Cải tiến quy trình nuôi tôm thâm canh
Để khắc phục tình trạng tôm nuôi thâm canh thiệt hại do môi trường bị ô nhiễm, Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước cải tiến quy trình nuôi tôm thâm canh trong ao đất có hố xi phông. Đây được xem là cách làm mới và bước đầu phát huy hiệu quả.
Bà con nông dân tham quan Dự án hỗ trợ và ứng dụng chuyển giao mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh có hố xi phông.
Sau nhiều năm phát triển loại hình nuôi tôm thâm canh, đến nay, toàn huyện có hơn 2.000 ha, chiếm hơn 6% so với tổng diện tích nuôi thuỷ sản. Nhưng thời gian gần đây loại hình này chậm phát triển, do môi trường nguồn nước trong ao nuôi thường xuyên biến động, không thuận lợi cho tôm nuôi phát triển. Thậm chí có không ít ao đầm liên tiếp bị thiệt hại, làm cho người nuôi tôm không còn vốn để tái đầu tư sản xuất, phải treo đầm hoặc chuyển sang nuôi đối tượng khác, nên hiện nay trên địa bàn huyện chỉ còn hơn 500 ha tôm nuôi thâm canh thường xuyên được bà con nông dân thả nuôi.
Qua tìm hiểu thực tế, Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước nhận thấy, nguyên nhân hạn chế của loại hình tôm nuôi thâm canh trong ao đất là do khâu thiết kế ao đầm của bà con chưa hợp lý, khi hệ thống quạt tạo ô xy vận hành tạo thành dòng chảy, thức ăn dư thừa và xác tôm lột tập trung ở phần giữa đáy ao. Khi bà con nông dân xi phông không thể thu gom hết hoàn toàn các chất thải, sau nhiều tháng các chất thải này tích tụ sản sinh ra khí độc làm biến động môi trường nước trong ao. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, do đó bà con phải tốn kém chi phí để xử lý môi trường nước, đôi khi vẫn không hiệu quả do bị ô nhiễm quá nặng, dẫn đến tôm nuôi bị thiệt hại.
Phòng NN&PTNT huyện triển khai Dự án hỗ trợ và ứng dụng chuyển giao mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh tại ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ với diện tích 1 ha, có 5 hộ dân tham gia thực hiện. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 250 triệu đồng từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Cà Mau. Chủ yếu thực hiện trên ao đầm tôm thâm canh kém hiệu quả và chỉ bổ sung thêm hố xi phông ở giữa đáy ao có diện tích khoảng 3 m2 để dễ dàng thu gom thức ăn dư thừa và các chất cặn bã, nhằm cải thiện môi trường nguồn nước trong ao. Chính nhờ sự cải tiến này mà chất lượng nguồn nước trong ao đầm nuôi tôm ổn định, không bị ô nhiễm do thức ăn dư thừa và chất thải của tôm gây ra, đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôm nuôi phát triển.
Kết quả, sau hơn 2 tháng thả nuôi, tôm đạt trọng lượng trung bình khoảng 60 con/kg, sẵn sàng cho thu hoạch và người nuôi đã có lãi. Nhưng các yếu tố môi trường nguồn nước trong ao đầm vẫn ổn định, tôm nuôi đang phát triển tốt nên một số hộ dân tham gia dự án quyết định không lên đầm xuất bán vào thời điểm này, mà nuôi tiếp để tôm đạt trọng lượng lớn hơn, khi ấy năng suất sẽ tăng lên và bán được giá cao hơn.
Ông Trần Thống Nhứt, ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, 1 trong 5 hộ dân tham gia dự án, cho biết, với diện tích ao nuôi 2.000 m2, sau 3 tháng thả nuôi tôm thẻ chân trắng, người nuôi tôm phải dùng khoảng 3 tấn thức ăn rải xuống ao đầm. Khi tôm ăn xong chỉ giữ lại trong cơ thể 30%, 70% còn lại được thải ra môi trường bên ngoài, tương đương 2 tấn chất thải. Với một khối lượng chất thải trong ao đầm lớn như thế, người nuôi tôm không thể xi phông lấy lên hết hoàn toàn, và môi trường nước trong ao đầm dễ bị ô nhiễm, dẫn đến tôm nuôi bị bệnh và thiệt hại. Còn khi đáy ao được thiết kế bổ sung thêm hố xi phông ở giữa, thức ăn dư thừa và xác tôm lột sẽ tập trung vào đây, rất dễ dàng cho khâu thu gom nên môi trường nước không bị ô nhiễm, giúp tôm nuôi phát triển nhanh và hạn chế được rủi ro thiệt hại. Cách làm mới này rất hiệu quả.
Hộ ông Nguyễn Huỳnh Chia ở ấp Rau Dừa B, cũng tham gia dự án, vui mừng cho biết, trước đây ông nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, lúc nào trong nhà cũng có sẵn hàng chục bao vôi các loại, Zeo và men vi sinh để xử lý định kỳ nên chi phí cho vụ tôm nuôi rất lớn. Từ khi áp dụng quy trình cải tiến nuôi tôm thâm canh trong ao đất có hố xi phông, các chất thải tôm nuôi được thu gom gần như hoàn toàn, môi trường nước ổn định, không phải xử lý định kỳ như trước đây, tôm nuôi vẫn phát triển tốt và không bị rủi ro thiệt hại như trước.
Có thể nói, dự án hỗ trợ và ứng dụng chuyển giao mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trong ao đất có hố xi phông không chỉ cải thiện được môi trường nguồn nước trong ao đầm, giúp tôm nuôi phát triển nhanh, hạn chế rủi ro thiệt hại, mà còn tiết kiệm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây được xem là hướng đi mới cho loại hình tôm nuôi thâm canh./.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao