Xuống Giống Lúa Đông Xuân Sớm
Mặc dù còn khoảng một tuần nữa mới đến ngày xuống giống vụ lúa Đông xuân 2014-2015 theo lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, thế nhưng, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nước lũ rút nên nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu gieo sạ. Điều quan tâm trong lúc này là nhiều diện tích lúa gieo sạ trước đó đã bị nhiễm rầy nâu.
Tất bật xuống giống
Những ngày này, đi dọc theo tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ hay các vùng nông thôn trên địa bàn huyện Vị Thủy và Châu Thành A sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân tất bật vệ sinh đồng ruộng để xuống giống vụ lúa Đông xuân. Đang gieo sạ gần 1,6ha lúa, ông Trần Văn Nam, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cho biết: “Thời điểm xuống giống hiện tại cũng tương đương với mọi năm, nhưng năm nay do nhuần hai tháng 9 nên tính ra sớm hơn khoảng nửa tháng so với cùng kỳ. Phấn khởi hơn là những hộ gieo sạ trong thời điểm này sẽ có lúa thu hoạch và bán trước tết nên khả năng sẽ được giá cao và điều quan trọng là có tiền để tiêu xài trong mấy ngày tết”.
Năm nay, do lũ nhỏ so với năm rồi, nên tại các cánh đồng có hệ thống đê bao kiên cố ở xã Vị Đông, Vị Thanh, Vị Bình, Vị Trung,… của huyện Vị Thủy nhiều nông dân đã tranh thủ xuống giống vụ lúa Đông xuân sớm để thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Do mực nước lũ năm nay thấp đã kéo theo chi phí bơm tát đầu vụ cũng thấp. Nếu như năm trước, giá bơm nước ở mức 120.000 đồng/công, thì nay chỉ có 100.000 đồng/công.
Bên cạnh đó, xác định vụ lúa Đông xuân là vụ lúa chính trong năm, vì vậy, công việc làm đất, trục, san phẳng mặt ruộng, thu dọn cỏ, gốc rạ của vụ trước để cắt đứt mầm bệnh và ngộ độc hữu cơ cũng được bà con làm kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt, tình hình nông dân sử dụng các giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ trong vụ này cũng nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Thâu, ở ấp 13, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Không trông chờ lũ rửa trôi đồng ruộng như những năm trước, nhiều nông dân đang khẩn trương dọn lúa chét, cỏ dại... chuẩn bị cho vụ lúa được xem là thuận lợi và quyết định trong năm. Ngoài ra, do ý thức được lúa giống là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng hạt lúa sau này, nên bà con nơi đây đa phần sử dụng giống xác nhận để gieo sạ để đảm bảo chất lượng”.
Bên cạnh nông dân huyện Vị Thủy, hiện không khí xuống giống lúa Đông xuân của bà con trên địa bàn huyện Châu Thành A cũng khá nhộn nhịp, đây là hai địa phương xuống giống sớm nhất của tỉnh. Đến thời điểm này, huyện Châu Thành A đã gieo sạ được hơn 2.800ha (kế hoạch 8.800ha), tập trung ở xã Trường Long Tây, Tân Hòa, thị trấn Bảy Ngàn,… với 2 loại giống phổ biến là jasmine 85 và IR 50404. Riêng huyện Vị Thủy, nông dân cũng xuống giống được hơn 1.200ha và có 2 loại giống phổ biến là OM 5451 và IR 50404.
Nhiều diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu
Theo lịch xuống giống né rầy đợt 1 của ngành nông nghiệp tỉnh, thì vụ lúa Đông xuân năm nay, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ bắt đầu gieo sạ từ ngày 27-11 đến ngày 3-12 (nhằm ngày 6 đến 12-10 âm lịch). Căn cứ theo lịch này thì còn khoảng một tuần nữa mới đến ngày xuống giống.
Thế nhưng, qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh đã gieo sạ hơn 3.000ha lúa Đông xuân chính vụ, trong đó có hơn 200ha đã gieo sạ cách nay gần 20 ngày. Điều lo ngại trong lúc này là các trà lúa sạ sớm đang bị rầy nâu tấn công.
Đang đi thăm ruộng của gia đình, ông Trần Hoàng Son, ở ấp Trường Phước, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cho biết: “7 công ruộng của gia đình đã xuống giống được gần 20 ngày. Những ngày qua, tuy có phát hiện lúa bị nhiễm rầy nâu, nhưng tỷ lệ rất ít so với năm trước, với số rầy có trên ruộng như hiện nay sẽ không đáng lo ngại cho cây lúa”.
Cũng theo ông Son, người dân nơi đây tuy biết lịch thời vụ của ngành nông nghiệp đưa ra, nhưng bà con không thể làm theo được. Nếu sạ theo lịch thì kéo theo vụ 3 (Thu đông) gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hoạch cũng như bán lúa vì khu vực này thường bị ngập sâu. Ngoài ra, sạ sớm còn cho hiệu quả kinh tế cao nhờ chi phí đầu tư thấp, giá bán lúa cao do không trùng với thời điểm thu hoạch rộ của cả vùng.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành A, hiện toàn huyện có hơn 130ha lúa Đông xuân sớm bị nhiễm rầy nâu, nhưng với tỷ lệ rất thấp từ 50-100 con/m2 và đây là lứa rầy di trú (rầy cánh cứng) nên không ảnh hưởng đến cây lúa. Tuy nhiên, hiện ngành nông nghiệp huyện không chủ quan vấn đề này, mà đang chỉ đạo cán bộ nông nghiệp ở các xã thường xuyên theo dõi tình hình và vận động người dân cho nước vào ruộng để diệt rầy nâu.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Ngọc Thể cho biết: Do năm nay lũ nhỏ nên phần lớn diện tích sản xuất lúa nằm trong khu vực đê bao được các địa phương chủ động bơm tháo nước để xuống giống vụ Đông xuân trước gần một tháng so với lịch thời vụ.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp lưu ý rằng, đối với diện tích xuống giống sớm ngoài việc phải được cày ải, làm đất kỹ để tránh bị ngộ độc hữu cơ, nông dân cũng cần phải thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo khuyến cáo của ngành chuyên môn từ khâu làm đất đến thu hoạch. Đặc biệt là chú trọng việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành trong sản xuất lúa theo khuyến cáo để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Theo ông Thể, việc xuống giống không theo lịch, xuống giống không đồng loạt sẽ rất dễ bị nhiễm rầy nâu. Điển hình, hiện toàn tỉnh ghi nhận có trên 500ha lúa Đông xuân sớm bị nhiễm rầy nâu. Do mật số rầy nâu thấp nên nông dân không cần xử lý bằng thuốc hóa học. Điều quan trọng là cần theo dõi đợt rầy cám dự kiến sẽ xuất hiện trong khoảng 10 ngày tới, do đó, nông dân đã và đang gieo sạ lúa trong lúc này cần hết sức cảnh giác đối với lứa rầy này…
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE18317F/Loi_bat_cap_hai.aspx
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao