Mô hình kinh tế Xuất Khẩu Hồ Tiêu Căng Thẳng Nguồn Hàng

Xuất Khẩu Hồ Tiêu Căng Thẳng Nguồn Hàng

Publish date Monday. August 12th, 2013

Theo Bộ NNPTNT, khối lượng tiêu xuất khẩu 7 tháng từ đầu năm đã tăng 22,8% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong 5 tháng còn lại của năm 2013, dự báo nguồn cung hồ tiêu sẽ rất căng thẳng.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay đã giảm 4% so với cùng kỳ năm 2012. Thị trường xuất khẩu tiêu của Việt Nam 7 tháng qua tập trung nhiều ở châu Âu (34%), châu Á 35%, châu Mỹ 22%, châu Phi 9%.

Báo động suy giảm sản lượng

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng tiêu cả nước niên vụ 2013 đạt khoảng 95.000 tấn, giảm khoảng 15% so với vụ năm 2012 và cho đến thời điểm này, cả nước chỉ còn 15.000 tấn phục vụ cho xuất khẩu (XK). Suốt nhiều năm qua, Việt Nam là cường quốc XK tiêu lớn nhất thế giới, nhưng ngành hồ tiêu vẫn tồn tại nghịch lý, đó là diện tích tăng, sản lượng giảm.

Năm 2011, cả nước có 53.000ha trồng tiêu, đạt sản lượng 125.000 tấn; năm 2012 đạt 57.500ha, sản lượng đạt 115.000 tấn; năm 2013, diện tích trồng tiêu tăng lên 60.000ha, nhưng sản lượng giảm chỉ còn 94.000 tấn. Hồ tiêu hiện chỉ chiếm 2,5% diện tích trong tổng số gần 2 triệu ha của 5 loại cây công nghiệp ở nước ta, nhưng chiếm trên 8% giá trị xuất khẩu. Giá trị kinh tế của tiêu hiện đạt khoảng 6.800 USD/ha/năm, cao gấp 4 lần cao su, gấp 8 lần hạt điều, gấp 2,6 lần cà phê và gấp 6 lần chè. Mỗi ha trồng tiêu có thể lãi 200 - 250 triệu đồng/năm.

Vì trồng tiêu thu được siêu lợi nhuận nên thời gian qua, nhiều nông dân ở Tây Nguyên đã ồ ạt chặt cà phê, điều… để chuyển sang trồng tiêu. Điều đáng lo ngại là nhiều nông dân trồng cả những giống tiêu không rõ nguồn gốc, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại.

Khảo sát của Cục Trồng trọt cho thấy, năng suất bình quân hồ tiêu hiện đã giảm xuống chỉ còn 2,4 tấn/ha (năm 2010 đạt 3-3,5 tấn/ha). Đồng Nai là tỉnh có diện tích trồng thêm nhiều nhất, tăng khoảng 1.000ha so với năm 2011 nhưng năng suất giảm từ hơn 2 tấn/ha năm 2011 xuống còn 1,4 tấn/ha trong năm 2013. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, năng suất trung bình cũng giảm, chỉ còn 1,72 tấn/ha...

Đối sách nào cho xuất khẩu?

Theo ghi nhận của VPA, giá tiêu tại các sàn giao dịch ở Ấn Độ và giá nhập khẩu của thị trường châu Âu, châu Mỹ đang tăng trở lại. Nguyên nhân là do nguồn cung của những nước sản xuất tiêu chính trên thế giới như Việt Nam, Ấn Độ đều không còn nhiều. Trong khi đó, những nước như Malaysia, Indonesia đang trong giai đoạn thu hoạch tiêu cũng cho sản lượng khiêm tốn.

Hiện thương nhân nước ngoài đang tăng cường mua tiêu để đầu cơ, các DN nước ta không nên vội vã ký kết hợp đồng XK khi chưa có chân hàng trong tay, vì nguy cơ giá tiêu sau đó sẽ tăng vượt hơn mức giá mà DN đã ký”.

VPA cho rằng, giá tiêu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, vì trong nước chỉ còn khoảng 15.000 tấn tiêu tồn kho, và hiện nay, thương nhân nước ngoài đang đổ vào Việt Nam để mua tiêu.

Trong khi nguồn cung ở nhiều nước sản xuất chính giảm sút thì nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu thế giới vẫn tăng, điều này dự báo sẽ tạo nên những diễn biến khó lường về thị trường xuất khẩu, và giá tiêu trong những tháng cuối năm sẽ còn bất ngờ.

VPA khuyến cáo: Các DN cần hết sức thận trọng trong giao dịch ký kết hợp đồng xuất khẩu về số lượng, thời gian giao hàng, giá cả, phương thức thanh toán… nhằm tránh hiện tượng "xù" hợp đồng, "xù" thanh toán, dẫn đến khiếu kiện mà rủi ro, thua lỗ thường thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.


Related news

chuoi-chin-vang-bat-mat-sau-mot-dem-nho-hoa-chat Chuối Chín Vàng Bắt Mắt… nguoi-phu-nu-tay-cuu-che-ngam-la Người Phụ Nữ Tày Cứu…