên thế giới không có quốc gia nào có chuỗi giá trị lúa gạo dài như Việt Nam.

Hệ quả của nó là lợi nhuận trong chuỗi giá trị bị "chia năm xẻ bảy", cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều ít được hưởng lợi từ chuỗi giá trị này. 

Bên cạnh đó, dù Đề án "Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng thực tế, để làm được thương hiệu phải cần một khoảng thời gian nhất định.

Hiện tại, gạo Việt Nam vẫn chưa có tên tuổi, chất lượng thấp nên khó thâm nhập được vào những thị trường khó tính.

Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, bên cạnh việc khắc phục những yếu kém nội tại của ngành, Bộ NN&PTNT đưa ra nhiều giải pháp trong đó tăng cường xúc tiến thương mại để thúc đẩy ký hợp đồng tập trung tại các thị trường truyền thống như Malaysia, Indonesia vào thời gian tới.

Xúc tiến chuẩn bị điều kiện mở thị trường gạo với Mỹ, Mexico, Chile sau khi kết thúc Hiệp định TPP.

Tăng cường khả năng cạnh tranh để khôi phục thị phần đã mất ở các thị trường cạnh tranh gay gắt, nhất là các nước châu Phi, Hồng Kông…


Related news

tha-ca-giong-tren-ho-thuy-dien-tuyen-quang Thả cá giống trên hồ… chuoi-gia-tri-ca-tra-boi-lui-trong-hoi-nhap Chuỗi giá trị cá tra…