Mô hình kinh tế Ào Ạt Trồng Bưởi, Bán Đi Đâu?

Ào Ạt Trồng Bưởi, Bán Đi Đâu?

Publish date Tuesday. October 21st, 2014

Ào Ạt Trồng Bưởi, Bán Đi Đâu?

Cây bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên thu hút nông dân đầu tư ngày càng nhiều. Hiện diện tích trồng bưởi tại Đồng Nai đã đạt gần 1.900 hécta, tăng hơn 1 ngàn hécta so với đầu năm 2013 và vẫn đang không ngừng được mở rộng.

Đồng Nai nổi tiếng có những vùng bưởi ngon, như: bưởi đường lá cam Tân Triều, bưởi ruột hồng Định Quán... Tuy nhiên, loại trái ngon này vẫn chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa. Để phát triển cây bưởi bền vững, việc tăng diện tích cần gắn với cơ hội thị trường, nhất là hướng đến xuất khẩu.

* Thu nhập tiền tỷ

Ông Ngô Văn Thân, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), nhận xét: “Tân Bình có nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhờ trồng cây bưởi. Thấy mô hình trồng bưởi mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân tại địa phương đang xin chuyển đổi đất lúa sang trồng bưởi”.

Ông Tư Kiệm được người dân ở xã Phú Hòa (huyện Định Quán) biết đến là lão nông tỷ phú nhờ có diện tích chuyên canh cây bưởi rộng 2,4 hécta, chủ yếu trồng giống bưởi da xanh ruột hồng. Theo ông Tư Kiệm: “Tuy đây là vùng đất đá nhưng thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây bưởi phát triển. Điều đặc biệt là trái bưởi ở vùng đất này có vị ngọt đậm đà. Nhờ chất lượng trái ngon nên thương lái không ngại tìm vào vùng sâu thu mua sản phẩm”.

Ông Đoàn Ngọc Chạnh, nông dân sản xuất giỏi ở xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất), cho rằng: “Cây bưởi hiện đang đứng ở top đầu về giá trị kinh tế. Trước đây, tôi chỉ trồng vài sào bưởi để bán dịp tết. Cách đây 4 năm, tôi quyết định chặt bỏ vườn chôm chôm Thái rộng gần 2 hécta, chuyển đổi sang hướng chuyên canh cây bưởi da xanh, ruột hồng. Vài năm trở lại đây, người đầu tư trồng bưởi tại địa phương ngày càng đông và vẫn tiếp tục có thêm người trồng mới”.

* Vẫn khó xuất khẩu

Bưởi hiện đang là cây trồng chủ lực được Đồng Nai khuyến khích phát triển. Nông dân cũng đang rộ lên phong trào đầu tư trồng bưởi. Tuy nhiên, dù nông dân trồng cùng giống bưởi nhưng chất lượng trái bưởi không đồng đều, bên cạnh đó vẫn sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu không chỉ đòi hỏi về sản lượng mà cần sự đồng nhất về chất lượng, kích cỡ trái...

Thực tế hiện nay Đồng Nai đã bước đầu hình thành các vùng chuyên canh cây bưởi, nhưng để đạt chuẩn xuất khẩu vẫn còn là khoảng cách khá xa. Cụ thể, bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) vừa có thương hiệu vừa có lợi thế về diện tích với 359 hécta chuyên canh cây bưởi.

Nông dân Tân Triều đã thực hiện sản xuất theo chuẩn Global Gap, VietGAP nhằm hướng tới thị trường xuất khẩu, nhưng đến nay vẫn chủ yếu bán cho thương lái tiêu thụ trong nước. Tuy không thiếu khách hàng từ Đức, Nhật... tìm đến đặt hàng xuất khẩu nhưng đều thất bại vì chưa đáp ứng về sản lượng.

Ông Nguyễn Thanh Nhân, chủ doanh nghiệp Nhân Hòa (huyện Vĩnh Cửu), nhận xét: “Nông dân Tân Triều từng làm bưởi Global Gap để xuất khẩu nhưng đến nay thị trường của trái bưởi Đồng Nai vẫn là nội địa. Với tình hình diện tích bưởi không ngừng được nhân rộng như hiện nay, khả năng cung vượt cầu là hoàn toàn có thể xảy ra nếu thị trường xuất khẩu không được khơi thông”.

Theo ông Nguyễn Thanh Sang, chủ Doanh nghiệp tư  nhân Quê hương Tân Triều: “Nhu cầu tiêu thụ  trái bưởi của thị trường còn rất lớn. Riêng bưởi đường lá cam của Tân Triều là đặc sản vì không có vùng đất nào khác trồng được nên cung luôn không đủ cầu.

Những vườn bưởi ngon, chất lượng tôi trả giá cao hơn mặt bằng chung và thường vào tận vườn đặt vấn đề bao tiêu. Bưởi không ngon dù cho thị trường đang khan hàng thì cũng chẳng ai mua. Vấn đề ở đây là phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, không nên  chạy theo số lượng”.


Rà Soát Các Chương Trình Nông Nghiệp Để Phân Bổ Kinh Phí Hợp Lý Rà Soát Các Chương Trình Nông Nghiệp Để… Khuyến Khích Nông Dân Thu Hoạch Cà Phê Chín, Đảm Bảo Chất Lượng Khuyến Khích Nông Dân Thu Hoạch Cà Phê…