Tin nông nghiệp Đôi vợ chồng sáng tạo nuôi bồ câu ở phố

Đôi vợ chồng sáng tạo nuôi bồ câu ở phố

Author Dũ Tuấn, publish date Tuesday. May 24th, 2016

Đôi vợ chồng sáng tạo nuôi bồ câu ở phố

Phân chia “lãnh thổ” cho chim

Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi chim bồ câu Pháp, ông Lam đã gặp nhiều thất bại. Năm 2014, khi phát hiện ra điểm yếu trong cách nuôi của mình là để đàn chim sống tập thể, thả rông, ông Lam quyết định đầu tư chuồng trại để tách riêng bồ câu thành từng cặp.

Ông Lam cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi bắt đầu làm chuồng, mỗi chuồng dài 1,6m chia thành 4 ô nuôi 4 cặp chim (chi phí 100.000 đồng/ô). Để chống bị bào mòn do tác động từ phân chim, đáy chuồng tôi làm bằng kẽm dày, khung chuồng làm bằng sắt 6, chung quanh bao lưới nhựa. Các chuồng được xếp chồng lên nhau để tránh chiếm diện tích”.

Theo ông Lam, việc phân chia “lãnh thổ” cho đàn bồ câu Pháp (1 ô nuôi 1 cặp trống, mái) giúp tiện lợi trong việc kiểm tra và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi ngày, vợ chồng ông Lam thay phiên nhau đi kiểm tra từng ô chuồng, khi phát hiện trứng vỡ hoặc bồ câu non bị chết thì nhanh chóng đưa ra ngoài để vệ sinh môi trường. Tại những ô chuồng này, ông Lam đặc biệt lưu ý đến con chim trống bởi lẽ thông thường nguyên nhân dẫn đến trứng vỡ, chim non chết do chúng gây ra. Khi thấy chim trống phá phách, ông Lam thay chim trống khác vào. “Nhờ cách làm này nên hiệu quả nuôi chim bồ câu của ông Lam tăng cao rõ rệt. “Nếu như trước đây, với 10 cặp chim đẻ, mỗi tháng cho xuất bán 5 cặp chim thịt thì giờ đây được bán đến 8 - 9 cặp”- ông Lam chia sẻ.

"Giải pháp “Cải tiến kỹ thuật nuôi bồ câu Pháp lấy thịt” của ông Huỳnh Văn Lam đã đạt giải Nhì tại hội thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2015...”.

Bà Lê Thị Kim Mai- Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Định

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Theo cách thức truyền thống, nhiều hộ dùng tổ bằng gỗ, lót rơm để đàn bồ câu Pháp đẻ trứng và ấp con. Nhưng ông Lam lại dùng rổ nhựa, giấy phế thải để làm tổ cho đàn bồ câu Pháp.

Bà Phan Thị Oanh - vợ ông Lam cho biết: “Để lót tổ cho bồ câu, tôi mua rổ nhựa loại nhỏ tại chợ với giá gần 5.000 đồng/chiếc. Sau đó nhặt bìa carton về cắt thành hình tròn, lót dưới đáy rổ và đặt vòng nhựa đè lên giấy. Tổ bằng rổ nhựa rất thông thoáng nên không có kiến bò vào phá trứng. Bồ câu ấp trong rổ nhựa tỷ lệ trứng nở cao hơn tổ rơm, do môi trường, không gian thông thoáng và hạn chế bị côn trùng tấn công”.

Theo bà Oanh, do nuôi nhốt theo cặp và tiêm phòng đầy đủ nên đàn bồ câu Pháp nhà bà chưa bị dịch bệnh. “Ngoài việc dùng thuốc kháng sinh phòng bệnh, gia đình tôi còn cho chúng uống thêm vài đợt thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho chim. Cộng với môi trường thông thoáng, sạch sẽ thì đàn bồ câu rất khó bị bệnh”- bà Oanh thổ lộ.

Hiện nay, vợ chồng ông Lam đã gầy dựng được hơn 300 cặp bồ câu Pháp. Mỗi cặp trống, mái sau 20 ngày cho ra đời 1 đôi chim non bán thịt, hoặc nuôi thêm 10 ngày nữa thì bán thành chim giống. Ông Lam thổ lộ: “Chim bồ câu thịt hiện nay có giá bán là 70.000 đồng/cặp, chim giống là 180.000 đồng/cặp. Cứ tính mỗi tháng thu được 250 cặp chim thịt, tôi thu hơn 17 triệu đồng, trừ chi phí tôi còn lãi gần 9 triệu đồng/tháng, nếu bán chim giống nhiều hơn thì lãi tăng lên. Gia đình tôi đang cố gắng gây đàn lên 1.000 cặp bố, mẹ. Khi đó, mỗi năm kiếm hơn 300 triệu đồng nhẹ nhàng…”.


Thái Lan xả kho gạo 11,4 triệu tấn chiêu trò trong kinh doanh? Thái Lan xả kho gạo 11,4 triệu tấn… Canh tác lúa mùa ứng phó thời tiết xấu Canh tác lúa mùa ứng phó thời tiết…