Đi biển sợ nhất gặp cò
Ngang tàng
Ttàu cá BV 4356 TS và BV 4365 TS của ông Nguyễn Văn Báo nhổ neo ra khơi.
Thuyền trưởng Võ Khâm cảm thấy phập phồng lo âu đánh mắt nhìn số ngư dân đi bạn.
Có 15 bạn chài thì có đến 8 ngư dân đến từ các tỉnh miền Tây, vốn là dân sông nước.
Còn lại 1 ngư dân ở tỉnh Hà Tĩnh và 2 ngư dân ở Quảng Ngãi vốn chuyên nghiệp biển.
Chủ tàu đã ứng trước tiền cho các ngư dân trước khi tàu nhổ neo.
Nhưng đây là một chuyến biển khá kỳ cục, giống như thực trạng của nhiều tàu cá khác ở địa phương.
Đó là đi biển có ngày, có tháng, đi đúng tháng thì phải vô bờ.
Chuyện chủ tàu lời, lỗ ra sao thì không cần biết.
Giao kèo đó đến từ các ngư dân sông nước, vì họ cho rằng, lao động cũng phải có thời gian, “không thể nào cứ lênh đênh ngoài biển mãi thì ai chịu cho thấu”.
Khi tàu đánh gần hết nhiên liệu thì thuyền trưởng lén gọi tàu vận tải tiếp tế.
Nhưng mà ngược hẳn với tâm lý của ông thuyền trưởng, đó là các bạn chài miệt sông nước tính ngày, tính tháng quay vô đất liền.
Cứ thấy gần hết nhiên liệu thì mở cờ, mừng vui trong bụng.
Vậy nên khi phát hiện tàu vận tải chở dầu ra thì một thuyền viên đã lao ngay vào cabin và hằm hằm tuyên bố “tao đập mày, nếu cho tàu thêm dầu thêm mỡ”.
Tin từ biển chuyển vào đất liền đã được nhân lên thành thông tin “giết người trên biển”.
Vì trước đó, làng chài Phước Tĩnh cũng xảy ra một vụ tương tự, dẫn đến một thuyền viên đã giết cả 2 cha con thuyền trưởng và đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra hung thủ.
Làng chài Phước Tĩnh ầm ầm nổi sóng bờ.
Khi tàu cập bến thì cả đoàn người lăm le chờ sẵn, đưa cả đội ngư dân lên đồn biên phòng giải quyết.
Cũng như nhiều địa phương khác, xã Phước Tỉnh huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang rơi vào cảnh “khát” ngư dân đi bạn.
Ước tính phải có 20.000 lao động thì mới cung cấp đủ cho đoàn tàu hơn 1.300 chiếc.
Để bù vào chỗ thiếu hụt trầm trọng này, lực lượng lao động biển ở các tỉnh thành lân cận đổ về.
Trong số này có ngư dân chuyên nghiệp, còn ngư dân không chuyên thường là ở các tỉnh miền Tây.
Làng chài Phước Tỉnh khát nhân lực lao động nên ngư dân ở các vùng khác đổ về, trong đó có nhiều địa phương vốn không phải làm biển.
Vì vậy sinh ra nhiều câu chuyện như bắt chủ tàu chạy vô bờ, cướp tay lái, nhảy xuống biển, đòi tiền, khống chế và thậm chí là hăm dọa, giết cả chủ tàu.
Lý do bắt nguồn từ nhiều mâu thuẫn, trong đó có việc ngư dân thích tàu xa bờ bám biển ngắn ngày.
Tàu lênh đênh mãi ngoài biển thì các ngư dân không chuyên sẽ nổi điên và đổ vạ vào ông thuyền trưởng.
Bặm trợn
Trung tá Trần Ngọc Tăng - Đồn trưởng Đồn biên phòng Phước Tỉnh cho biết, hiện nay các ngư dân ở địa phương khác đến địa phương làm biển, nếu không có giấy tờ tùy thân thì đến đồn chụp ảnh, lưu địa chỉ và dấu vân tay, không phải qua các đối tượng lạ.
Chỉ như thế, khi gặp vấn đề gì, cơ quan chức năng mới giúp chủ tàu tìm ra nhiều ngư dân ứng tiền lao động rồi bỏ trốn về quê.
Ngư dân từ quê xuống Phước Tỉnh và ra tàu làm biển phải qua tay vài người chỉ mối, được gọi là “cò” ngư dân.
Chủ cò ăn vài trăm ngàn khi cung cấp nhân lực.
Ngư dân các tỉnh giúp cho Phước Tỉnh có thêm nhân lực lao động nhập cư.
Tuy nhiên, số thuyền trưởng có cảm tình với ngư dân này không nhiều, phần lớn là kêu ca.
Vì theo các thuyền trưởng, ngư dân đi bạn ngoài tỉnh đã để lại nhiều ấn tượng xấu.
