Artemia - Vật chủ lây nhiễm EHP trên tôm?
EHP có thể lây truyền theo chiều ngang sang tôm nuôi bằng Artemia
Artemia có thể được xem như vật chủ mang mầm bệnh ký sinh trùng EHP ở tôm thẻ.
Nhiễm trùng gây ra bởi Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đến việc nuôi tôm. Các đợt bùng phát EHP được báo cáo rộng rãi ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ. EHP phát triển trong tế bào chất của tế bào chủ - mô gan tụy ở tôm nuôi. Các dấu hiệu lâm sàng của tôm bị nhiễm bệnh bao gồm tăng trưởng còi cọc, biểu hiện giảm tiêu thụ thức ăn (50–70%), phân trắng và gan tụy biến màu.
Trong quá trình tìm kiếm những con đường lây nhiễm EHP, các sinh vật phù du bị nghi ngờ đầu tiên, vì từ lâu chúng là lựa chọn ưa thích, được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong giai đoạn ấu trùng. Không giống như chế độ ăn theo thức ăn dạng viên có xu hướng kết tụ trên mặt nước, thức ăn tươi sống có thể bơi trong nước và luôn có sẵn cho ấu trùng tôm. Bên cạnh đó, chúng được biết là có tác dụng kích thích phản ứng ăn của tôm cá và ngon miệng hơn so với thức ăn công nghiệp.
Trong các trại sản xuất tôm giống, việc cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng cho giai đoạn ấu trùng được coi là một phần quan trọng. Để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đó, Artemia - một loại ấu trùng mới nở - được sử dụng với đặc điểm là dinh dưỡng rất cao, có hàm lượng đạm và nhiều các axitamin, axit béo, chất khoáng cần thiết đối với giai đoạn sinh sản của tôm, cá cũng như tạo nên sắc tố cho cá cảnh.
Khả năng Artemia hoạt động như một vật trung gian truyền/chứa mầm bệnh đã được chứng minh ở nhiều mầm bệnh thủy sinh khác nhau như nhiễm trùng do vi khuẩn và virus. Việc sàng lọc nguồn thức ăn để ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong cơ sở nuôi là điều vô cùng cần thiết trong khi các phương pháp để ngăn chặn sự lây nhiễm vẫn chưa được phát triển hoàn thiện. Thông thường, nhiễm trùng lây lan nhanh hơn từ động vật bị nhiễm bệnh sang động vật không bị nhiễm bệnh do lây truyền theo chiều ngang. Mục tiêu của nghiên cứu này là điều tra khả năng gây bệnh của Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) đối với Artemia và để xác định xem nó có hoạt động như ổ chứa EHP hay không?
Artemia salina là một loại giáp xác, thuộc ngành Arthropoda lớpCrustacea, lớp phụ Branchiopoda, bộ Anostraca, họ Artemiidea, giống Artemia. Thường được gọi là tôm ngâm nước mặn, là động vật phù du được sử dụng rộng rãi làm nguồn thức ăn sống trong các trại giống. Nó có giá trị dinh dưỡng cao và tất cả các giai đoạn phát triển của cuộc đời: ấu trùng, bán trưởng thành và trưởng thành đều được sử dụng làm thức ăn. Trong các điều kiện thích hợp (ánh sáng, oxy, độ mặn), trứng sẽ nở trong 36–48 giờ.
Để kiểm tra con đường lây nhiễm EHP trên Artemia, người ta đã thực hiện bằng phương pháp ngâm mô của tôm bị nhiễm EHP với Artemia salina. Sau đó quy trình PCR được tiến hành để kiểm tra liệu rằng có sự hiện diện của EHP trên Artemia hay không. Tiếp đó, Artemia sống đã bị nhiễm EHP được dùng làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng khỏe mạnh. Tương tự, tôm sau khi được cho ăn cũng sẽ được thu mẫu để tái khẳng định sự có mặt của EHP bằng phương pháp PCR.
Kết quả chỉ ra rằng EHP có thể lây truyền theo chiều ngang sang tôm nuôi bằng Artemia khi được sử dụng làm thức ăn. Trong khi tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh thường có các dấu hiệu lâm sàng như giảm hấp thu thức ăn và tăng trưởng còi cọc, Artemia salina lại không biểu hiện triệu chứng đáng kể nào. Tiến hành chạy phản ứng PCR (Polymerase chain reaction) để tái khẳng định lại sự lây nhiễm ký sinh trùng EHP trên Artemia cho thấy kết quả dương tính trong tất cả các giai đoạn phát triển mà không có bất kỳ tỷ lệ tử vong nào. Phân tích mô bệnh học của Artemia cũng cho thấy sự hiện diện của các bào tử. Do đó, Artemia được chấp nhận như vật chủ mang mầm bệnh ký sinh trùng EHP ở tôm thẻ.
Điều này dẫn chúng ta đến nghi ngờ rằng những sinh vật phù du này có thể không chỉ là vật trung gian truyền bệnh của EHP mà chúng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi mầm bệnh. Các nghiên cứu sâu hơn cần được thực hiện. Nói chung, các bệnh truyền nhiễm thường lây lan qua thức ăn, nước uống hoặc các nguồn vi sinh vật khác. Hiện nay, không có thuốc để kiểm soát đặc trị bệnh nhiễm trùng này. Chỉ có quản lý tốt thực hành, phương pháp an toàn sinh học thích hợp có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm và những thiệt hại về sản xuất sau đó. Vì thế, việc giám sát các nguồn này là thói quen được người nuôi tôm tuân thủ để giảm thiểu hoặc ngăn ngừa sự lây nhiễm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao