Bảo Tồn Rau Húng Láng
"Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm/Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”. Một trong các loài đặc sản đất Kinh kỳ đang đứng trước nguy cơ trở thành dĩ vãng bởi quá trình đô thị hóa.
Húng Láng thời thiếu đất
Theo sử sách, từ thời Lý, vào thế kỷ 11, làng Láng là một trong 61 phường của kinh thành Thăng Long. Từ thuở ấy, ngôi làng này đã nức tiếng khắp kinh kỳ nhờ sản vật cây rau húng. Ðến thời Trần (thế kỷ 13), làng Láng được đổi tên thành Toán Viên hay còn gọi là vườn tỏi, chuyên canh tác loại rau cung cấp cho triều đình và người dân sống ở kinh thành.
Cây rau húng vẫn là sản vật chủ đạo. Húng làng Láng vốn có thân nhỏ, lá mỏng ít răng cưa. Mặt lá màu xanh thẫm, cuống và gân lá màu tím. Hương vị khác biệt của húng Láng không chỉ nhờ thổ nhưỡng trời cho mà còn là ở cái công chăm bón. "Để có được luống đất tơi xốp, chúng tôi không chỉ cuốc, đập đất nhỏ mà còn phải dùng cào, cào từng cọng cỏ, từng gốc rau cũ, nhặt ra từng viên sỏi nhỏ để luống đất trở nên mịn, xốp cho đến khi sờ vào thấy mát tay mới được", bà Kiệm, một người dân làng Láng cho hay.
Theo bà, đất trồng húng được đánh luống, đánh dõng, khi trồng cũng phải có cách riêng của nó chứ không chỉ cắm ngọn húng xuống đất là xong. Mầm húng phải đặt cong dưới đất thì cây mới có độ bám và mọc lên được. Mà cũng phải đợi đến tháng 10, 11 âm lịch chờ cây lên mầm thì mới hái mà ươm luống. Nước tưới cho rau húng phải là nước tiểu pha thật loãng. Những ngày nắng tháng 6 như đổ lửa nhưng muốn có húng ngon, người làng Láng vã mồ hôi mà tưới nước. Húng Láng cũng "khó tính", chỉ cần có vài cây cỏ mọc xung quanh là chúng không chịu lên.
Thơm ngon là thế, tiếng tăm, lẫy lừng là thế nhưng rồi húng Láng cứ mai một dần dần. Đó là dạo làng Láng thành phường. Đất dành cho rau húng cứ hẹp dần đi trong cơn lốc đô thị hóa. Những luống rau vốn là sản vật nức tiếng kinh thành một thời giờ nằm lẫn trong những đống gạch đá, phế thải xây dựng lổn nhổn. Vậy mà ngay cả diện tích ít ỏi còn sót lại cũng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi mai đây nơi này sẽ mọc lên một ngôi trường mầm non.
Những người nông dân trồng húng cuối cùng của làng Láng bây giờ chỉ còn chưa đến 10 người. Họ, một phần vì không còn đất, một phần cũng vì cái công thu được từ trồng húng bèo bọt quá mà bỏ đi làm nghề khác cả. Đếm trên đầu ngón tay, cả làng xưa bây giờ chỉ còn ông Lộc, bà Tất, cụ Sói, bà Định, bà Kiệm và nhà cô Hường là còn trồng húng Láng.
Hàng ngày, cứ độ hơn 6h sáng, ông Lộc quẩy gánh ra vườn, hôm thì làm đất, hôm thì hái rau chở ra chợ Láng bán. Ông kể: "Ngày nhiều lắm cũng chỉ được khoảng ba bốn chục nghìn mà công chăm bón, làm lụng thì rất vất vả lắm. Mỗi luống rau húng thơm có chiều dài chừng 10m và bề ngang 2m trung bình một tháng chỉ hái được khoảng hơn 200 mớ. Mỗi mớ húng nhỏ chỉ độ hơn chục ngọn đến gần hai chục ngọn bán được 1.000 đồng mà thôi”.
Bi đát hơn cả là HTX Láng Thượng. Ngày chưa lên phố, đây là HTX sống nhờ vào dịch vụ trồng rau. Làng Láng thành phường, HTX cũng phải đổi tên thành HTX thương mại và dịch vụ. Nghề chính của các xã viên là trông giữ xe và cho thuê mặt bằng tổ chức đám cưới. Và với nghề mới này, chỉ có khoảng 20 trong tổng số 150 xã viên có việc làm.
Lý giải cho việc chuyển đổi, ông Lâm Văn Thanh, Chủ nhiệm HTX TM-DV Láng Thượng cho biết: “HTX nông nghiệp nằm giữa lòng thành phố thì bắt buộc phải chuyển đổi. Bây giờ nguồn nước không có, thành phố lấy đất để làm dự án, làm đường và xây dựng trường học. Một mảnh ruộng khác của HTX nằm trong hành lang xanh của chùa Láng nên may ra sẽ còn giữ được. Nhưng liệu nông dân có còn được trồng húng Láng ở đây nữa hay không thì không thuộc quyền quyết định của HTX. Và nếu có được canh tác chăng nữa, thì nguồn nước sạch ở đâu? Ai sẽ là người bảo vệ vườn rau?
Bảo tồn bằng cách nào ?
Phát biểu tại hội nghị, bà Hà Thị Lê Nhung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa khẳng định: Nhất định phải bảo tồn húng Láng. Đề nghị Sở NN-PTNT Hà Nội xây dựng hẳn một đề án quy mô hẳn hoi để bảo tồn, dù bằng bất cứ phương án nào.
Trăn trở với loài húng Láng lừng danh, không ít nhà khoa học, các chuyên gia ngành nông nghiệp đã hiến kế các cơ quan ban ngành liên quan ở Thủ đô cứu loài cây sản vật này. Mới đây, tại một cuộc hội thảo ở quận Đống Đa, các đại biểu đều thống nhất phương án phải bảo tồn, nhưng bằng cách nào thì vẫn đang là một dấu hỏi.
Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình phát triển nông nghiệp Hà Nội hiến kế rằng: Thành phố đã có quyết định giải phóng mặt bằng thu hồi những mảnh đất cuối cùng của phường Láng Thượng, quận Đống Đa để xây dựng trường mầm non... Nếu điều này xảy ra, cây húng Láng sẽ bị tuyệt chủng. Theo tôi, có hai cách để bảo tồn cây húng Láng. Một là bảo tồn tại chỗ, lựa chọn những gia đình có khả năng rồi phối hợp với các cơ quan để bảo tồn. Hai là chọn một địa phương ở ngoại thành có thổ nhưỡng phù hợp rồi di dời húng Láng ra trồng nơi đó.
Chung quan điểm với ông Long, một số đại biểu còn hiến kế phối hợp với chùa Láng, tận dụng đất của chùa để cùng nhau bảo tồn, hoặc đem vào ngân hàng gen duy trì giống rồi tìm cách thích hợp để phát triển từ từ.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao