Tin nông nghiệp Bắc Kạn: Triển khai phương án sản xuất vụ mùa

Bắc Kạn: Triển khai phương án sản xuất vụ mùa

Author Ma Thế Sơn - Trung tâm KNKL Bắc Kạn, publish date Tuesday. May 16th, 2017

Bắc Kạn: Triển khai phương án sản xuất vụ mùa

Để chủ động trong công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp nhằm mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực, phát triển sản xuất ổn định, bền vững, góp phần đạt giá trị tăng trường ngành nông nghiệp trong năm 2017 là 3,3%,

Ngày 28 tháng 4 năm 2017, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 574/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án sản xuất vụ mùa năm 2017 để các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh làm căn cứ chỉ đạo, thực hiện. Theo đó:

1. Về thời vụ: Tất cả các cây trồng đều thực hiện gieo trồng đảm bảo trong khung thời vụ, cụ thể:

- Cây lúa: Mùa sớm gieo mạ trong tháng 5, cấy đầu tháng 6 để thu hoạch trước 20/9 kịp gieo trồng cây trồng vụ đông; mùa chính vụ gieo mạ trong tháng 6, kết thúc cấy tháng 7.

- Cây ngô: Ngô vụ mùa trồng xong trước 10/6 đối với đất ruộng và soi bãi; trồng xong trước 20/7 đối với đất đồi; ngô đông trồng xong trước 20/9.

- Cây rau các loại: Căn cứ vào điều kiện thời tiết thuận lợi và thời điểm thu hoạch lúa để xác định thời gian gieo hạt phù hợp với từng loại rau. Trồng rải vụ để tránh tình trạng thừa lúc chính vụ làm rớt giá, giảm hiệu quả kinh tế.

Áp dụng đúng cơ cấu giống, thời vụ và các biện pháp kỹ thuật giúp một vụ mùa bội thu

2. Về cơ cấu giống: Bố trí cơ cấu giống hợp lý cho từng vùng sản xuất, nên sử dụng các giống có năng suất, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh của địa phương, cụ thể như sau:

- Cây lúa: Bố trí bộ giống lúa phù hợp theo từng vùng sản xuất, những giống có cùng thời gian sinh trưởng và đặc điểm sinh học giống nhau cần bố trí tập trung thành vùng sản xuất với diện tích lớn, không bố trí nhiều giống trên một cánh đồng để thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch; mở rộng diện tích gieo trồng các giống lúa thuần, lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh của các hộ dân, gồm các giống lúa cụ thể như sau:

+ Các giống có thời gian sinh trưởng từ 90 - 95 ngày gồm có: PC6, Hoa khôi 4, Thiên ưu 8 sử dụng gieo trồng phù hợp đối với vùng sản xuất cây vụ đông.

+ Các giống có thời gian sinh trưởng từ 105 - 110 ngày gồm có: DT68, Khang dân đột biến, Khang dân 18, DV108, Hương thơm số 1, Nếp 87, Syn6.

+ Các giống có thời gian sinh trưởng từ 115 - 125 ngày: Sán ưu 63, Nhị ưu 63, Nhị ưu 838, Nếp 97.

+ Các giống có thời gian sinh trưởng trên 140 ngày: Bao thai, Khẩu nua lếch, Khẩu nua pái.

- Cây ngô: Tập trung gieo trồng các giống ngô lai có tiềm năng năng suất như CP999, CP888, Biosed9698, NK4300, CP3Q, NK66, AG59, MX6, MX10, HN88.

- Cây rau các loại: Trên cơ sở đất đai, nhu cầu thị trường, tập quán và kinh nghiệm canh tác để gieo trồng các loại rau cho phù hợp như cải bắp, su hào, súp lơ, đậu cô ve, đậu hà lan, rau cải các loại, dưa chuột, mướp ngọt, mướp đắng, cà chua sử dụng các giống có nguồn gốc trong nước hoặc nhập nội...

Trên cơ sở cơ cấu giống, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào thực tiễn sản xuất và nhu cầu của từng địa phương để lựa chọn một số giống phù hợp, có thế mạnh, chỉ đạo đưa vào sản xuất, thành lập các đoàn kiểm tra việc chuẩn bị cung ứng giống cây trồng và vật tư nông nghiệp theo chỉ đạo của ngành, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng trước thời vụ sản xuất. Đồng thời tăng cường thời lượng phát sóng, thông tin tuyên truyền về các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ và các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông lâm nghiệp trên các phương tiên thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh truyền hình, để nông dân biết và áp dụng đúng cơ cấu về thời vụ và các biện pháp kỹ thuật./.


Giống lúa An Sinh 1399 chinh phục người dân Đăk Lăk Giống lúa An Sinh 1399 chinh phục người… Thành phố Hồ Chí Minh: Nuôi bò thịt cao sản cho hiệu quả Thành phố Hồ Chí Minh: Nuôi bò thịt…