Tin nông nghiệp Đổi thay trên đất lâm phần

Đổi thay trên đất lâm phần

Author Trần Thể, publish date Monday. January 11th, 2016

Đổi thay trên đất lâm phần

Anh Nguyễn Long Ril, Trưởng Ban Nhân dân ấp 12, xã Khánh Tiến, phấn khởi: “Trước đây cuộc sống của bà con ở đây cực khổ lắm, nuôi được con gà, trồng được mớ rau muống đem ra chợ bán cũng hết sức khó khăn, còn việc đi lại học tập của học sinh thì cực khổ vô cùng, nhất là vào tháng mưa. Nhà nào có xuồng thì còn đỡ, không thì các em phải đến trường trong mưa gió, đường lầy lội. Giờ thì lộ đến nhà, không chỉ đi lại thuận tiện, việc giao thương hàng hoá của bà con cũng dễ dàng hơn".

Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, con lộ với chiều dài 2,6 km, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng được xây dựng, từ đó đã làm bừng sáng bộ mặt nông thôn nơi đây.

Không chỉ có lộ, những năm qua chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư lưới điện, đến nay, trên địa bàn huyện U Minh đã xoá trắng ấp không điện, phần lớn các ấp này đều nằm trên lâm phần rừng tràm. Khi có điện, không chỉ thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt mà còn tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Đến các ấp 10, 14, xã Nguyễn Phích; ấp 13, xã Khánh Lâm; ấp 9, xã Khánh Hội và ấp 12, xã Khánh Tiến, mới cảm nhận hết được sự thay đổi của những miền quê này.

"Có điện, cuộc sống thấy thoải mái lắm. Ngoài phục vụ sinh hoạt, còn thắp sáng làng quê nên cũng phòng ngừa được trộm cắp. Có điện cũng tiện lợi hơn trong việc chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình", ông Trần Thanh Tâm, ấp 13, xã Khánh Lâm, bộc bạch.

Bên cạnh niềm vui có đường, có điện, người dân trên lâm phần rừng tràm còn có được niềm vui được mùa, trúng giá. Với việc mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cũng như đầu tư các giống lúa mới và chủ động trong việc trữ nước nên hầu hết diện tích lúa mùa của người dân đều đạt hiệu quả cao. Trung bình mỗi công đạt từ 20-25 giạ, có hộ trúng đến 30 giạ/công. Trung bình mỗi ký lúa tươi được các thương lái thu mua với giá từ 5.500-6.000 đồng, sau khi trừ chi phí, người dân còn lãi từ 1-1,5 triệu đồng/công. Ngoài ra, một số hộ còn có thu nhập từ mật ong, cải tạo đáng kể cuộc sống.

Anh Phạm Hồng Cường, ấp 12, xã Khánh Tiến, phấn khởi cho biết: “Ngoài nguồn thu nhập chính là rừng, lúa thì những sản vật dưới tán rừng cũng mang về nguồn thu đáng kể. Từ đầu mùa tới giờ, tôi thu cũng được gần 100 lít mật ong, đây tới Tết chắc cũng kiếm thêm được khoảng 150 lít nữa; mỗi lít có giá 250.000 đồng, kiếm được vài chục triệu, ăn Tết cũng sung túc hơn".

Không chỉ có các nguồn lợi do thiên nhiên ban tặng, năm nay người dân trên lâm phần rừng tràm còn có được niềm vui khi được Nhà nước cho phép khai thác rừng. Sau khi trừ đi chi phí, mỗi hộ còn từ 50-80 triệu đồng, có hộ trúng thu về hơn 100 triệu đồng. Nhờ vậy mà có nguồn vốn để tái sản xuất và trang trải cho gia đình. Bên cạnh đó, các diện tích đất trống trên lâm phần cũng được người dân trồng màu có thêm thu nhập. Nhờ đó, những ngôi nhà kiên cố, khang trang mọc lên nhiều hơn.

Một năm đã đi qua, một mùa xuân nữa lại đến, với sự cần cù, chịu khó của người dân cùng với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, giờ đây đời sống của bà con trên lâm phần đã được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc. Đây chính là tiền đề và cũng là động lực để chính quyền địa phương, cũng như người dân xứ rừng vững tin bước vào năm mới với nhiều thắng lợi mới.


Bón phân Văn Điển cho vùng trồng rau an toàn Bón phân Văn Điển cho vùng trồng rau… Thành Phố Hồ Chí Minh đặt hàng doanh nghiệp trồng rau công nghệ cao Thành Phố Hồ Chí Minh đặt hàng doanh…