Mô hình kinh tế Bệnh Trắng Lá Mía Chưa Được Khống Chế

Bệnh Trắng Lá Mía Chưa Được Khống Chế

Publish date Thursday. August 7th, 2014

Bệnh Trắng Lá Mía Chưa Được Khống Chế

Tuy được cảnh báo là dịch bệnh nguy hiểm nhưng đến nay, bệnh trắng lá mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn chưa được khống chế.

Giống mới cũng nhiễm bệnh

Xã Ninh Sim là địa phương đầu tiên phát hiện bệnh trắng lá mía, đến nay bệnh đã lan rộng ra tất cả các thôn. Ông Trương Công Danh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, hiện tổng diện tích mía bị bệnh hơn 700ha, gấp đôi năm ngoái. Các thôn trước đây chưa xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện rải rác thì nay lan rộng.

Toàn bộ diện tích hơn 200ha mía của thôn Lam Sơn hầu như đều bị nhiễm bệnh, trong đó 150ha nhiễm 30 - 50%, 50ha nhiễm trên 50%. Ở thôn Đống Đa, diện tích mía bị bệnh lên đến 150ha.

Năm ngoái, thôn Nông Trường là thôn đầu tiên phát hiện bệnh thì nay dịch lây lan với diện tích 150ha/300ha mía, mức độ nặng trên 30%. Điều đáng lo ngại là tất cả các giống mía đều bị bệnh, kể cả những giống mới nhất vừa đưa vào thử nghiệm của Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa (giống KBS).

Dẫn chúng tôi đến ruộng mía bị bệnh nằm ven Quốc lộ 26 thuộc địa bàn thôn Lam Sơn, ông Nguyễn Hà Trung - Chi hội trưởng Nông dân thôn cho biết, diện tích mía bệnh đã gấp 3 lần năm ngoái, nhiều ruộng mía hầu như bị trắng lá toàn bộ. Chi hội đã tổ chức tuyên truyền cho nông dân theo hướng dẫn của ngành chức năng như: bệnh nặng thì đốt bỏ, cày hủy, bệnh nhẹ thì phun thuốc bón lá, rải phân phục hồi sinh trưởng... nhưng việc thực hiện tùy thuộc vào nông dân nên kết quả còn hạn chế.

Tại vùng Đá Trắng (thôn Đống Đa), tình trạng mía trắng lá đang diễn ra nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Nay - Chi hội trưởng Nông dân thôn cho biết, năm ngoái mía bệnh lác đác, nhưng năm nay hộ nào cũng có mía bệnh, mức độ 20 - 70%. Anh Đỗ Văn Thuận (thôn Lam Sơn) lo lắng: “1,7ha/6ha mía vụ này của tôi bị bệnh, mức độ rất nặng, gần như 100%. Tôi muốn phá bỏ nhưng không có giống để trồng lại. Bình quân 1ha mía bị bệnh thất thu khoảng 15 - 20 triệu đồng”.

Bệnh cũng lây lan mạnh tại xã Ninh Xuân. Ông Lâm Văn Tân (thôn Tân Sơn) chia sẻ: “Tôi có 3ha mía thì đã có 3 sào bị thiệt hại 100%, số còn lại nhiễm bệnh 40%. Tuy chính quyền và Công ty Đường đã hướng dẫn nhưng tôi vẫn không biết xử lý thế nào, mía bị bệnh nặng tôi dùng làm thức ăn cho bò”.

Cần vào cuộc quyết liệt

Chính quyền địa phương hiện vẫn lúng túng trong cách xử lý. Ông Nguyễn Trinh - Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết, bệnh đang lây lan nhanh và mạnh hơn năm ngoái. Xã đang chỉ đạo thống kê và chốt số liệu diện tích mía nhiễm bệnh. Theo hướng dẫn, diện tích mía nhiễm bệnh trên 20% phải phá bỏ nhưng do nông dân tiếc, giữ lại nên làm cho dịch tiếp tục lây lan.

Năm ngoái, kinh phí chỉ hỗ trợ cho những diện tích mía bị nhiễm nặng trên 30% (30 - 70% hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; trên 70% hỗ trợ 4 triệu đồng/ha)... Xã cũng thành lập tổ giám sát hỗ trợ và chỉ đạo tiêu hủy nhưng nông dân không mặn mà nên rất khó thực hiện.

Theo ông Trần Tự - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Ninh Hòa, thị xã có gần 1.700ha mía bị bệnh trắng lá, tăng mạnh so với năm ngoái, tỷ lệ phổ biến 5 - 10%, có nơi trên 50%. Do nông dân không tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng, vẫn lưu giữ mía bị bệnh nhưng không có biện pháp phòng trừ, cách ly hữu hiệu, không có biện pháp chuyển đổi cây trồng nên dịch tiếp tục lây lan.

Ông Tống Trân - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Thị xã và các nhà máy đường rất quan tâm vấn đề này. Ngay từ khi bắt đầu niên vụ mía mới, thị xã đã chỉ đạo phòng trừ bệnh trắng lá mía.

Hiện thị xã đang tiến hành rà soát, thống kê lại diện tích bị nhiễm bệnh trong niên vụ này. Tuy nhiên, việc đề xuất hỗ trợ còn tùy thuộc vào thời điểm, bởi bệnh có thể chuyển biến nếu điều kiện chăm sóc tốt.

Bệnh trắng lá mía là dịch bệnh nguy hiểm và hiện có nguy cơ đe dọa vùng nguyên liệu mía rộng lớn của thị xã Ninh Hòa. Trước tình hình này, thị xã cần vào cuộc quyết liệt, huy động các lực lượng, đoàn thể, phối hợp với các ngành, công ty mía đường, thành lập các tổ kiểm tra, giám sát, tổ chức ra quân đồng loạt, hỗ trợ vật tư (vôi bột, xăng dầu tiêu hủy...), vận động nông dân mạnh dạn đốt bỏ mía bệnh, cách ly nguồn lây nhiễm. Đồng thời, kiến nghị tỉnh hỗ trợ hộ nông dân bị thiệt hại. Có như thế, việc khống chế dịch mới có kết quả.

Bệnh trắng lá mía do Phytoplasma - đặc tính trung gian giữa vi rút và vi khuẩn - gây nên, phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Bệnh lây truyền qua hom hoặc qua tác nhân trung gian là rầy Matsumuratettix hiroglyphicus Mats. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy biện pháp hiệu quả nhất là phòng bệnh.

Đối với diện tích mía thời kỳ cây con, bị nhiễm bệnh nhẹ cần nhổ tiêu hủy và rắc vôi vào hốc những cây bị bệnh để tránh lây lan. Đối với những diện tích mía bị nhiễm nặng cần tiến hành cày tiêu hủy, sau đó luân canh 1 - 2 năm với các cây trồng khác trước khi trồng lại mía.


Người Hậu Giang Trồng Mía Chưa Có Lợi Người Hậu Giang Trồng Mía Chưa Có Lợi Tìm “Danh Phận” Cho Cây Ca Cao Tìm “Danh Phận” Cho Cây Ca Cao