Ngồi trên tàu BV 5286 TS, thuyền trưởng Nguyễn Út kể lại chuyện cách đây chưa lâu, anh được ông Hồ Thanh Tịnh thuê điều hành cặp tàu cá BV 5286 TS và BV 5295 TS.
Trên tàu chỉ có 3 ngư dân quê ở miền Tây, vậy nhưng thuyền trưởng phải nói to, nói nhỏ đủ điều thì các ngư dân này mới làm việc.
Nhưng khi mệt thì các ngư dân này cứ lăn ra ngủ nghỉ và không làm.
Mâu thuẫn cứ thế ngày càng tăng lên, khi thuyền trưởng ngủ, 3 ngư dân này ra xúc cá đổ xuống biển.
Ông Út cho biết “tôi làm thuyền trưởng và 2 lần gặp ngư dân cò, nhưng lần nào cũng có chuyện mệt mỏi”.
Theo ông Út, có lần tàu tuyển ngư dân ngoài tỉnh đi biển, các ngư dân này đều thuộc hạng bặm trợn và úp mở là từng có tiền án.
Khi đi biển, các ngư dân này thể hiện sự ngang tàng.
Khi tàu trở về đất liền thì mấy ngư dân này cứ ung dung hốt mực khô rồi bỏ đi mà không ai dám nói gì cả.
Đại úy Nguyễn Bá Cường - cán bộ trinh sát Đồn biên phòng Phước Tỉnh đưa ra một tập hồ sơ giải quyết các vụ việc liên quan đến lao động ra khơi mâu thuẫn với thuyền trưởng và đội bạn.
Gần nhất là tàu cá BV 4356 TS và 4365 TS của ông Nguyễn Văn Bảo đã thuê mướn 12 ngư dân ngoài tỉnh đi biển.
Tàu có tổng cộng 15 người.
Trong số này, các ngư dân Quảng Ngãi và các tỉnh phía Bắc thì chịu khó làm việc.
Còn 7 ngư dân ở các tỉnh miền Tây thì chỉ nằm ngủ.
Mặc dù họ đã ứng trước chủ tàu 72 triệu đồng.
Đang vào mùa biển, thông tin về tiến độ đánh bắt từ ngoài khơi liên tục được chuyển vào bờ.
Nhưng có một thông tin nóng ở Phước Tỉnh thường được lan truyền rất nhanh, đó là “cò nó không thèm làm, bắt tàu chạy vô bờ”.
Ông Sáu, một chủ tàu lắc đầu cho biết là đã hợp đồng với ngư dân là ra đó làm đủ chuyến biển, đủ tổn thì vô.
Vậy nhưng mấy ngư dân đi cò cứ nằng nặc đòi cho tàu chạy vô bờ vì đã đủ tháng rồi.
Nhiều chủ tàu ở Phước Tỉnh cho biết, chuyện ngư dân bắt chủ tàu vô bờ là thường xuyên.
Thích là “xử”
Cuối năm 2015, tàu của Zambia đã vớt được 2 ngư dân Vũ Văn Tiến và Trần Đại Long trôi nổi trên biển.
Khi được cứu sống, các ngư dân trình bày là đi bạn trên tàu cá thông qua chủ cò.
Cả 2 không nhớ được số tàu nào, nhưng trong quá trình lao động thì do thiếu kỹ năng nên bị chủ tàu đánh đập nên cả 2 ôm phao nhảy xuống biển.
Tháng 6.2016, tàu cá cá BV 90396 TS và BV 95125 TS, do ông Nguyễn Nhỏ đưa 14 thuyền viên đi làm.
Máy tàu mới đại tu nhưng vẫn có dấu hiệu bị hỏng hóc với triệu chứng lạ.
Ông Nhỏ nghi ngờ nên mượn đồ nghề bung hộp số ra thì phát hiện có đường lẫn trong nhớt.
Tàu được kéo vào đất liền sửa chữa.
Bộ đội biên phòng đã đến điều tra vụ việc, cuối cùng 2 ngư dân Nguyễn Văn Thuận, sinh năm 1980, quê ở Vĩnh Hòa Hưng Nam (huyện Gò Cau, tỉnh Kiên Giang) và Nguyễn Phước Thành, sinh năm 1983, trú tại Thới Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ) đã thừa nhận hành vi phá hoại tàu vì bất mãn.
Phần lớn chủ tàu ở Phước Tĩnh kêu ca cò ngư dân.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nhờ cò thì tàu mới đủ nhân lực lao động.
Bên cạnh đó, nhiều vụ tai nạn trên biển cũng rơi vào những ngư dân này.
Ở Phước Tỉnh, bình quân 2 ngư dân bị nạn/tháng.
Anh Tăng Tấn Huê, quê Châu Đốc, An Giang buồn rầu cho biết, người em trai là Tăng Tấn Tài vừa bị rơi xuống biển chết mất xác hồi đầu tháng 3.
Chủ tàu cũng chỉ an ủi vài câu và đưa cho gia đình 30 triệu đồng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao