Cánh Đồng Mẫu Lớn Cho Năng Suất Cao Vượt Trội
Theo Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi héc-ta lúa trong cánh đồng mẫu lớn có năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với diện tích ngoài mô hình này; ngoài ra cánh đồng mẫu lớn còn giúp tạo ra các vùng lúa đặc thù phục vụ xuất khẩu gạo cao cấp.
Bộ NN&PTNT, trong một báo cáo đưa ra tuần trước, cho biết năm 2014, năng suất lúa trung bình cả nước đạt 57,7 tạ/héc ta, còn năng suất trong cánh đồng mẫu lớn cao hơn 15 - 20% năng suất trung bình, tùy theo từng địa phương. Cụ thể, trả lời TBKTSG Online ngày hôm qua 12-1, ông Lê Thanh Tùng, Phó văn phòng Nam bộ của Cục Trồng trọt, mỗi héc ta tham gia cánh đồng mẫu lớn có năng suất cao hơn ở ngoài mô hình từ 8,6 - 11 tạ.
Bên cạnh ưu điểm về năng suất, một trong những mục tiêu mà Bộ NN&PTNT muốn xây dựng thông qua mô hình cánh đồng lớn là tạo ra các vùng nguyên liệu đặc thù để sản xuất một số giống lúa chất lượng nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu gạo cấp cao, qua đó bán được giá cao hơn.
Theo Cục Trồng trọt, hiện Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã quy hoạch và đang từng bước hình thành 5 vùng nguyên liệu phù hợp với thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới, như cánh đồng lớn canh tác giống lúa Jasmine; cánh đồng lớn canh tác giống lúa gạo trắng hạt dài chất lượng cao như giống lúa OM 4900, OM 5451, OM 4218, OM 7347…; cánh đồng lớn canh tác giống lúa đặc sản theo chỉ dẫn địa lý của địa phương như giống Nàng thơm Chợ Đào, Một bụi đỏ, Tài Nguyên, VD 20, Nàng Hoa 9…
ĐBSCL là nơi có số địa phương tham gia cánh đồng lớn nhiều nhất. Cụ thể, trong năm 2014 các địa phương ĐBSCL thực hiện hơn 200.000 héc ta theo mô hình này; trong đó tỉnh Trà Vinh có hơn 69.000 héc ta, Tiền Giang gần 33.000 héc ta, Cần Thơ hơn 26.000 héc ta, và Sóc Trăng hơn 22.000 héc ta.
Các tỉnh phía Bắc có khoảng 700 vùng chuyên canh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích tính đến hết năm 2014 là 27.500 héc ta; còn khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên là gần 16.820 héc ta.
Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 1/3 số diện tích chuyên canh theo mô hình này được các công ty hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Theo ông Tùng, “trong những cam kết hay hợp đồng bao tiêu đều có những quy định cụ thể về độ ẩm, tạp chất, chất lượng lúa cũng như thời gian mua bán lúa giữa hai bên, song trên thực tế, những cam kết này đã không được một trong hai bên thực hiện nên mới có trường hợp vào đầu vụ doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm nhưng cuối vụ lại không mua, buộc nông dân phải bán cho thương lái”.
Ông Tùng cũng cho rằng, về lý thuyết, chuyện các công ty không mua hết lúa của nông dân trong cánh đồng lớn chứng tỏ mục đích đặt ra của cánh đồng lớn chưa đạt được. Tuy nhiên, đây là những bước đầu và sẽ dần dần khắc phục được những hạn chế này.
“Theo tôi, không vì những hạn chế nói trên của cánh đồng lớn mà ai đó nói rằng mô hình này đã thất bại mà phải nhìn vào những cái được mà mô hình cánh đồng mẫu lớn đã mang lại cho nông dân,” ông Tùng nói.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao