Bơm tạp chất và cho lợn ăn chất cấm đáng lo ngại
Điểm bơm tạp chất vào lợn tại gia đình ông Nguyễn Văn Đông, thôn Trại Nội, xã Hương Lạc (Lạng Giang).
Thu lợi bất chính
Sáng 19-10, cùng đoàn kiểm tra Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), Đoàn liên ngành phòng chống dịch động vật tỉnh (Đoàn liên ngành), phóng viên được “mục sở thị” điểm tập kết lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Đông, thôn Trại Nội, xã Hương Lạc (Lạng Giang).
Tại đây, lực lượng chức năng bắt quả tang ông Đông cùng một số người làm thuê bơm tạp chất vào lợn trước khi đóng xe xuất bán.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một bể xây bằng gạch dung tích khoảng 0,5 m3 chuyên để chứa tạp chất đã pha với nước.
Công cụ là 1 chiếc gáo nhựa, 1 chai nhựa cắt bỏ đáy để làm phễu nối với 1 ống nhựa dài đưa thẳng vào họng lợn.
Để khống chế con vật, những người này dùng một chiếc ngoàm sắt lồng vào mõm, một đầu buộc vào sợi dây kéo ngược hàm trên neo vào cây cọc cạnh đó.
Bằng cách này, chỉ vài phút, mỗi con lợn bị dồn khoảng nửa xô tạp chất và được đánh dấu bằng một vệt sơn đỏ trên lưng.
Trong số 50 con lợn của gia đình ông Đông có 20 con đã dồn xong, bụng căng tròn, đi lặc lè, có con nằm bệt dưới nền chuồng.
Ông Đông thừa nhận đã nhiều lần làm như vậy.
Việc bơm tạp chất giúp lợn khỏe và không bị hao hụt cân khi vận chuyển đường dài.
Đoàn kiểm tra lập biên bản xử phạt ông Đông 5,5 triệu đồng và yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm.
Ngày 9-10, ông Trần Văn Luân ở thôn Thanh Lâm, xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) cũng dùng thủ đoạn tương tự để bơm tạp chất vào 20 con lợn trước khi đem đi giết mổ, bị lực lượng chức năng bắt quả tang.
Ông Luân bị xử phạt 5,5 triệu đồng.
Trước đó, trong tháng 7, cơ quan công an còn bắt quả tang hai trường hợp bơm tạp chất vào 145 con lợn tại xã Hồng Thái và Bích Sơn (Việt Yên).
Thượng tá Phạm Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) cho biết: “Hỗn hợp được đưa vào lợn là nước và tạp chất màu vàng nghi là bột đá trộn lẫn bột ngô.
Thủ đoạn này nhằm tăng cân cho lợn, đối tượng vi phạm thu lợi bất chính 200 - 250 nghìn đồng/con”.
Bên cạnh bơm tạp chất, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã cung ứng cho người dân cám có chứa chất cấm Salbutamol để tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc cho lợn nhằm bán được giá.
Điển hình là trong tháng 4, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi phát hiện ông Vũ Đình Thương ở xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) chở 5 tấn thức ăn chăn nuôi lợn nghi có chứa chất cấm giao cho một số đại lý trong huyện.
Toàn bộ thức ăn trên đều của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dinh dưỡng Quốc tế Việt Áo (Hà Nội).
Kết quả phân tích cho thấy các mẫu cám thu giữ đều chứa Salbutamol với hàm lượng cao.
Công ty này đã bị phạt 140 triệu đồng, buộc thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô hàng.
Loại cám này còn được Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Đại Hồng Phát (Hà Nội) tuồn lên huyện vùng cao Sơn Động và cũng bị cơ quan chức năng thu giữ, phạt 140 triệu đồng.
Quyết liệt ngăn chặn
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng trong tỉnh phát hiện, xử lý 8 vụ bơm tạp chất và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở các huyện: Lạng Giang, Việt Yên, Sơn Động, Hiệp Hòa, Tân Yên.
Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp chuyển đổi hình thức kinh doanh, không trực tiếp trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi mà đóng thành nhiều túi nhỏ giao cho các đại lý để bán lén lút cho khách hàng về pha trộn sau nên khó phát hiện.
Đồng thời đưa chất cấm về vùng sâu, vùng xa để dễ tiêu thụ.
Các cơ sở sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi có chất cấm đã bị phạt tiền tuy ở mức khá cao nhưng chưa bị đình chỉ sản xuất, người chăn nuôi chưa bị xử phạt nên dẫn đến tình trạng nộp phạt xong tiếp tục vi phạm.
Các hộ kinh doanh thường chọn điểm tập kết lợn ở những nơi hẻo lánh, tổ chức đông người bơm cấp tập trong vòng một vài giờ là vận chuyển đi ngay để trốn tránh lực lượng chức năng.
Hơn nữa, chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này theo Nghị định 119 năm 2013 của Chính phủ từ 5 đến 6 triệu đồng là quá thấp, chưa đủ sức răn đe.
Một kẽ hở nữa là theo quy định kiểm dịch, 6 tiếng sau khi cơ quan thú y kiểm tra và theo dõi, con vật không bị ốm, chết thì lô hàng vẫn được vận chuyển đi tiêu thụ, chỉ tiêu hủy lợn khi mắc bệnh truyền nhiễm.
Vì vậy, khả năng nhiều lô lợn bị bơm tạp chất, các hóa chất độc hại chưa kịp phát tác thì con vật đã được giết mổ và đưa đến tay người tiêu dùng.
Theo Chi cục Thú y, lợn bị bơm tạp chất sẽ gây biến đổi tế bào, chất lượng thịt giảm, vi khuẩn dễ xâm nhập và có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.
Còn thịt lợn có chất Salbutamol sẽ làm người tiêu dùng bị tổn hại hệ thần kinh, hô hấp, mắc bệnh ung thư, thậm chí tử vong.
Được biết, cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố tăng cường quản lý, ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi.
Đại diện Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục cử cán bộ trinh sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, đề xuất giám định mẫu tạp chất để có căn cứ áp dụng hình phạt bổ sung, xử lý tăng nặng đối với các trường hợp tái phạm.
Sở Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo đoàn thanh tra tăng cường kiểm tra, lấy mẫu để giám định chất lượng thức ăn chăn nuôi; kiểm tra vệ sinh thú y, xử phạt nghiêm đối tượng vi phạm về sử dụng chất cấm và bơm tạp chất.
Giám sát trang trại vi phạm cho đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được xuất bán hoặc giết mổ”.
(Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao