Tin nông nghiệp Chuyên nghiệp hóa sản phẩm OCOP

Chuyên nghiệp hóa sản phẩm OCOP

Author Lê Diệu Linh, publish date Friday. December 9th, 2016

Chuyên nghiệp hóa sản phẩm OCOP

Sau 3 năm triển khai Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm OCOP. Một trong những nội dung căn cơ mà chương trình này rất chú ý thực hiện là xây dựng thương hiệu và bảo hộ nhãn hiệu thương mại đối với sản phẩm.

Trong ảnh: Ông Nguyễn Đức Long (giữa) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tham quan gian hàng của thị xã Quảng Yên tại Hội chợ OCOP năm 216. Ảnh: Cao Quỳnh

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, việc bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ là vô cùng quan trọng để giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ một cách bền vững và đảm bảo quyền sở hữu đối với sản phẩm, dịch vụ của mình.

Đăng ký hồ sơ bảo hộ cho 28 sản phẩm

Đối với tỉnh Quảng Ninh, nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản, năm 2012, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 273/QĐ-UBND về việc ban hành “Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015”. Chương trình này vẫn đang được tiếp tục triển khai với mục tiêu nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức về sở hữu trí tuệ, tạo dựng quản lý và phát triển thương hiệu (gồm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh; hình thành những thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến nay, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho 12 sản phẩm OCOP Quảng Ninh, gồm: Mật ong Hoành Bồ, đào đá Thống Nhất, lợn Móng Cái, rượu Bâu Bằng Cả, hoa Hoành Bồ, măng mai Ba chẽ, nấm lim Ba Chẽ, mật ong Ba Chẽ, ổi ông Đới, nấm Kim Oanh, nấm Thịnh Phát, ruốc hàu Thái Bình Dương. 

Tính đến tháng 9.2016, có 837 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ, trong đó bảo hộ về lĩnh vực hàng hóa nông sản chiếm tỷ lệ 10%. Đã có 21 dự án xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh Quảng Ninh được hoàn thành, các sản phẩm sau khi xây dựng thương hiệu đã có đầy đủ nhãn hiệu, xác lập được quyền bảo hộ cho các chủ thể, chất lượng sản phẩm ổn định, mẫu mã đẹp, bước đầu được thị trường chấp nhận và đánh giá tốt. Vì chất lượng được khẳng định, nên giá bán các sản phẩm đều tăng cao hơn so với trước đó.

Đối với các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh, Sở Khoa học và Công nghệ, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ cho 28 sản phẩm OCOP của tỉnh (5 nhãn hiệu chứng nhận; 20 nhãn hiệu tập thể; 3 nhãn hiệu thông thường).

Cụ thể, huyện Hoành Bồ có 8 sản phẩm, trong đó 3 nhãn hiệu tập thể (lá tắm người Dao, hoa Hoành Bồ, hoa đào đá Thống Nhất), 2 nhãn hiệu cá nhân (rượu bâu Bằng Cả, mật ong Hoành Bồ), 3 nhãn hiệu thông thường (nấm Kim Oanh, nấm Thịnh Phát, ổi ông Đới). TP.Uông Bí có 8 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể (nấm linh chi, dầu xoa bóp trầu tiên, rượu linh chi, ba kích, rượu sâm cau, nước giải khát linh chi, nước uống tinh khiết suối nguồn, nước giải khát ba kích).

TP.Móng Cái có 1 nhãn hiệu là lợn Móng Cái. Huyện Ba Chẽ có 4 sản phẩm, trong đó 3 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể (nấm lim Ba Chẽ, măng mai Ba Chẽ, mật ong Ba Chẽ), 1 nhãn hiệu cá nhân (sản phẩm cây và củ ba kích Ba Chẽ). Huyện Đầm Hà có 6 sản phẩm, trong đó 5 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể (trứng vịt biển Đầm Hà, ngan sao Đại Bình, rượu khoai Quảng Lâm, gạo Bao thai Dực Yên, trứng vịt biển Tân Bình) và 1 sản phẩm có nhãn hiệu cá nhân (củ cải khô Đầm Hà). Huyện Tiên Yên có 1 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể (trứng vịt biển Đồng Rui).

Bên cạnh việc hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các cơ quan chức năng còn hướng dẫn các cơ sở, đơn vị sản xuất về ghi nhãn hàng hóa, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.  Những việc làm đó đã góp phần không nhỏ vào thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh. Sau 3 năm triển khai, chương trình OCOP đang dần trở nên quen thuộc, ngày càng khẳng định được thương hiệu và trở thành nét riêng của Quảng Ninh, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh theo hướng phát triển sản xuất tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm.

Sản xuất kinh doanh “theo hướng chuyên nghiệp”

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực sự quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, mã số mã vạch cho sản phẩm của mình. Mặc dù đã được hướng dẫn đăng ký bảo hộ sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa, nhưng nhiều sản phẩm OCOP chưa hoàn thiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP với khoảng 200 sản phẩm, tuy nhiên, số lượng sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu chưa nhiều.

Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2013-2016 và phương hướng nhiệm vụ, giai đoạn 2017-2020 được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục nâng cao sản lượng sản phẩm, duy trì chất lượng, đẩy mạnh quy mô sản xuất theo hướng chuyên nghiệp.

Với trên 200 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, các đơn vị cần rà soát, xem xét và lựa chọn các sản phẩm đảm bảo yêu cầu về chất lượng, số lượng, mẫu mã để hỗ trợ đầu tư mở rộng, phát triển. Các địa phương chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn các đơn vị sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh thực hiện việc đăng ký bảo hộ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy theo đúng quy định trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Ông Nguyễn Đức Long khẳng định, Quảng Ninh sẽ tiếp tục điều chỉnh các cơ chế, chính sách để phù hợp với thực tế, hỗ trợ tối đa cho các tổ chức kinh tế. Các địa phương cần lựa chọn, đề xuất các sản phẩm cũng như đẩy mạnh liên kết để hình thành nên các sản phẩm chung mang thương hiệu riêng của tỉnh, đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong tất cả các khâu để tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm trên thị trường nhằm từng bước mở rộng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu nông sản.

Học tập kinh nghiệm tại “quê hương OCOP” ở Nhật Bản

Trong khuôn khổ chuyến công tác học tập kinh nghiệm phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) tại Nhật Bản vào cuối tháng 11 vừa qua, Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh do ông Nguyễn Xuân Ký -Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh,  làm trưởng đoàn, đã nghiên cứu, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm từ Chương trình OVOP của Nhật Bản (nguồn cảm hứng và kinh nghiệm quý để Quảng Ninh học tập, sáng tạo nên chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm – OCOP).  

Đoàn thăm khu bán hàng và giới thiệu sản phẩm OVOP của Hợp tác xã Oyma.  Ảnh: N.T.T

Đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Oita, đến thăm và làm việc với Hợp tác xã Oyama - hợp tác xã đầu tiên thực hiện phong trào OVOP, chuyên sản xuất nông sản hữu cơ organic do Hội Phụ nữ địa phương quản lý và vận hành.

Để phát triển khu vực nông thôn, tỉnh Oita đã phát động Phong trào OVOP (do cố Thống đốc Morihiko Hiramatsu khởi xướng từ năm 1979). Sau 20 năm (1979-1999), phong trào OVOP đã tạo ra được 329 sản phẩm cấp quốc gia với tổng doanh thu 141 tỷ yên/năm (1,1 tỷ USD). Phong trào OVOP đã góp phần tích cực vào phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn và hình ảnh tỉnh Oita. Nhiều sản phẩm như Chanh Kobosu; thịt bò Bungo; nấm shiitake... đều là sản phẩm tiêu biểu của Nhật Bản.

Hiện nay phong trào OVOP đã được trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ học tập và triển khai với nhiều tên gọi tương tự, góp phần phát triển kinh tế -xã hội khu vực nông thôn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân các nước sở tại. Ngô Tất Thắng


Xác định 10 giống mắc ca mới phù hợp đất Tây Nguyên Xác định 10 giống mắc ca mới phù… Doanh nghiệp sẽ là “chủ công” phát triển nông nghiệp Doanh nghiệp sẽ là “chủ công” phát triển…