Mô hình kinh tế Dịch Bệnh Tôm Nguyên Nhân Cũ, Vấn Đề Mới

Dịch Bệnh Tôm Nguyên Nhân Cũ, Vấn Đề Mới

Publish date Monday. December 29th, 2014

Dịch Bệnh Tôm Nguyên Nhân Cũ, Vấn Đề Mới

Diễn biến dịch bệnh trên tôm nước lợ vẫn phức tạp, nguyên nhân không phải do bệnh mới. Chính cơ chế quản lí, giám sát dịch bệnh, quy hoạch SX… là điều khiến dịch chưa thể kiểm soát.

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ, đặc biệt bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy đang có xu hướng phức tạp trong năm 2014, hôm qua (10/12), Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội thảo cùng các nhà quản lí, nhà khoa học tìm nguyên nhân và giải pháp kiểm soát.
Theo thống kê của Cục Thú y, tổng diện tích tôm bị bệnh trên cả nước tính đến tháng 12/2014 lên tới khoảng 22.600 ha, chiếm 3,33% tổng diện tích thả nuôi cả nước, trong đó nặng nhất là tôm sú với gần 60% diện tích bị bệnh.
Đặc biệt, bệnh đốm trắng có chiều hướng phức tạp hơn, với diện tích bị bệnh tăng gấp 1,85 lần so với cùng kỳ năm 2013, gấp 2,6 lần năm 2012.
Đến nay, cả nước đã có 3 tỉnh công bố dịch bệnh tôm là Sóc Trăng, Nghệ An và Quảng Ninh, trong đó riêng Sóc Trăng chiếm trên 48% diện tích bị bệnh đốm trắng cả nước, tiếp đến là Cà Mau, Trà Vinh.
Cục Thú y cho biết nguy cơ dịch bệnh trên tôm đang rất cao, cụ thể có 92/100 xã ở 4 tỉnh điều tra (gồm Thái Bình, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) tôm có nguy cơ bị bệnh.
Về nguyên nhân của bệnh đốm trắng, đánh giá của các nhà khoa học tại hội thảo cho thấy, đến nay, virus WSSV (White Spot Syndrome Virus) vẫn là thủ phạm chính.
Cơ chế lây truyền bệnh đốm trắng rất đa dạng như lây từ tôm bố mẹ, từ môi trường, nguồn thức ăn (một số loài nhuyễn thể, giáp xác là thức ăn của tôm, tôm có cơ chế tự ăn nhau nên lây từ con mắc bệnh sang tôm khỏe)...
Trong khi đó, theo nhóm nghiên cứu của TS Đặng Thị Lụa (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I), hiện có tới 78 loài giáp xác 10 chân là ký chủ mang mầm bệnh, kể cả tôm sú ngoài biển. Virus WSSV cũng có thể sống trong môi trường nước biển 30 ngày sau khi rời ký chủ và gây bệnh cho tôm.
Điều này lí giải vì sao diện tích tôm sú bị bệnh đốm trắng thời gian qua tăng mạnh, do nguồn giống tôm sú hiện nay chưa được quản lí chặt chẽ.
Đối với bệnh hoại tử gan tụy (AHPNS), kết quả từ nhiều nghiên cứu thời gian qua đều cho thấy vi khuẩn Vibrio, phổ biến là các loài như V.Parahaemolyticus; V.Harveyi; V.Vulnificus; V.Ordallii là thủ phạm có liên quan đến hội chứng tôm chết sớm.
Để khống chế các loại vi khuẩn này, thời gian qua các trại SX tôm đã dùng nhiều kháng sinh như Tetracyline, Oxytetraxyline, Rifamycine…; hóa chất như Iodin, KMnO4; các chế phẩm sinh học gồm 7 loại được dùng phổ biến như ET800, Men Doray, Men Biotec A, ZP-25… nhằm xử lí ao nuôi. Tỉ lệ các trại SX giống tôm ở miền Trung sử dụng kháng sinh và hóa chất hiện có nơi lên đến 90%.
Qua thử nghiệm, Tổng cục Thủy sản cho biết đã xác định được một số chất như Chrorine, TCCA… có tác dụng tiêu diệt rất tốt các vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy.
Tuy nhiên, hàng loạt hóa chất được các DN phân phối và quảng cáo cho các cơ sở SX tôm có thể diệt được vi khuẩn gây bệnh, nhưng thực tế lại không hiệu quả như khuyến cáo, đơn cử như Iodine, Max 80, Guardo…
“Ngay cả Chlorine, mặc dù giá rất đắt nhưng cũng có lúc xử lí được vi khuẩn, có lúc không, còn lại rất nhiều sản phẩm xử lí môi trường ao tôm, kể cả hóa chất diệt giáp xác phòng bệnh đốm trắng hiện nay không hiệu quả, dân mua về dùng nhưng không xử lí được.
Nguy hiểm là họ cũng chẳng thể biết hiệu quả thực sự tới đâu. Vì vậy chất lượng nhiều loại hóa chất do các DN cung cấp cho người nuôi tôm cần phải rà soát xem lại” – ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết.
Về công tác phòng chống dịch bệnh tôm thời gian qua, TS Nguyễn Hữu Dũng (trường ĐH Nha Trang) cho rằng: Bệnh đốm trắng trên tôm thực ra đã xuất hiện từ vài chục năm qua, nguyên nhân, cơ chế lây truyền… đã được xác định rõ từ lâu.
Vì vậy hiện nay, không nhất thiết phải tốn kém đầu tư đề tài, dự án cho nghiên cứu cơ bản về bệnh này nữa. Thay vào đó, vấn đề cần giải quyết vẫn là công tác quản lí dịch bệnh, tuyên truyền kỹ thuật ra sao mà thôi.
Theo ông Dũng, quy trình, giải pháp quản lí dịch tôm đã có rất đầy đủ, chi tiết, nhưng người nuôi gần như chưa tiếp cận được bao nhiêu, mà nguyên nhân có phần từ sự yếu kém của hệ thống khuyến nông – khuyến ngư và các địa phương.
“Vấn đề không phải là đi xác định nguyên nhân gây bệnh nữa, mà cần chấn chỉnh lại công tác quản lí, đặc biệt khâu kiểm dịch. Thú y đi lấy mẫu tôm giống kiểm dịch, nhưng liệu lô tôm giống khi DN xuất bán cho người nuôi có chất lượng đúng như đã kiểm dịch không thì phải xem lại.
Nên chăng thay vì đầu tư tốn kém cho hệ thống kiểm dịch của ngành thú y, phải chuyển sang cơ chế hỗ trợ để người nuôi tôm tự kiểm dịch, tự bảo vệ mình?”.
Tại hội thảo hôm qua, nhóm nghiên cứu một dự án điều tra dịch tễ bệnh tôm của Cục Thú y cũng thừa nhận: Việc nắm bắt, thống kê, báo cáo tình hình dịch bệnh tôm của chính quyền và ngành thú y các địa phương hiện nay rất chậm trễ, thường thì khi ổ dịch đã nổ ra từ 1 đến 3 tháng, các cơ quan thú y cấp trên mới nắm được sự việc.
Điều này không những khiến con số thống kê theo dõi diễn biến dịch rất không chính xác, vừa không thể xác định được nguyên nhân của bệnh bởi khi cơ quan chức năng đi kiểm tra thì đã không còn mẫu
“Ngành trồng trọt hiện nay đã làm khá tốt việc quy hoạch, dồn điền đổi thửa, làm cánh đồng mẫu lớn, còn thủy sản thì ao nhà ai nhà ấy nuôi. Nhà này xả nước ra, nhà kia lại lấy làm nước vào, như thế sẽ chẳng bao giờ có thể quản lí được dịch” – (TS Nguyễn Hữu Dũng)


Nuôi Tôm Càng Xanh Toàn Đực Kết Hợp Trồng Lúa Lãi Hơn 40 Triệu Đồng/ha Nuôi Tôm Càng Xanh Toàn Đực Kết Hợp… Đồng Tháp Phát Triển Cá Tra Theo Hướng Bền Vững Đồng Tháp Phát Triển Cá Tra Theo Hướng…