Tin thủy sản Công nghệ sản xuất giống thủy sản đơn tính

Công nghệ sản xuất giống thủy sản đơn tính

Author Thái Thuận, publish date Thursday. August 24th, 2017

Công nghệ sản xuất giống thủy sản đơn tính

Một số loài thủy sản nước ngọt khi được đưa vào nuôi thương phẩm thường kém hiệu quả do tỷ lệ đực hoặc cái vượt trội, đa số thường nghiêng về giới tính không có lợi cho người nuôi. Vì vậy, người nuôi có xu hướng tạo đàn cá toàn cái hoặc toàn đực nhằm đạt giá trị thương phẩm.

Cá rô phi đơn tính cho hiệu quả vượt trội   Ảnh: ST

Hiệu quả kinh tế

Thực tế những năm qua cho thấy, việc nuôi các loài thủy sản đơn tính luôn đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so các mô hình nuôi không chọn lựa giới tính, cụ thể như mô hình nuôi tôm càng xanh: Sau 5 tháng nuôi, mô hình nuôi tôm toàn đực sẽ cho tỷ lệ tôm loại 1 (< 20 con/kg) cao hơn  20 - 40% so tôm không phân biệt giới tính. Mô hình nuôi cá rô đồng: Sau 6 tháng nuôi, tỷ lệ cá loại 1 (< 10 con/kg) cao hơn 20 - 25% so với mô hình nuôi cá không chọn lọc. Đối cá rô phi, loại đơn tính được chọn nuôi phổ biến, còn loại cá rô phi thường không còn được ưa chuộng. Hiện, có khá nhiều phương pháp được ứng dụng trong thực tế như: lai xa, xử lý bằng hormon sinh dục, kỹ thuật nhiễm sắc thể, thông qua con siêu đực, siêu cái hoặc kết hợp giữa nhiều phương pháp với nhau.

Cá rô phi

Cá rô phi là loài thuộc chi Oreochromis, có số lần sinh sản trong năm tới 12 - 13 lần, vì vậy, nếu trong đàn cá nuôi có số lượng con cái quá nhiều thì sản lượng thu hoạch sẽ thấp. Nguyên nhân, do các con cái phải tích lũy chất dinh dưỡng để phát triển buồng trứng nhằm đáp ứng nhiều lần sinh sản trong năm, do đó tốc độ tăng trưởng giảm khiến sản lượng thấp.

Phương pháp dùng hormone chuyển đổi giới tính: Người nuôi có thể trộn hormone vào thức ăn cho cá; ngâm (tắm) cá vào dung dịch trộn hormone hoặc tiêm hormone vào cơ thể. Phương pháp này được ứng dụng trên khá nhiều loài rô phi khác nhau để tạo đàn toàn đực. Kết quả từ phương pháp này cho thành công tới 95 - 97%. Hormone sử dụng trong phương pháp này gồm hai nhóm: Androgen chuyển giới tính từ cá cái thành cá đực và Oestrogen chuyển từ đực thành cái. Với nhóm Androgen, người nuôi có thể sử dụng hormone 19-nor-ethynylestotestosteron (thuộc nhóm mạnh nhất) hoặc Methytestosteron được tổng hợp nhân tạo có hiệu lực không thua kém và cũng có hiệu quả đối với nhiều loài cá, trong đó có cá rô phi. Nhóm Oestrogen có 2 loại phổ biến: Oestradiol-17b và Ethynyloestradiol. Phương pháp được tiến hành theo sơ đồ sau:

Cá bột => Oestrogen trộn vào thức ăn => cá cái

Cá bột => Androgen trộn vào thức ăn => cá đực

Phương pháp lai xa: Dựa trên việc xác định thành công giới tính, từ đó tiến hành lai hai loài cá rô phi thuộc hai nhóm khác nhau sẽ thu được ở thế hệ con lai F1 có 100% cá đực. Với phương pháp này, cá bố mẹ sau thời gian nuôi vỗ khoảng 45 - 60 ngày, bắt cá đực và cái mổ kiểm tra mức độ thành thục của tuyến sinh dục đực và cái. Mức độ thành thục khoảng 70% trên tổng số quần đàn, tiến hành ghép cá bố mẹ phục vụ cho sinh sản. Trong thời gian cá bố mẹ sinh sản, người nuôi sẽ tiến hành thu và vớt trứng. Tùy thuộc vào nhiệt độ nước của ao trong quá trình sản xuất giống mà xác định lịch thu trứng. Nhiệt độ nước 20 - 230C thì chu kỳ thu trứng là 10 - 12 ngày; nhiệt độ nước 270C trở lên thì chu kỳ thu trứng chỉ là 7 ngày.

Cá rô đồng

Cá rô đồng thuộc chi Anabas, con cái thường có tốc độ tăng trưởng vượt trội so con đực vì sinh sản ít lần trong năm, tích lũy nhiều mỡ và khối lượng buồng trứng rất lớn, chứa nhiều dinh dưỡng làm trọng lượng con cái lớn hơn con đực rất nhiều. Trước đây, người nuôi đã áp dụng phương pháp thủ công bằng hình thức lọc đàn cá thông qua mắt lưới (còn gọi là chặt đầu con), tuyển lại những con có kích thước lớn hơn để nuôi riêng. Đa số những con lớn đều là những con cái, có tốc độ phát triển nhanh hơn và quá trình tuyển lựa này phải được thực hiện 2 - 3 lần trong 1 chu kỳ nuôi, tỷ lệ con cái sẽ đạt 65 - 70%. Mới đây, một nghiên cứu đã thành công trong  sản xuất giống cá rô đồng toàn cái bằng phương pháp tạo cá đực đặc biệt. Giải pháp này nhằm tạo ra những cá đực đặc biệt, mang bộ nhiễm sắc thể cái (XX). Phương pháp cho thế hệ cá con với tỷ lệ cá cái 75 - 92%, trong khi ở điều kiện sản xuất bình thường, tỷ lệ cá cái chỉ khoảng 40%.

Tôm càng xanh

Ở loài tôm càng xanh( tên khoa học Macrobranchium rosenborgii) do con cái thường phải ôm trứng nhiều lần trong chu kỳ sống, ngay cả khi trọng lượng cơ thể còn nhỏ chúng đã tham gia sinh sản và phải sử dụng nhiều chất dinh dưỡng nuôi buồng trứng. Nhưng do điều kiện môi trường không phù hợp (tôm càng xanh đẻ trứng và trứng phải nở trong môi trường nước mặn) nên trứng dần thoái hóa và thải ra môi trường bên ngoài mang theo nhiều dinh dưỡng.

Hiện, có 2 phương pháp sản xuất đàn giống tôm càng xanh toàn đực: Phương pháp vi phẫu tạo con cái giả và phương pháp tiêm sợi đôi iRNA chuyển giới tính tôm đực. Đối với phương pháp vi phẫu: Cắt tuyến sinh dục đực của 1 con tôm đực trưởng thành; sau đó, cho giao phối với một con tôm đực khác có ngoại hình tốt và tốc độ tăng trọng nhanh để sản xuất ra 1 đàn giống tôm càng xanh toàn đực. Phương pháp tiêm sợi đôi iRNA: Ở tôm càng xanh và các đối tượng giáp xác khác, sự biệt hóa của tuyến đực có liên quan gen Insulin-like. Gen này điều khiển sự phát triển và biệt hóa tôm con thành con đực. Nguyên tắc của tiêm iRNA là tạo liên kết bất hoạt gen này, do đó tuyến đực không thể hoạt động để chuyển tôm con thành con đực mà sẽ phát triển thành con cái. Với công nghệ này, sau khi tôm chuyển cái thì tỷ lệ thành thục là 95% và số tôm thành thục này tham gia sinh sản đạt 98 - 100%.


Góc chuyên gia: Sử dụng chế phẩm sinh học hiệu quả Góc chuyên gia: Sử dụng chế phẩm sinh… Thị trường tôm: Nguồn cung và giá chưa ổn Thị trường tôm: Nguồn cung và giá chưa…