Tin nông nghiệp Xác định 10 giống mắc ca mới phù hợp đất Tây Nguyên

Xác định 10 giống mắc ca mới phù hợp đất Tây Nguyên

Author Đình Thắng, publish date Friday. December 9th, 2016

Xác định 10 giống mắc ca mới phù hợp đất Tây Nguyên

Sau một thời gian nghiên cứu và theo dõi, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã đưa ra kết luận về 10 giống mắc ca chất lượng phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết thổ nhưỡng ở Lâm Đồng.

Trong ảnh: Đoàn Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đến thăm vườn mắc ca và tư vấn cho các hộ dân huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Ảnh: Đình Thắng

Hoàn thiện bộ giống tốt

Lâm Đồng là một trong những địa phương được đánh giá có điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây mắc ca. Địa phương này cũng đã đưa ra quy hoạch cụ thể để phát triển mắc ca lâu dài, bền vững. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng diện tích cây mắc ca trồng xen tại Lâm Đồng đạt 3.500-4.000ha. Các huyện có điều kiện thích hợp nhất để trồng mắc ca gồm Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, Di Linh và Đam Rông.

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Hiệp hội Mắc ca Australia đã ký kết thỏa thuận hợp tác, đây là điều vô cùng quan trọng cho ngành mắc ca phát triển. Ở Việt Nam, tôi thấy cây mắc ca có tốc độ phát triển rất nhanh, sản lượng mắc ca tốt hơn ở Australia, hương vị thơm hơn, ngon hơn. Cây mắc ca của Việt Nam giống như thiếu nữ mới lớn, phát triển rất nhanh. Ông Jolyon Richard Burnett – Tổng Giám đốc Hiệp hội Mắc ca Australia

Tại hội thảo giới thiệu cho vay và canh tác cây mắc ca được tổ chức tại huyện Di Linh cuối tháng 11 vừa qua, ông Trần Đình Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết: “Huyện Di Linh đang thay đổi cơ cấu cây trồng, thay thế các cây năng suất thấp giá trị thấp khả năng chống hạn thấp bằng những cây trồng có giá trị kinh tế cao và khả năng chống hạn tốt. Cây mắc ca là một trong những loại cây đó. Vì vậy, chúng tôi rất yên tâm khi người dân phát triển cây mắc ca. Chúng tôi quyết tâm đồng hành, hỗ trợ nông dân trồng phát triển cây mắc ca trên địa bàn”.

Chia sẻ về tương lai cây mắc ca ở Lâm Đồng trước 500 nông dân quan tâm đến giống cây trồng này, Giáo sư Hoàng Hòe – Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nhận định: “Tương lai cả tỉnh Lâm Đồng sẽ trồng 10 triệu cây trong khoảng 5-10 năm tới, phụ thuộc vào việc chuẩn bị cây giống như thế nào. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam mong muốn tỉnh Lâm Đồng mỗi năm trồng mới 2 triệu cây mắc ca”.

Nông dân Đào Thế Trúc, xã Hòa Nam, huyện Di Linh bày tỏ sự băn khoăn về các giống cây mắc ca phù hợp với Lâm Đồng tại hội thảo. Chia sẻ về điều này Giáo sư Hoàng Hòe – Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết: “Hiện nay đang có 10 giống tốt rất phù hợp với địa phương như: 788, 800, 816, 695, 849, OC, QN1, A4, A38, Dadow”.

Hỗ trợ cây giống, vốn vay ưu đãi

Đề cập đến tình trạng nông dân mua phải giống kém chất lượng, ông Lê Văn Tâm, xã Hòa Nam, thôn 13, huyện Di Linh bức xúc: “Cách đây 5 năm, tôi đã mua 1.000 cây giống của một công ty. Tuy nhiên, do không hiểu biết nên tôi đã mua phải cây giống kém chất lượng, sau 4-5 năm gần như không có quả. Không chỉ có tôi mà nhiều nông dân trong vùng cũng gặp phải tình cảnh đó”.

Về trường hợp này, ông Võ Duẩn – Giám đốc Công ty cổ phần Mắc ca Him Lam  chia sẻ: “Hiện nay, chúng ta có hàng chục vạn cây như thế, nếu chặt thì bà con tiếc, nếu để thì tốn đất. Tôi nghĩ bà con không cần chặt bỏ số cây thực sinh đã 4-5 tuổi, chỉ cần cải tạo lại, tiếp hành ghép là sẽ tốt. Chúng tôi sẽ tặng mắt ghép, tiến hành ghép cành đồng thời mời bà con đến tập huấn, huấn luyện cho bà con cách ghép tại vườn mắc ca của anh tâm”. Trước đó, Công ty cổ phần Mắc ca Him Lam cam kết hỗ trợ bà con trồng mắc ca Lâm Đồng 60.000 cây giống trong năm 2016.

Không chỉ được hỗ trợ cây giống, mắt ghép, tiêu thụ sản phẩm, nông dân trồng mắc ca tỉnh Lâm Đồng còn được hỗ trợ 11.000 tỷ đồng với hình thức vay ưu đãi. Bà Lê Thị Kim Anh - Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Lâm Đồng cho biết: “Chúng tôi sẽ cấp tín dụng cho các hộ nông dân nhằm mục đích trồng và chăm sóc mắc ca. Sản phẩm này có nhiều điều kiện ưu đãi cho nông hộ: Một khoản vay nhận được tối đa 80% nhu cầu vốn vay với thời hạn vay dài nhất 10 năm, thời gian ân hạn chưa phải trả nợ gốc, lãi lên tới 5 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có ngân hàng nào cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp có thời gian ân hạn dài như vậy”.

Cũng theo bà Lê Thị Kim Anh, người trồng mắc ca còn được hưởng chế độ bảo hiểm toàn bộ vườn cây mắc ca, từ khi trồng cho tới khi thu hoạch, trong quá trình đó nếu có rủi ro, người trồng sẽ được công ty bảo hiểm chi trả.

Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành quy hoạch diện tích mắc ca, nên đã xác định được vùng đất trồng phù hợp. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết: “Hiện nay Sở NNPTNT đang triển khai quy trình trồng mắc ca, trong đó chú trọng nguồn giống tốt, có địa chỉ rõ ràng, được chăm sóc chu đáo. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về cây giống, các cơ sở làm giống kém chất lượng sẽ bị xử lý nghiêm. Nông dân trồng mắc ca trên địa bàn đang có nhiều thuận lợi hơn khi được ngân hàng cam kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi, bên cạnh đó Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng đang kề vai sát cánh để tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển tốt cây trồng mắc ca”.


TP.HCM: Chưa thể cầm điện thoại “quét” thịt sạch TP.HCM: Chưa thể cầm điện thoại “quét” thịt… “Chuyên nghiệp hóa” sản phẩm OCOP “Chuyên nghiệp hóa” sản phẩm OCOP