Thị trường tôm: Nguồn cung và giá chưa ổn
Theo báo cáo mới nhất của Globefish, vụ nuôi tôm chính ở châu Á kết thúc vào tháng 11. Nhìn chung, sản xuất tôm tại khu vực này diễn ra khá chậm chạp, ngược với dự báo hồi đầu năm 2016.
Sự phục hồi ngành tôm của Thái Lan và vụ tôm bội thu tại Ecuador cũng không đủ sức vực dậy ngành tôm Trung Quốc và Việt Nam đang tụt dốc vì dịch bệnh và thời tiết xấu. Sản lượng trung bình trên mỗi ha ao nuôi tôm tại Việt Nam và Trung Quốc ước tính giảm 50% do chất lượng tôm giống thấp, chậm lớn. Do đó, Trung Quốc và Việt Nam đều phải nhập tôm với khối lượng lớn để phục vụ chế biến, xuất khẩu. Trong khi, tổng sản lượng tôm của Ấn Độ và Indonesia - hai nước sản xuất tôm hàng đầu châu Á cũng được dự báo sẽ thấp hơn mức kỳ vọng hồi đầu năm 2016.
Tại Mỹ Latinh, sản lượng tôm Ecuador tăng nhẹ nhưng tại Mexico, dịch bệnh và khai thác tôm sớm khiến sản lượng chung sụt giảm nghiêm trọng. Các nguồn cung tôm tại một số nước Trung và Nam Mỹ cũng không có nhiều chuyển biến tích cực. Nguồn cung tôm tự nhiên cũng đầy bất ổn, dù sản lượng tôm tự nhiên của Argentina năm 2016 đạt kỷ lục 150.000 tấn, tăng 10.000 tấn so năm 2015. Sản lượng tôm vùng vịnh Mexico 2016 lại giảm 18% so năm trước và cũng không khả quan hơn trong năm nay khiến giá sản phẩm này vẫn cao hơn tôm thẻ nhập khẩu.
Theo số liệu mới nhất của Globefish, 67% tôm nuôi có nguồn gốc châu Á trong khi 30% còn lại được sản xuất ở Mỹ Latinh. Phần lớn hoạt động nuôi tôm tập trung ở Trung Quốc, tiếp đến là Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Brazil, Ecuador và Bangladesh. Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Ecuador luôn nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất trong xếp hạng toàn cầu trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016. Điều này cho thấy tôm vẫn là đối tượng thủy sản nuôi và tiêu dùng phổ biến nhất thế giới.
Ngành tôm nuôi của Thái Lan từng giữ ngôi vị hàng đầu thế giới nhưng bị tổn thất nghiêm trọng do đại dịch EMS và khối lượng xuất khẩu tôm, vì vậy mà tụt lùi phía sau tôm Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc. Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt vì nước này đã chi ra những khoản đầu tư khủng để phát triển ngành nuôi tôm thẻ chân trắng và giữ lại 88% sản lượng phục vụ thị trường nội địa. Điều này cho thấy Trung Quốc là một thị trường có sức tiêu thụ khổng lồ với riêng mặt hàng tôm.
Châu Âu - một thị trường tiêu thụ tôm với khối lượng lớn hàng năm nhưng luôn đặt các vấn đề an toàn thực phẩm, chuỗi cung ứng bền vững, minh bạch lên hàng đầu. Để an tâm tiêu dùng sản phẩm tôm, người châu Âu đã xây dựng chuỗi cung ứng nhanh gọn và chú trọng đầu tư mối quan hệ làm ăn lâu dài. Nếu những nước xuất khẩu tôm (chủ yếu là các quốc gia đang phát triển) có thể đáp ứng được yêu cầu về an toàn và bền vững của thị trường châu Âu, thì hàng hóa của họ mới có thể thâm nhập và đứng vững được tại thị trường này.
Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm tôm ăn liền hoặc dễ chế biến đang tăng theo xu hướng lên ngôi của các loại thực phẩm tiện ích. Xu hướng này đã mở rộng cánh cửa thị trường thực phẩm đông lạnh. Gần 90% sản phẩm thủy sản đều là dạng cấp đông; trong đó, tôm chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tây Ban Nha là nước sản xuất thủy sản đông lạnh lớn nhất thị trường EU và theo Eurostat, 1/6 sản phẩm thủy sản trên thị trường châu Âu có nguồn gốc Tây Ban Nha và 1/2 số này là sản phẩm đông lạnh.
Hiện, ngành sản xuất tôm nuôi tại châu Á vẫn phải đối mặt nhiều rủi ro khó lường bởi dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn ở Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á cùng điều kiện thời tiết bất thường. Tuy vậy, ngành tôm nuôi của Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhân tố mang tầm ảnh hưởng tới thị trường và giá tôm quốc tế nếu như tình hình sản xuất tại nội địa không được cải thiện. Ngành tôm toàn cầu có thể sẽ phải chứng kiến những đợt tăng giá mới, mà nguyên nhân chính là do tiêu thụ tại châu Á tăng mạnh, cộng với tình hình sản xuất bất ổn khiến sản lượng thấp.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao