Tin thủy sản Cá tra chưa thể thoát khó

Cá tra chưa thể thoát khó

Author Thiên Lý, publish date Saturday. May 13th, 2017

Cá tra chưa thể thoát khó

2017 tiếp tục được dự báo là một năm nhiều khó khăn cho ngành cá tra của Việt Nam, nhất là khi nhiều thị trường tiếp tục lập hàng rào thương mại để cản trở sự xâm nhập đối với con cá này.

Cá tra Việt Nam đang gặp khó tại nhiều thị trường. Ảnh: Ngọc Trinh 

Mỹ

Nhiều tín hiệu cho thấy, gần như chắc chắn rằng Luật Nông trại (Farm Bill) sẽ được thi hành vào đầu tháng 9 tới đây. Do đó, rất khó cho doanh nghiệp và người nuôi cá tra Việt Nam tìm được sự tương đồng với con cá da trơn được nuôi như tại Mỹ.

Một trong những doanh nghiệp chịu tác động lớn của đạo luật này chính là Công ty CP Vĩnh Hoàn, bởi Mỹ được coi là thị trường chiến lược của doanh nghiệp này nhiều năm qua. Nếu đánh mất thị trường này, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vĩnh Hoàn. Về phía thị trường Mỹ, các nhà bán lẻ và nhập khẩu nước này cũng đang có động thái tích cực trong việc mua hàng dự trữ trước việc Farm Bill được thực thi. Bởi, thực tế, nhiều hàng luật ở Mỹ cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp trong vụ kiện chống bán phá giá cũng đồng quan điểm chính quyền Mỹ không có lý do gì để trì hoãn đạo luật này và khuyên các doanh nghiệp Việt Nam nên khởi kiện ra WTO.

Theo quy định của Farm Bill, tất cả các khâu nuôi, vận chuyện, chế biến cá ở Việt Nam phải tương đồng với việc nuôi cá da trơn tại Mỹ. Ví dụ: Người nuôi cá tại Mỹ khi thu hoạch sẽ vận chuyển bằng xe tải tới nhà máy chế biến; trong khi tại Việt Nam, việc vận chuyển vẫn chỉ là ghe, xuồng do vùng nuôi cá thường nằm ở vùng sâu, vùng xa vùng sông nước nên khó mà đáp ứng được yêu cầu này. Hay một nội dung khác như việc sử dụng bao bì, logo, nhãn mác theo quy định của Mỹ, hàng đến cảng phải xếp theo đúng quy định, hàng phải đưa vào kho hải quan để kiểm tra chất lượng, đóng dấu… trước khi đưa đi. Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia và nhà quản lý, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn tinh thần khi Fram Bill được thực thi và nguy cơ cá tra Việt Nam bị từ chối tại thị trường Mỹ là rất cao.

Tuy cá tra xuất khẩu vào Mỹ chỉ chiếm thị phần 20% nhưng trước đến nay, cá tra ở Mỹ có chất lượng, giá bán cao hơn hẳn các thị trường khác; do đó, nếu mất thị phần tại đây, như mất đi một miếng bánh béo bở của thủy sản Việt Nam.

Châu Âu

Châu Âu là thị trường thứ hai về nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam, trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, nhiều nước tại khu vực này đã loại bỏ sản phẩm cá tra ra khỏi hệ thống các siêu thị, chính vì vậy mà, giá trị xuất khẩu sản phẩm cá tra sang khu vưc này trong 3 tháng đầu năm 2017 giảm sút nghiêm trọng. Nhìn lại hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam tại EU trong những năm trước cho thấy có quá nhiều khó khăn, khi mà Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) bài xích, Hiệp hội bán lẻ châu Âu, Anh quốc và các hiệp hội nuôi trồng thủy sản sử dụng các kênh truyền thông để bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam.

Trung Quốc

Sau thất bại tại các thị trường chủ lực, cá tra Việt Nam bắt đầu trú trọng mở rộng phân tại thị trường Trung Quốc. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này 3 tháng đầu năm 2017 đã tăng 58%, chiếm 16,7% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, Trung Quốc được coi là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, đã không ít lần cá tra Việt Nam gặp khó do Trung Quốc ngừng thu mua.

Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam để xuất khẩu tăng, giá cả ổn định trong thời gian tới, riêng với Trung Quốc, cách duy nhất là nghiên cứu nhiều hơn về thị trường này để tránh rủi ro.

Vấn đề nguyên liệu

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương cho biết, ngành cá tra đang bị khủng hoảng vì thiếu nguyên liệu, ít nhất là tới tháng 2/2018. Bởi, do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa trái mùa ảnh hưởng đến sản xuất con giống, sản lượng cung ứng cho xuất khẩu chưa tới 800 nghìn tấn trong khi năm 2016 là 1,5 triệu tấn, giảm tới 50%.

Tại Đồng Tháp, vùng sản xuất cá tra trọng điểm của ĐBSCL, tính đến hết tháng 4/2017, toàn tỉnh có trên 1.300 ha ao hầm nuôi cá tra, trong đó gần 1.000 ha nuôi cá giống, với gần 130 triệu con. Diện tích “treo ao” là trên 106 ha, chủ yếu là các hộ nuôi cá thể, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Hồng Ngự (thủ phủ cá tra giống khu vực ĐBSCL). Do vậy, dù hiện nay giá cá tra giống và cá tra thịt tăng cao nhưng một số hộ nuôi không có cá để bán.

Việc giá cá tra tăng vài tháng trở lại đây, trong khi một số hộ nuôi không có cá để bán đã một lần nữa xác định tầm quan trọng của việc quy hoạch trong sản xuất và liên kết với thị trường. Có như vậy, người dân mới gắn bó lâu dài với con cá tra vốn là mô hình thế mạnh tại các tỉnh ĐBSCL.

>> Tại Hậu Giang, lãnh đạo địa phương đang yêu cầu người nuôi cá tra cần phối hợp với ngành nông nghiệp để sớm triển khai việc liên kết với Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, nhằm bảo đảm đầu ra cho con cá. Đây được xem là giải pháp bền vững phát triển nghề nuôi cá tra ở Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.


Nhiều bất cập trong nuôi nhuyễn thể Nhiều bất cập trong nuôi nhuyễn thể Để nuôi tôm thâm canh bền vững Để nuôi tôm thâm canh bền vững