Thanh long Gần 20 năm gắn bó với thanh long VietGAP của lão nông U70

Gần 20 năm gắn bó với thanh long VietGAP của lão nông U70

Author Thanh Thủy, publish date Wednesday. March 7th, 2018

Gần 20 năm gắn bó với thanh long VietGAP của lão nông U70

Dù phải chăm sóc một ha thanh long một mình nhưng ông Nguyễn Văn Rỡ vẫn đảm bảo quy trình trồng, thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP.

Phủ rơm quanh gốc, giữ ẩm cho cây. Ảnh: NVCC.

Sinh ra và lớn lên tại Phan Thiết, Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Rỡ (sinh năm 1948) có nhiều năm gắn bó với cây lúa. Năm 2007, khi một số hộ tại địa phương trồng thanh long thu lợi nhuận cao với hơn một tấn quả mỗi vụ cùng giá bán 30.000 đồng một kg, ông Rỡ quyết định chuyển đổi từ cây lúa sang thanh long.

Theo đó, ông tham gia tập huấn quy trình, kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sau đó, mạnh dạn đầu tư một ha trồng thanh long ruột trắng. Từ đó đến nay, thanh long là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông.

Trồng thanh long tuân thủ đúng tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi sự khắt khe từ khâu trồng đến thu hoạch. Ông Rỡ thận trọng từ việc chọn giống, chăm sóc. Ông mua khoảng 2.400 hom giống từ Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng miền Nam. Chi phí giống, làm trụ, phân bón giai đoạn đầu tốn 70 đến 90 triệu đồng.

Để gần trăm triệu đồng không bị mất trắng, ông Rỡ chăm sóc kỹ lưỡng vườn thanh long. Ông nghiên cứu từng thời điểm bón đạm, bón kali, lân, kết hợp ủ phân chuồng hoai mục cho cây.

Ông Rỡ cho biết, cây thanh long chịu hạn giỏi, nhưng nhiều khi Bình Thuận nắng nóng kéo dài nên phải tưới nước thường xuyên. Ngoài ra, ông còn tận dụng cỏ vườn hay mua rơm về ủ gốc, giúp cây giữ ẩm, hạn chế cỏ dại.

Thanh long mang về nguồn thu nhập chính cho nông dân Bình Thuận. Ảnh: NVCC.

Ngoài bón phân, ông Rỡ cũng làm cỏ, tỉa cành thường xuyên để cây thông thoáng, ít bệnh, cho quả đẹp. Một ha thanh long phần lớn do ông tự tay chăm sóc, chỉ khi nào quá bận rộn, ông mới thuê thêm người làm.

Với lợi thế đất thịt, khí hậu phù hợp, thêm công người chăm bón tỉ mỉ, sau 2 năm, vườn thanh long bắt đầu cho thu hoạch. Sản lượng năm đầu đạt khoảng một tấn mỗi vụ, năm sau cao dần, mỗi năm có thể thu 7-8 vụ.

Vụ thanh long vừa qua của ông tăng 0,5 tấn so với năm ngoái. Giá bán tại vườn là 20.000-25.000 đồng một kg, có thời điểm lên 25.000-30.000 đồng một kg.

Ông Rỡ cho biết, giá thanh long thất thường, có thời điểm chỉ đạt 9.000 đồng một kg nhưng năm được bù năm mất. Cây thanh long vẫn là nguồn thu chính cho hầu hết các hộ trồng tại đây.

Lão nông U70 trong vườn thanh long tại thôn Tiến Hòa, xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết. Ảnh: NVCC.

Hiên nay, địa phương khuyến khích các hộ trồng và sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, đồng thời, đưa giống thanh long đỏ vào trồng để tạo sự đa dạng cho đầu ra.


Một số lưu ý khi sản xuất thanh long an toàn Một số lưu ý khi sản xuất thanh… Kỹ thuật phòng trị bệnh thối rễ, khô cành giúp năng suất thanh long cao Kỹ thuật phòng trị bệnh thối rễ, khô…