Thống kê thủy sản Xuất khẩu tôm dự báo cán mốc 4 tỷ USD

Xuất khẩu tôm dự báo cán mốc 4 tỷ USD

Author Thủy Chung, publish date Wednesday. July 14th, 2021

Với mức tăng trưởng hai con số tại nhiều thị trường chính, xuất khẩu (XK) tôm trong 6 tháng đầu năm đạt trên 1,7 tỷ USD. Các doanh nghiệp chế biến tôm đang tăng tốc thực hiện các đơn hàng xuất khẩu. Dự báo ngành tôm sẽ cán mốc 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Chiếm vị trí số 1 nhiều thị trường

XK tôm trong tháng 6/2021 đạt khoảng 402 triệu USD, tăng 15%. Kết quả này đưa tổng kim ngạch XK tôm trong 6 tháng đầu năm lên 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo phân tích của bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, những thị trường XK chính của tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức đều đang gia tăng nhập khẩu tôm, do vậy XK tôm của Việt Nam sang những nước này tăng trưởng rất tốt. Trong đó, XK tôm sang Mỹ đang có đà tăng trưởng hàng tháng ở mức 45 - 46%, Nhật Bản tăng 17%, Hàn Quốc tăng 10%, Đức 60%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch XK thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt trên 4,1 tỷ USD. Trong đó, XK tôm đạt 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái; XK các sản phẩm hải sản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 16%... Với đà tăng trưởng hiện nay, XK thuỷ sản năm 2021 có thể cán đích 8,8 - 9 tỷ USD.

Trừ thị trường Mỹ và Trung Quốc, tôm Việt Nam đang đứng vị trí số 1 tại hầu hết các thị trường với kim ngạch nổi trội hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, tại Mỹ, thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất (chiếm 30% nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 22% XK tôm Việt Nam), tôm Việt Nam đứng sau Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Ấn Độ chiếm tỷ trọng chi phối tại Mỹ là 33%, trong khi Indonesia chiếm khoảng 25%, Ecuador chiếm khoảng 15%, Việt Nam chiếm khoảng 8,5%.

Là mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, tôm Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường nhiều nước. Hiện nay, thị trường CPTPP vẫn là khối thị trường XK hàng đầu của các DN tôm Việt Nam. Cho tới nay, XK tôm sang hai thị trường Mỹ và EU vẫn khá ổn định và tăng trưởng tốt. Cả hai thị trường này đều tăng cường nhập khẩu tôm chân trắng đông lạnh từ Việt Nam.

Nửa đầu năm nay, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, tôm thẻ thịt hấp, chế biến chiếm gần 47% trị giá tôm XK sang Mỹ với giá trung bình từ 10,15 – 11,5 USD/kg. Hiện Việt Nam là 1 trong 4 nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường Mỹ. Cho tới thời điểm này, sản phẩm tôm Việt Nam đang cạnh tranh khá tốt tại Mỹ.

Năm 2020, bức tranh nhập khẩu tôm của châu Âu không mấy khả quan. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, nhu cầu tiêu thụ tôm, đặc biệt là tôm chân trắng của nhiều nước châu Âu đã tăng trở lại. Giá trị XK tôm sang EU, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Vượt khó để đạt 4 tỷ USD

Theo các doanh nghiệp XK tôm, cái khó bám riết ngành tôm, chẳng hạn đối với nuôi tôm nguyên liệu, mọi thứ đầu vào đều tăng giá, nhất là thức ăn. Lĩnh vực chế biến xuất khẩu cũng trong hoàn cảnh tương tự, nổi cộm nhất là giá thuê container lạnh tăng quá cao, thậm chí tăng hơn 5 lần bình thường (tuyến đi EU), gây mất mát không nhỏ cho các doanh nghiệp tôm.

Sự bùng phát Covid-19 tác động không nhỏ mọi miền đất nước. Nhìn chung là ngành tôm may mắn và có nhiều nỗ lực phòng chống dịch, nhất là trong các cơ sở chế biến nên tạm ổn. Các doanh nghiệp ngành tôm hoàn thành nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển ngành.

Hiện các doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, tranh thủ tận dụng lợi thế do nhiều nước sản xuất tôm khác vẫn đang còn gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, như: Ấn Độ, Thái Lan,... để tăng tốc XK. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, hiện nay các DN tiêu thụ tôm khá ổn, phần nào do thiếu hụt nguồn tôm từ Ấn Độ, nhất là tôm cỡ lớn. Kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm năm nay dự kiến tăng khoảng 15% so năm rồi. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường hàng đầu, tiếp theo là EU, Nhật Bản... Nhìn chung cơ cấu thị trường không có biến động đáng kể.

Ngoài ra, ngành tôm cũng có sự chuẩn bị khá tốt cho bước tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch như cơ sở chế biến được xây thêm hoặc mở rộng công suất. Các cơ sở cung ứng trong chuỗi giá trị con tôm cũng phát triển khá đồng bộ. Tuy vậy, vẫn có những hạn chế, tồn đọng lớn, đó là: việc đánh mã số cơ sở nuôi tôm còn quá chậm, gây khó khăn cho việc báo cáo nguồn gốc lô hàng tới khách hàng nước ngoài; còn quá ít cơ sở nuôi đạt các chuẩn quốc tế như ASC, BAP nhằm chinh phục các hệ thống tiêu thụ cao cấp, nâng tầm tôm Việt; cần có chính sách đất đai mạnh mẽ để hình thành các trang trại nuôi lớn. Chỉ trang trại nuôi lớn mới có điều kiện đầu tư, triển khai các công nghệ nuôi tiên tiến làm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh mạnh mẽ cho tôm Việt.

Tổng quan trong 6 tháng đầu năm, bức tranh ngành tôm có gam màu khá sáng. Trong đó điểm nổi bật là phòng chống dịch tốt và đạt tỉ lệ tăng trưởng cao. Trên nền tảng khá tốt này, tin tưởng người nuôi tôm sẽ an tâm thả nuôi vụ hai vì giá tôm đang tốt. Qua đó, các cơ sở chế biến có thêm nguyên liệu để thêm các đơn hàng xuất khẩu và năm nay ngành tôm sẽ cán mốc 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng các DN cần vượt qua, đó là diễn biến

Covid-19 phức tạp và khó lường; chi phí đầu vào cho nuôi và chế biến tôm tăng cao; tình trạng thiếu container và cước tàu vận chuyển quốc tế dự báo sẽ còn tăng nóng. Bên cạnh đó, thời gian thông quan nước nhập khẩu cũng lâu hơn trước khi xảy ra dịch...


Related news

xuat-khau-thuy-san-thang-7-giam-4-vi-covid-19 Xuất khẩu thủy sản tháng… xuat-khau-tom-dat-1-31-ty-usd Xuất khẩu tôm đạt 1,31…