Tin nông nghiệp Bán 1 tạ sắn, mua được tô phở

Bán 1 tạ sắn, mua được tô phở

Author Đăng Nhật, publish date Friday. November 4th, 2016

Bán 1 tạ sắn, mua được tô phở

Hiện nay nông dân tỉnh Gia Lai bắt đầu vào vụ thu hoạch khoai mì (sắn). Tuy nhiên giá bán khoai mì quá thấp, chỉ ở mức 300-350 đồng/kg khiến người dân không buồn thu hoạch.

Trồng càng nhiều càng lỗ

Với nhiều địa phương ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung, khoai mì được coi là loại cây trồng xóa đói, giảm nghèo, thậm chí đã giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, khấm khá. Hàng năm, vào thời điểm này là dịp nông dân tại huyện Krông Pa – địa phương có diện tích khoai mì lớn nhất Gia Lai nô nức bắt tay vào thu hoạch sau một năm dài chăm bón.

Trong ảnh: Giá mì nằm ở mức 200-300 đồng/ kg khiến nhiều nông dân lỗ nặng.  Ảnh: Đ.N

Thế nhưng năm nay, giá mì tươi rớt một cách thảm hại, thậm chí thương lái không thu mua khiến nhiều hộ dân điêu đứng, chẳng buồn thu hoạch.

Ông Lê Văn Thành ở thôn Mê Linh, xã Chư Drăng cho biết, năm trước mỗi ha bà con thu hoạch được khoảng 30 tấn khoai mì, nhưng năm nay do hạn hán nặng nên năng suất giảm gần 50%, chỉ còn khoảng 17-18 tấn/ha. Thậm chí một số diện tích chỉ đạt hơn 10 tấn/ha. Năng suất sụt giảm, giá mì cũng xuống dốc không phanh.

“Mọi năm ít nhất giá cũng được 1.800 đồng/kg, chữ bột đạt từ 27-30 độ. Nhưng năm nay chữ bột ruộng mì của nhà nào cao chỉ được 17-18 độ. Nhà tôi bán tận nhà máy song cũng chỉ được 750 đồng/kg khoai mì tươi. Trừ tiền xe, tiền công chỉ còn khoảng 300 - 350 đồng/kg, trong khi mỗi ha khoai mì phải đầu tư trên 15 triệu đồng, nếu thuê đất thì mức đầu tư khoảng hơn 20 triệu đồng/ha. Năng suất với giá mì thấp kỷ lục thế này, nông dân chúng tôi lỗ nặng. Nhà nào trồng càng nhiều, càng lỗ” – ông Thành than thở.

Trước tình trạng giá khoai mì giảm mạnh, thu không bù chi, nhiều nông hộ chọn giải pháp cày bỏ vườn mì hoặc tiếp tục để mì qua năm thứ hai rồi mới thu. Ông Nguyễn Thành Giang - nông dân thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm cho biết, trong thôn có nhiều gia đình chán khoai mì tới mức không thèm thu hoạch mà cày bỏ rồi cho thuê đất trồng dưa hấu, bởi bà con tính thêm công nhổ mì thì càng lỗ nặng…

Giá mì đã thấp thảm hại, việc tính đơn vị tinh bột của Nhà máy Tinh bột sắn Gia Lai cũng đang khiến người dân băn khoăn. Anh Đỗ Đắc Tứ ở thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm cho biết: Nhà tôi có 3ha mì trồng từ năm 2015. Mì 2 năm tuổi nhưng nhà máy chỉ tính chữ bột có 17 độ, hơn 50 tấn bán được 12 triệu đồng. “Nhà máy đo chữ bột sao thì nông dân biết vậy, có bị thiệt thì cũng đành chịu. Họ vin vào máy móc thì chúng tôi cãi làm sao được”.

Hệ quả của sản xuất ồ ạt

Giải thích về tình trạng giá khoai mì giảm mạnh, đại diện Chi nhánh Công ty Cổ phần FOCOCEV Việt Nam - Nhà máy Tinh bột sắn Gia Lai cho biết, giá mì năm nay rớt thê thảm là do sự biến động tinh bột mì trên thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể, năm 2015 giá bán tinh bột mì bình quân là 350 - 360USD/tấn (giá FOB) nhưng năm nay chỉ còn 270-280USD/tấn.

Về cách tính hàm lượng tinh bột, nhà máy cho biết đang áp dụng theo quy định tại Quyết định số 228/1999/QĐ ngày 24.2.1999 của Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường. Theo đại diện công ty, cách tính này hoàn toàn minh bạch và chính xác bởi máy đo và kết quả đo độ bột được thể hiện trên màn hình máy tính cho khách hàng cùng xem và kiểm tra.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Duyên – Trưởng phòng NNPTNT huyện Krông Pa cho biết, niên vụ năm 2015-2016, trên địa bàn huyện có hơn 15.000ha khoai mì. Trong khi đó, theo quy hoạch của tỉnh thì chỉ trồng khoảng 8.500ha. “Năm nào chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên phá vỡ quy hoạch, tuy nhiên bà con vẫn trồng ồ ạt, sản xuất không theo kế hoạch, mạnh ai nấy làm. Đến giờ giá cả xuống thấp như vậy thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người dân. Hiện tại, chúng tôi cũng chỉ biết hướng dẫn, khuyến cáo người dân chuyển đổi sang cây trồng khác để vừa cải tạo đất, vừa tăng thêm thu nhập…” – ông Duyên nói. 

Nông dân Tây Ninh mất trắng gần 1.000 tỷ đồng

Theo thông tin từ Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NNPTNT), giá thu mua sắn tươi tại Tây Ninh hiện chỉ còn 1.600-1.700 đồng/kg (loại 30% chữ bột), và giá sẽ trừ lùi 30 đồng/kg cho mỗi độ bột thấp hơn. Mức giá này giảm khoảng 600 – 700 đồng/kg so với năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, nông dân trồng sắn bị lỗ từ 20 – 30 triệu đồng/ha.

Do giá bán xuống thấp, cộng với mưa nhiều, phải thu hoạch sắn non, chữ bột thấp nên trong vụ đông xuân 2015 – 2016 và vụ hè thu, nông dân trồng sắn ở Tây Ninh mất trắng gần 1.000 tỷ đồng.

Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết thêm, hiện một số nhà máy tinh bột sắn lớn tại miền Bắc đã chạy vụ mới. Thời gian qua, hàng tinh bột sắn tại các nhà máy khu vực Tây Ninh ra Móng Cái với số lượng ít, lượng hàng bán qua một số cửa khẩu đường bộ phía Bắc cũng chậm do lượng hàng tồn kho tại Thanh Đảo (Trung Quốc) khá lớn. Trong bối cảnh đó, nhu cầu bán sắn cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi cũng không tăng, cộng với lượng sắn còn tồn kho nên đã dẫn đến giá sắn tươi giảm mạnh.

Thiên Ngân


Cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên cho năng suất cao Cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng… Tích tụ ruộng đất - đừng để vừa làm vừa băn khoăn Tích tụ ruộng đất - đừng để vừa…