Mô hình kinh tế “Nâng cấp” chuỗi giá trị con cá tra

“Nâng cấp” chuỗi giá trị con cá tra

Publish date Tuesday. April 14th, 2015

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đến này 31-12-2014, lũy kế diện tích nuôi thả mới cá tra là 3.516ha, diện tích thu hoạch là 3.779ha với sản lượng đạt trên 1,047 triệu tấn (giảm 7,34% so với cùng kỳ năm 2013). Những tháng đầu năm 2015, diện tích thả nuôi và sản lượng cá tra thu hoạch đều tăng so cùng kỳ. Điều này đã cho thấy hoạt động nuôi cá tra phục vụ xuất khẩu, chủ yếu là ở ĐBSCL đang được duy trì tốt.

Đến ngày 31-3-2015, lũy kế diện tích thả nuôi cá tra mới là 828 ha, tăng 15,34% so với cùng kỳ 2014; diện tích thu hoạch là 714 ha, tăng 4% so với cùng kỳ, sản lượng đạt 206.950 tấn, tăng 7,67% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương có diện tích và sản lượng cao, như: Đồng Tháp (315ha), An Giang (135ha), Bến Tre (161ha) và Cần Thơ (82ha) chiếm khoảng 88% tổng diện tích và sản lượng của ĐBSCL.

Số lượng con giống thả trong 3 tháng đầu năm tại các địa phương cũng đạt mức khá cao, đạt mức 418 triệu con, với lượng thả trung bình các tuần có xu hướng cao hơn so với cùng kỳ 2014 khoảng 45%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành cá tra nước ta có nhiều lợi thế để phát triển ổn định do khả năng nuôi, chế biến, cung cấp hàng tốt, sản phẩm cá tra được nhiều khách hàng trên thế giới ưa chuộng vì phù hợp khẩu vị và dễ chế biến các món ăn. Với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sản phẩm cá tra Việt Nam ngày càng được mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện, cá tra Việt Nam đã xuất khẩu đến 73 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, ngành cá tra đang đứng trước rất nhiều thách thức khi nhiều nước nhập khẩu cá tra gia tăng các rào cản thương mại, nhất là việc đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe và thị trường tiêu thụ sản phẩm có sự cạnh tranh bởi các sản phẩm thay thế khác.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm nay mặt hàng cá tra và ba sa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đối mặt với xu hướng áp thuế chống bán phá giá cao và việc thực thi Luật Nông nghiệp 2014 tại thị trường Hoa Kỳ. Trong những tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cá tra của nước ta sang Hoa Kỳ và EU giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu cá tra và ba sa sang Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2015 đạt 47,1 triệu USD, giảm 8,3%; sang EU đạt 37,1 triệu USD, giảm 7,3%.

Dù tiếp tục duy trì phát triển, nhưng hiện nhiều người nuôi cá tra vẫn còn gặp khó do giá cá tra nguyên liệu chưa thật sự ổn định. Các chi phí đầu vào phục vụ nuôi cá tra có xu hướng ngày càng tăng do giá xăng dầu, điện tăng, tỷ lệ cá nuôi bị hao hụt nhiều và hệ số sử dụng thức ăn chăn nuôi ở mức cao từ 1,55 - 1,75 (để nuôi được 1kg cá thương phẩm, phải sử dụng từ 1,55 - 1,75 kg thức ăn công nghiệp).

Trong khi đó, giá trung bình thức ăn loại 22% đạm cũng ở mức khá cao, với khoảng 11.100 đồng/kg. Giá cá tra nguyên liệu trong quý I-2015, dao động từ 23.000 - 24.500 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2014, giá cá tra nguyên liệu trong tháng 1 và 2-2015 ở mức cao hơn từ 400 - 1.350 đồng/kg. Tuy nhiên, bước sang tháng 3-2015, giá có xu hướng thấp hơn cùng kỳ từ 500 - 2.100 đồng/kg.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn và nguyên liệu phục vụ sản xuất. Thời gian qua, nguồn cung cá tra nguyên liệu trong nước được đánh giá dồi dào, ngành chức năng phải khuyến cáo cắt giảm sản lượng nuôi để ổn định giá bán. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, tình trạng này do thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư phát triển “quá nóng” các xí nghiệp, nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, khiến công suất thừa so với nhu cầu phục vụ chế biến cá tra xuất khẩu thực tế. Từ đó, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, đã và đang ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp cũng như việc tiếp cận vốn vay mới để cải tiến dây chuyền sản xuất...

* “Nâng cấp” chuỗi giá trị ra sao?

Yêu cầu cấp bách đặt ra đối với ngành cá tra là cần thực hiện tốt theo Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, kịp thời khắc phục các hạn chế, phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị nhằm tạo sức mạnh chung và nâng cao được chất lượng, giá bán và hình ảnh thương hiệu con cá tra của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Các bên có liên quan cần tích cực vào cuộc để phát huy các mặt tích cực và khắc phục ngay các tồn tại, yếu kém từng khâu của quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm kịp thời “nâng cấp” chuỗi giá trị cá tra, đáp ứng các yêu cầu phát triển và hội nhập. Trong đó, khâu sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi cần làm tốt hơn để đảm bảo chất lượng, giảm tỷ lệ hao hụt.

Người nuôi cá, nhất là các hộ nông dân phải quan tâm thực hiện tốt quy hoạch về vùng nuôi, áp dụng các quy trình, kỹ thuật và tiến bộ khoa học kỹ thuật để đảm bảo tốt chất lượng cá nuôi đáp ứng các chuẩn chất lượng của Việt Nam và quốc tế, giảm giá thành chăn nuôi. Các doanh nghiệp cần quan tâm tái cấu trúc lại doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp, đầu tư tương xứng cho việc phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã tập trung đầu tư quá nhiều vào các nhà máy chế biến, các vùng nuôi, thậm chí “ôm luôn” cả việc nuôi cá - công việc trước đây chủ yếu do nông dân thực hiện.

Điều này khiến hoạt động đầu tư trong nước “phình to” nhưng doanh nghiệp lại không quan tâm đầu tư phát triển các mạng lưới tiêu thụ, bán lẻ sản phẩm tại nước ngoài. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng cho rằng: “Để nâng cao giá trị gia tăng cho cá tra Việt Nam và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững, các doanh nghiệp không nên tiếp tục để phụ thuộc vào các đầu mối nhập khẩu nước ngoài, cần trực tiếp tham xây dựng các mạng lưới phân phối, bán lẻ hàng tại nước ngoài…”.

Đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ sản phẩm, không để phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường cũng là việc làm mà các cơ quan quản lý nhà nước cùng các doanh nghiệp và đơn vị có liên quan quan tâm thực hiện trong quá tái cấu trúc lại ngành cá tra. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện nay, xuất khẩu cá tra có xu hướng giảm tại một số thị trường truyền thống trước đây như: Mỹ, EU… và tăng ở một số thị trường mới, nhất là Trung Quốc.

Các cấp, các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, giúp ổn định tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường truyền thống và có chiến lược phát triển thị trường mới một cách bền vững, giảm thiểu các rủi ro.

* Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam:

Củng cố liên kết dọc, thắt chặt liên kết ngang

Tái cấu trúc ngành hàng cá tra, ngoài liên kết dọc trong chuỗi cũng cần chú ý phát triển các liên kết ngang do khâu liên kết ngang còn rất yếu. Cần định hướng thắt chặt liên kết ngang từ người nuôi, doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu… nhất là liên kết ngang các doanh nghiệp xuất khẩu ở từng thị trường cụ thể. Với quan niệm “buôn có bạn, bán có phường”, nếu doanh nghiệp liên kết ở từng thị trường xuất khẩu để kịp thời hỗ trợ về mặt thông tin chất lượng, giá cả sản phẩm sẽ tạo nên thế mạnh ở từng thị trường cụ thể thay vì cạnh tranh lẫn nhau.

Để thúc đẩy xuất khẩu cá tra đòi hỏi các tác nhân trong chuỗi phải kiên trì với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng giá trị ngành hàng trên cơ sở ổn định chất lượng, tăng dần sản lượng.

* Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản tỉnh An Giang:

Hỗ trợ hộ nuôi cá tra tư nhân theo các tiêu chuẩn chất lượng

Hơn 60% diện tích nuôi cá tra của tỉnh An Giang là của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã chủ động áp dụng nuôi theo các tiêu chuẩn VietGAP, ASC, GlobalGAP để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang đang phối hợp cùng ngành nông nghiệp tỉnh xin kinh phí hỗ trợ huấn luyện các hộ nuôi tư nhân thực hiện tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn chất lượng khác. Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn là để áp dụng theo các tiêu chuẩn chất lượng này, người nuôi sẽ tốn chi phí đầu tư, chi phí chứng nhận. Song nếu doanh nghiệp không thể tăng giá thu mua cá nguyên liệu sẽ làm giới hạn lợi nhuận của người nuôi và ảnh hưởng đến việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng của các hộ nuôi nhỏ lẻ.

*Ông Jorg Rosenberger, Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty Nienstedt, Cộng hòa Liên bang Đức:

Tăng lợi nhuận từ các sản phẩm giá trị gia tăng

Thị trường châu Âu không có quy định cụ thể hàm lượng nước và tỷ lệ mạ băng đối với sản phẩm cá tra. Nhưng nếu tỷ lệ mạ băng cao sẽ khiến người tiêu dùng cảm nhận lượng cá thịt nhận được sau khi mua về chế biến món ăn ít, chất lượng giảm. Khi đó, các sản phẩm cá tra phi lê có tỷ lệ mạ băng cao, hàm lượng nước cao sẽ khiến khách hàng quay lưng và gây nên những tác động bất lợi đến cả chuỗi ngành hàng.

Để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi các doanh nghiệp thay vì chỉ sản xuất thô nên tạo ra các sản phẩm mang tính tiện dụng cao. Ngoài xuất khẩu cá tra phi lê, các doanh nghiệp có thể đầu tư dây chuyền chế biến cá cấp đông sang sản phẩm cá thanh ăn nhanh và các thực phẩm tiện dụng khác cho siêu thị, nhà hàng và gia đình, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là châu Âu.

* Ông Lê Văn Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu Thủy sản Phước Anh, tỉnh Vĩnh Long:

Nâng dần chất lượng, giá bán sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới

Triển khai thực hiện Nghị định 36 với các tiêu chí cụ thể về khống chế hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra phi lê ở mức không quá 83% nhằm đảm bảo chất lượng cá tra. Điều này góp phần nâng chất lượng cá tra xuất khẩu và góp phần thúc đẩy giá xuất khẩu tăng.

Công ty Xuất khẩu Thủy sản Phước Anh chuyên xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường EU, Trung Đông, Mỹ, Nam Mỹ… Hiện nay, đa phần khách hàng của công ty vẫn nhập hàng theo các chỉ tiêu chất lượng trước đây, chỉ một số khách hàng đặt hàng theo tiêu chí mới, thậm chí đặt hàng sản phẩm không quay tăng trọng với giá trên 3,5USD/kg, tập trung ở thị trường châu Âu, Úc. Doanh nghiệp cũng đã đàm phán với khách hàng cung cấp sản phẩm đạt yêu cầu về tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước trong cá phù hợp với yêu cầu của Nghị định 36 để khách hàng dần chấp nhận và tiến tới nâng dần chất lượng, giá bán của sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.


Related news

nuoi-oc-huong-trong-rong-sun-theo-phuong-phap-moi Nuôi ốc hương, trồng rong… ninh-thuan-can-“dau-ra”-cho-san-pham-nho-vietgap Ninh Thuận cần “đầu ra”…