Bảo vệ cây ăn quả trong mùa mưa bão
Theo số liệu thống kê, Quảng Nam có khoảng 7.789ha cây ăn quả; trong đó chuối, mít, cây có múi chiếm diện tích khá lớn; đặc biệt các giống cây ăn quả đặc sản từng vùng như bưởi, thanh trà, trụ lông, lòn bon... là cây trồng cho thu nhập cao.
Kinh nghiệm cho thấy, mưa bão thường gây thiệt hại và tổn thất lớn; nhất là vùng thấp trũng, ngập nước lâu ngày dễ dẫn đến héo và chết cây. Ở Quảng Nam, mưa lớn gây lũ lụt thường xuất hiện trung tuần tháng 10 đến hạ tuần tháng 11 dương lịch, cùng với biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng hết sức phức tạp khó lường, việc hạn chế thiệt hại cho vườn cây ăn quả là nhu cầu bức thiết hiện nay. Tuy mỗi loại cây ăn quả có khả năng chịu hạn, chịu ngập úng, gió bão... khác nhau, vì vậy cần có giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế thiệt hại trong mùa mưa bão. Cây rễ cọc đâm thẳng, ăn sâu vào lòng đất thì có thể chống đỡ được với gió bão tốt hơn cây rễ bàng (có bộ rễ lan tỏa theo tán và ăn nông). Cây có bóng tán rộng dễ tiếp xúc, hứng chịu mạnh với mưa lớn, gió bão nên dễ bị lật gốc đổ ngã. Cây ăn quả trồng nơi đất cát; cát pha; thịt nhẹ nơi thấp trũng cùng với hệ thống tiêu thoát nước kém khi mưa kéo dài dễ dẫn đến vườn cây ngập úng làm thối rễ, ảnh hưởng đến sinh trưởng, ra hoa, đậu quả và ngập úng lâu ngày các bộ phận trên thân, gốc cây ngừng hoạt động làm chết cây.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, hệ thống thoát nước trong vườn phải tiêu nước kịp thời (có mương tưới và tiêu nước) và khai thông rãnh thoát nước ở xung quanh tán cây, đắp đất cứng vào xung quanh gốc cây để làm tăng thêm mối liên kết giữa cây và đất nền. Vườn cây ở vùng trung du, miền núi, nơi có độ dốc lớn hơn 10 độ thì trồng xen các loại cây làm thảm thực vật như sả, dứa, rau ngót... theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn, rửa trôi đất. Khi áp dụng các biện pháp trên ở các địa hình phải tiến hành tỉa bỏ những cành tăm, cành khô, cành bị sâu bệnh, cành vượt và tạo tán cây gọn... Để tập trung dinh dưỡng nuôi cành chính và loại bỏ được nguồn sâu bệnh, giảm được diện tích hứng mưa gió, tạo cho cây vững vàng hơn khi gặp bão và hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng ở những cành không cần thiết.
Với những cây có tán lá rộng thân mềm, cần tỉa bỏ những lá già đã giảm chức năng quang hợp. Với loại cây thân giả như chuối thì dùng cây chống, những cây có thân yếu, có bộ tán nặng, cây đang ra quả cần phải cắm cọc để giữ cây, gồm 3 cọc cắm lệch góc chụm điểm khoảng 2/3 thân cây buộc bằng dây mềm chắc dai, chịu nước có bảng rộng để thân cây không bị xơ xước. Vườn cây đang trong thời kỳ kiến thiết đã trồng các loại cây ghép như (bưởi ghép, xoài ghép, chanh ghép, cam ghép, mít....), cần chú ý mắt ghép và cành ghép trùng với hướng gió thì rất dễ tách, gãy rời cành khỏi cây mẹ khi có gió to. Nhất là cành ghép, mắt ghép đã và đang liền sẹo nhưng chưa vững chắc thì cần phải được buộc cố định với thân cây chủ hay cắm cọc giữ cố định không để gió dịch chuyển làm gãy cành.
Mùa mưa bão đang cận kề, do vậy việc áp dụng các giải pháp trên nhằm giảm thiểu thiệt hại cho vườn cây ăn quả lâu năm nhằm hạn chế gãy cành, gãy thân, lật gốc đổ ngã... Vì vậy, người làm vườn cần chủ động phòng tránh, không những góp phần hạn chế thiệt hại mà còn tăng được tuổi thọ cho vườn cây vừa giảm chi phí đầu tư trồng mới và tăng giá trị thu nhập.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao