Tin thủy sản Dân tái định cư xã Chiềng Bằng giàu lên từ nghề nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện

Dân tái định cư xã Chiềng Bằng giàu lên từ nghề nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện

Author Văn Thiệu, publish date Thursday. December 20th, 2018

Dân tái định cư xã Chiềng Bằng giàu lên từ nghề nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện

Tận dụng lợi thế diện tích mặt nước hồ chứa rộng lớn ở địa phương, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Chiềng Bằng và các xã dọc sông Đà huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã đầu tư nuôi cá lồng bè mang lại hiệu quả cao.

Ông Kiểm chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng

Điển hình trong số đó có hộ ông Lềm Văn Kiểm ở bản Bung, xã Chiềng Bằng. Ông đã biết tận dụng mặt nước trên sông để phát triển kinh tế bằng nghề nuôi cá lồng, tạo nguồn việc làm, tăng thu nhập và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Với hơn 10.000 ha mặt nước hồ, những năm qua huyện Quỳnh Nhai đã lãnh đạo chỉ đạo nhân dân chuyển hướng sản xuất sau TĐC sang nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; xây dựng thành công các mô hình điểm về nuôi cá lồng trên địa bàn.

Tham gia nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà từ năm 2012 từ khởi nghiệp 2 lồng cá, ông Lềm Văn Kiểm đã đầu tư gần 50 triệu đồng, vào làm lồng, mua cá giống, thức ăn, xây dựng lồng bè. Ông cho biết, khởi đầu nuôi cá gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm trong, chưa được tham gia tập huấn và tiếp cận các quy trình nuôi nên cá sinh trưởng và phát triển chậm, cá thường xảy ra dịch bệnh gây lo lắng cho người chăn nuôi. Nhưng với quyết tâm và ý chí vươn lên làm giàu, ông Kiểm tích cực tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng trên các phương tiện thông tin đại chúng và tham quan các mô hình điểm trên địa bàn. Nắm được kinh nghiệm nuôi cá, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng lồng bè, huy động các con cùng tham gia để phát triển kinh tế.

Năm 2014, ông tham gia HTX và trở thành thành viên HTX thủy sản bản Bung xã Chiềng Bằng. Đến nay gia đinh ông Lềm Văn Kiểm đã nhân rộng lên 16 lồng cá với đủ các loại cá như rô phi, cá nheo, lăng, trắm cỏ... Ông cho biết thức ăn cho cá cũng dễ kiếm, ngoài thức ăn hỗ hợp cho ăn lúc mới thả, các hộ gia đình có thể cho cá ăn bằng cỏ voi, thân chuối, rau xanh, tôm tép và các tạp trên sông. Qua mỗi vụ xuất bán cá, gia đình cũng thu nhập 30 đến 50 triệu đồng.

Để nuôi cá lồng trên lòng hồ đạt hiểu quả cao, hiện nay người dân các xã dọc sông bước đầu cũng đã biết chọn loại cá giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, không dị hình, kích cỡ đồng đều, không bị mất nhớt, không dịch bệnh, tùy loại cá mà thả nuôi với mật độ khác nhau. Cá diêu hồng, rô phi, trắm mật độ thả 200 con/lồng, bên cạnh đó cần chú trọng cách sắp xếp lồng cá để đảm bảo đủ oxi, tránh ô nhiễm môi trường nước.

Mô hình nuôi cá lồng của hộ gia đình ông Kiểm

Nghề nuôi cá lồng đã giúp gia đình ông Kiểm và các thành viên HTX từng bước làm giàu, tăng thu nhập. Ông Kiểm còn tích cực hướng dẫn các thành viên trong HTX và bà con nhân dân trong xã cách nuôi, phòng bệnh cho cá. Nhiều hộ thành viên trước đây từng thuộc diện hộ nghèo đến nay đời sống đã đàn cải thiện.

Giám đốc HTX thủy sản bản Bung xã Chiềng Bằng thông tin: “Trước kia chưa di dân TĐC người dân chủ yếu làm ruộng, làm nương. Lòng hồ thủy điện Sơn La tích nước, chúng tôi đã tìm hiểu, học hỏi bà con, anh em ở ngoài tỉnh để làm thử 1, 2 lồng cá. Ông Kiểm cũng tận tình, chu đáo, chăm sóc cá rất tốt. Từ nội lực của gia đình, ông đã phát triển lồng cá lên 16 lồng. Bà con trong bản tích cực học hỏi kinh nghiệm nuôi cá của ông Kiểm, cuộc sống của bà con so với trước cũng có của ăn của để”.

Ông Là Văn Thâng, Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng cho biết: “Xã Chiềng Bằng là xã di dân TĐC thủy điện Sơn La, sau khi lòng hồ tích nước, bà con nhân dân chuyển đổi sang hướng sản xuất sang nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Trong đó, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi cá. Đặc biệt hộ ông Lềm Văn Kiểm là một trong những hộ tiêu biểu của xã...”

Xã Chiềng Bằng chuyển hướng sản xuất sang nuôi trồng, đánh bắt thủy sản

Để giúp người dân phát triển nuôi cá lồng theo hướng bền vững, những năm qua huyện Quỳnh Nhai cũng đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân; xây dựng mô hình khuyến nông tái định cư; chuyển giao kỹ thuật trang bị kiến thức và công nghệ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho người dân; gắn khai thác thủy sản với bảo vệ nguồn nước, nguồn thủy sản; xây dựng và quảng bá cá sông Đà Sơn La ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Huyện cũng khuyến khích bà con nuôi và thả cá thành nhiều đợt, không tập trung nuôi, thả cùng lúc để luôn đảm bảo cá bán cho người tiêu dùng thường xuyên, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề ở nông thôn.


Nông dân Nghệ An nuôi thành công cá chép giòn Nông dân Nghệ An nuôi thành công cá… Người dân trúng đậm nhờ nuôi tôm càng xanh với lúa Người dân trúng đậm nhờ nuôi tôm càng…