Tôm thẻ chân trắng An Toàn Môi Trường Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

An Toàn Môi Trường Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Publish date Thursday. February 27th, 2014

An Toàn Môi Trường Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Những năm qua, không chỉ tại Việt Nam mà ngay cả tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Philippine, Thái Lan, Indonesia... hoạt động nuôi trồng thủy sản đã tạo ra một sự chuyển đổi hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân.

Tuy nhiên, việc khai thác triệt để diện tích mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản không kế hoạch đã dẫn đến những hậu quả xấu mà chính những người nuôi trồng thủy sản phải hứng chịu trước tiên...

Nuôi trồng thủy sản ngày càng phải đối mặt với nhiều mối nguy buộc các nhà quản lý, nhà khoa học và cả người nuôi phải quan tâm.

Môi trường được xem là mối quan tâm lớn nhất của người nuôi vì nó có tác động trực tiếp đến vật nuôi, quyết định sự sống, sinh trưởng, phát triển của vật nuôi và còn liên quan đến chất lượng sản phẩm thu hoạch. Kiểm soát tốt môi trường nước, vật nuôi khỏe mạnh sẽ giảm stress dẫn đến hạn chế bệnh, dịch làm giảm thiểu suy thoái môi trường và giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác hại của sự phát triển nuôi trồng thủy sản đối với môi trường, đặc biệt là môi trường các vùng ven biển, ven sông nơi mà nuôi trồng thủy sản phát triển với tốc độ nhanh chóng, hình thức nuôi ngày càng được nâng cao từ quảng canh sang quảng canh cải tiến rồi thâm canh trong khi trình độ quản lý và sự quan tâm của người nuôi đối với môi trường vẫn còn hạn chế.

An toàn môi trường trong nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo: Nguồn nước cấp đủ (nước ngọt, mặn) và phù hợp cho vật nuôi. Nước nuôi được xử lý, kiểm soát phù hợp với vật nuôi.

Nước thải, bùn đáy và rác thải được xử lý hiệu quả... An toàn môi trường trong nuôi trồng thủy sản không nên hiểu theo nghĩa hẹp là an toàn trong ao nuôi, lồng nuôi mà phải được hiểu là an toàn môi trường vùng nuôi bởi vì chỉ khi môi trường của vùng nuôi được an toàn thì mỗi ao nuôi, lồng nuôi mới an toàn.

Vì vậy, việc quản lý môi trường vùng nuôi đòi hỏi tính cộng đồng, xã hội hóa cao và trước hết phải được người nuôi nhận thức đầy đủ, đúng đắn và thực hiện nghiêm chỉnh. Hiện nay, nhiều vùng nuôi trồng thủy sản phát triển tự phát, không theo quy hoạch, không tương xứng với trình độ quản lý, điều này dẫn đến dịch bệnh dễ dàng xuất hiện và lây lan, làm mất cân bằng sinh thái, hủy hoại môi trường.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển kéo theo các cánh rừng ngập mặn bị phá hủy, gây xói lở đất, mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng khí hậu, thiên tai xảy ra thường xuyên. Hoạt động khoan giếng lấy nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản làm mặn hóa các vùng đất có khả năng canh tác nông nghiệp, làm sa mạc hóa các vùng cát ven biển.

Mức độ thâm canh cao trong khi cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, trình độ quản lý của người nuôi hạn chế, môi trường bị quá tải. Việc lạm dụng và sử dụng không đúng thuốc, hóa chất trong phòng trị bệnh cho vật nuôi thủy sản dẫn đến hình thành các dòng vi khuẩn kháng kháng sinh và gây hủy hoại hệ sinh thái.

Biện pháp kiểm soát môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản một cách hiệu quả đòi hỏi có sự phối hợp tốt và đồng bộ giữa các cấp quản lý ngành và địa phương, các nhà khoa học và cộng đồng người nuôi thủy sản.

Các cấp quản lý cần thực hiện tốt việc quy hoạch và quy hoạch lại các vùng nuôi thủy sản theo đó có thể quản lý tốt nguồn nước cấp và thải, thời vụ nuôi, chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh... Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường chung và môi trường vùng nuôi thủy sản nói riêng.

Cộng đồng người nuôi thủy sản phải tuân thủ tốt các quy định của Nhà nước về hoạt động nuôi trồng thủy sản bao gồm quy hoạch vùng nuôi, đối tượng nuôi, mùa vụ nuôi, đồng thời nâng cao năng lực quản lý cơ sở nuôi, kiểm soát tốt nguồn nước cấp vào, chất lượng con giống, quản lý được môi trường nuôi ổn định, hạn chế biến động đột ngột gây sốc vật nuôi dẫn đến bệnh dịch xảy ra. Có biện pháp xử lý hiệu quả nước và chất thải, rác thải phát sinh trong quá trình nuôi trước khi xả ra môi trường bên ngoài, tuân thủ nghiêm các quy định về xử lý dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

Các nhà khoa học cần tích cực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xử lý môi trường có hiệu quả, thiết thực đối với người nuôi, các giải pháp thay thế việc sử dụng các loại thuốc hóa chất gây hại môi trường, vừa đảm bảo an toàn cho môi trường, cho người sử dụng vừa có hiệu quả kinh tế.


Bệnh Lạ Trên Tôm Nuôi Bệnh Lạ Trên Tôm Nuôi Sử Dụng Thuốc, Hoá Chất Và Kháng Sinh Khi Nuôi Thuỷ Sản Sử Dụng Thuốc, Hoá Chất Và Kháng Sinh…