Mô hình kinh tế Tìm Danh Phận Cho Cây Ca Cao

Tìm Danh Phận Cho Cây Ca Cao

Publish date Thursday. August 7th, 2014

Tìm Danh Phận Cho Cây Ca Cao

Ca cao đang đứng trước “thời cơ vàng” để phát triển, khi dự báo nhu cầu sử dụng hạt tại nhiều nước phục vụ chế biến vào năm 2020 lên khoảng 1 triệu tấn. Tuy nhiên, trồng như thế nào, diện tích bao nhiêu và tiêu thụ ở đâu,… là những vấn đề đặt ra.

Xoay quanh vấn đề này, tại hội thảo “Bài học kinh nghiệm tại Bến Tre- các giải pháp phát triển ca cao bền vững khu vực ĐBSCL” do Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức hôm 31/7, các nhà khoa học, nhà vườn đã có những chia sẻ thiết thực.

Theo bà Phan Thị Thu Sương- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre, trước năm 2010, Bến Tre được xem là “thủ phủ” cây ca cao ở ĐBSCL với 10.000ha, nhưng hiện đã giảm chỉ còn hơn 5.000ha do giá cả bấp bênh, tiêu thụ khó khăn, nông dân đốn bỏ chuyển sang cây trồng khác.

Không còn “núp bóng dừa”

Theo bà Phan Thị Thu Sương, “chỉ là khó khăn nhất thời”, bởi sắp tới nhu cầu ca cao trên thế giới là rất lớn.

“Sản lượng ca cao thế giới gần như không tăng trong 4- 5 năm qua, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng từ 2- 3%/năm, nên ngành chế biến ca cao thường xuyên bị thiếu hụt nguyên liệu. Dự báo sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn vào năm 2020, do đó tiềm năng phát triển ca cao của Việt Nam rất dồi dào”.

Hiện Bến Tre cũng như nhiều tỉnh khác ở ĐBSCL có nhiều điều kiện thích hợp trồng ca cao, nếu đầu tư bài bản có nhiều tiềm năng phát triển. “Trước đây chúng ta thường nghĩ ca cao “núp bóng dừa”, bỏ phế nên chất lượng trái xấu, giá cả bèo bọt. Còn thực tế thời gian qua, một số mô hình chăm sóc theo quy trình cho năng suất và chất lượng rất tốt”- bà Phan Thị Thu Sương cho biết thêm.

Bến Tre đã hình thành được mạng lưới thu mua, sơ chế với 127 điểm tập trung ở các xã. Ca cao sau khi qua xử lý lên men tự nhiên được Công ty TNHH Puratos Grand Place Việt Nam, Công ty TNHH Phạm Minh, Công ty TNHH Cargill Việt Nam,… thu mua chế biến bột ca cao, bơ ca cao, rượu ca cao và các sản phẩm sô cô la.

Địa phương cũng đã thu hút được nhiều công ty định hướng phát triển lâu dài. Tại đây, hiện Công ty Puratos Grand Place còn xây dựng nhà máy sơ chế công suất 2.000 tấn hạt/năm; xây dựng nhà máy sô cô la tại Bình Dương, mục tiêu làm ra sản phẩm sô cô la có xuất xứ Việt Nam.

Bà Lê Thị Phi Vân- chuyên viên nghiên cứu ca cao khu vực ĐBSCL cũng mang đến cho hội thảo nhiều thông tin khả quan:

Hiện tại thị trường Việt Nam, hạt ca cao lên men đang được thu mua với giá từ 55.000- 59.000 đ/kg, tăng khoảng 1.000 đ/kg so cuối năm 2013. Trung Quốc, Ấn Độ,Indonesia là những thị trường tiêu thụ ca cao mạnh, mà Việt Nam có nhiều lợi thế cung cấp.

Gương mặt phấn khởi, ông Trần Văn Lời- nông dân huyện Giồng Trôm bày tỏ: “Ca cao giờ không “núp bóng dừa” như trước đây người ta thường nói, mà nhiều lần “cứu” dừa, cam, bưởi nữa là khác. Nếu dừa 60.000 đ/chục, thì một cây ca cao 5 năm tuổi mỗi vụ thu nhập không dưới 200.000đ. Với giá ca cao hiện không dưới 5.000 đ/kg, chưa chắc thua dừa.”

Ông Lời hiện có trên 300 gốc ca cao trồng xen dừa, sau mỗi vụ thu hoạch trừ chi phí ông còn lãi từ cây ca cao không dưới 50 triệu đồng.

Nhiều nông dân còn cho rằng, “trồng ca cao không có gì để mất bởi trồng xen dừa”. Tuy nhiên, điều họ chưa mê vì sau thu hoạch phải chở đến tận công ty hoặc một số điểm thu mua do công ty mở ở các xã để bán. Mặt khác, giá còn bị “bóp” lại thêm 300- 500 đ/kg, trong khi mỗi lần bán số lượng ít nên tốn kém nhiều hơn.

Không nên trồng ồ ạt

Trước thực trạng này, Bến Tre cũng như nhiều tỉnh- thành ĐBSCL đang quy hoạch vùng trồng, phương thức trồng, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến.

Bà Lê Thị Phi Vân cho rằng, trồng xen dừa vẫn là phương thức phù hợp cho cây ca cao hiện nay, bởi giảm rủi ro, đa dạng hóa thu nhập, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Bên cạnh, không nên phát triển ồ ạt khi chưa chuẩn bị kỹ các điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội địa phương, mà cần phát triển theo chiều sâu bằng cách nâng cao năng suất, chất lượng.

Liên quan vấn đề tiêu thụ, ông Cao Văn Hóa- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang cho rằng:

“Chúng ta chưa hình thành được chuỗi giá trị trong sản xuất. Chẳng hạn, khâu tuyên truyền kỹ thuật trồng chưa được triển khai sát sao, trồng tiêu thụ ở đâu, giá cả bao nhiêu thì chưa làm được”. Từ năm 2012 đến nay, Tiền Giang có hơn 100ha ca cao trong tổng số 2.000ha bị đốn bỏ.

“Đã đến lúc phải xem ca cao là cây trồng chính, bởi nguồn thu cây “trồng ké” này là không nhỏ. Công việc lúc này là các tỉnh phải hình thành các chuỗi liên kết dọc giữa nông dân và công ty thu mua, liên kết ngang giữa công ty với công ty trong điều tiết số lượng, chất lượng phù hợp. Nếu làm được các khâu này may ra ca cao sẽ không dội chợ như những cây trồng khác”.- ông Cao Văn Hóa đề xuất.

Ông Phan Văn Khổng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư Bến Tre cho rằng, người dân đổ xô đốn bỏ ca cao là có trách nhiệm của cơ quan khuyến nông địa phương vì chưa làm tốt khâu chuyển giao kỹ thuật để tăng năng suất. Hiện tại năng suất trung bình cây ca cao dưới 600 kg/ha, trong khi nếu làm đúng kỹ thuật cơ bản có khả năng đạt năng suất trên 1,3 tấn/ha.

“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trồng ca cao năng suất thấp và đốn bỏ ào ạt là kinh phí tập huấn, tuyên truyền khó khăn nên chưa tổ chức thường xuyên và chưa theo sát người dân.” - ông Phan Văn Khổng nói.

Công ty TNHH Puratos Grand Place Việt Nam cho biết: Ngoài duy trì diện tích có sẵn ở Bến Tre, Tiền Giang, sắp tới sẽ triển khai thêm một số dự án phát triển diện tích ca cao ở Vĩnh Long, sau đó mở rộng ra tỉnh Trà Vinh và các tỉnh khác ở ĐBSCL. Ngoài ra, công ty cũng triển khai mạng lưới mua phủ khắp vùng để tiêu thụ tối đa hạt ca cao của nông dân với giá ổn định.

Ông Phan Văn Khổng- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Bến Tre: “Nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật, ca cao sẽ cho thu nhập tương đương các cây trồng chính. Vì vậy, tỉnh rất có niềm tin vào loại cây này và đã ban hành chính sách hỗ trợ 40% giá giống cho nông dân”.


Bệnh Trắng Lá Mía Chưa Được Khống Chế Bệnh Trắng Lá Mía Chưa Được Khống Chế Nuôi Trâu Cho Thu Nhập Cao Nuôi Trâu Cho Thu Nhập Cao