Giải pháp nâng cao thu nhập cho người trồng bí
Để trực tiếp tìm hiểu về giải pháp này, chúng tôi đến thăm Trại Nghiên cứu thực nghiệm sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao, tại Km 6, xã Kim Long, huyện Tam Dương. Ông Lại Xuân Tôn, Trại Trưởng Trại nghiên cứu thực nghiệm sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao cho biết: Sau 2 năm nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các giống bí xanh bằng phương pháp làm giàn chữ U ngược tại Trại, vụ Xuân năm 2105, chúng tôi đã mở rộng diện tích trồng thí điểm phương pháp này lên 16ha tại 5 địa phương là: Thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Tường, Tam Dương, Lập Thạch và Yên Lạc.
Giống bí để thực hiện mô hình là Bí xanh lai F1 Fuji 868, đây là giống bí lai thế hệ mới, ngắn ngày, do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương cung cấp. Giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là chất lượng ngon được thị trường ưa chuộng. Giàn leo hình chữ U ngược được thiết kế đơn giản, hở hai đầu, với các trụ đỡ chạy song song, giàn được phủ một lớp lưới mắt to để cây leo phát triển. Chi phí vật tư làm giàn leo bằng tre nứa khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng/sào (khấu hao 3 - 4 vụ).
Thực tế cho thấy, cây bí lai trồng theo phương pháp leo giàn, thời gian sinh trưởng ngắn, cây sinh trưởng phát triển khỏe, nhánh gọn, lá nhỏ, dày, ra hoa sớm sau trồng từ 40 - 45 ngày, từ 70 - 75 ngày bắt đầu cho thu hoạch. Cây trồng kháng bệnh virus tốt, không bị các bệnh trên quả. Tỷ lệ đậu quả cao trung bình 4 quả/cây, chiều dài, đường kính quả đều vượt trội so với cây trồng bò đất. Đặc biệt, giống bí lai F1 Fuji 868 cho năng suất đạt 2 - 2,2 tấn/sào, hiệu quả kinh tế so với phương pháp trồng bò đất, leo giàn cao gấp 2 - 2,5 lần. Vụ Đông năm 2015 tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai trồng 9ha nữa để có cơ sở đánh giá hiệu quả, ưu điểm của mô hình trong các vụ sản xuất khác nhau, từ đó, làm tiền đề để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình, Kỹ sư Trần Thanh Hiệp, cán bộ Kỹ thuật Trại Nghiên cứu thực nghiệm sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao Vĩnh Phúc cho biết thêm: Với phương pháp làm giàn hình chữ U ngược, chúng tôi cho trồng cây cách cây 0,45m, hàng cách hàng 2m, mỗi giàn chữ U ngược gồm hai hàng, bí trồng sát hai hàng lưới để bí leo lên trên, mỗi sào khoảng 400 cây, tương đương với khoảng 11.100 cây/ha. So với trồng bí theo cách truyền thống, cách chăm sóc trồng bí leo giàn cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, trồng bí leo giàn có nhiều ưu điểm hơn so với để bí bò tự nhiên trên mặt đất. Cây bí leo giàn không tiếp xúc với đất, có điều kiện tiếp xúc ánh sáng nhiều nên ít bị sâu bệnh, mật độ trồng có thể dày gấp 2 lần vì trồng leo giàn tận dụng được khoảng không bên trên.
Các biện pháp chăm sóc như bón phân, tưới nước cũng được thực hiện dễ dàng hơn. Quả bí được treo trên giàn phát triển tròn đều, có hình dáng, màu sắc, mẫu mã đẹp hơn và bảo quản được lâu hơn (khi gặp mưa, ngập úng chưa thu hoạch kịp, phương pháp trồng bí theo phương pháp cũ khiến cho cây dễ bị thối) nên rất được các thương lái ưa chuộng. Đặc biệt, với giàn chữ U ngược, khi hết vụ nông dân chỉ cần cắt gốc bí, cuộn lưới lên cao là có thể làm đất mà không mất công tháo, gỡ giàn để làm đất như giàn hình chữ A. Hơn nữa, với những hộ gia đình có nhân công thì có thể tận dụng khoảng không bên trong khi cây bí chưa lớn để trồng các cây rau màu ngắn ngày, vừa giữ ẩm cho đất, hạn chế cỏ dại phát triển lại tăng thu nhập cho gia đình; với những gia đình không có nhân công thì che phủ nilon để giữ ẩm cho đất và hạn chế cỏ dại.
Là người trực tiếp tham gia mô hình trồng bí bằng phương pháp leo giàn, chị Phan Thị Thu Hiền, thôn Vũ Di, xã Vũ Di (Vĩnh Tường) chia sẻ: Sau khi được tập huấn và thăm quan thực tế mô hình trồng bí bằng phương pháp làm giàn chữ U ngược của Trại Nghiên cứu thực nghiệm sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao Vĩnh Phúc, gia đình tôi đã đăng ký trồng 10 sào giống bí xanh lai Fuji 868, chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, vật tư làm giàn (khấu hao 3 vụ) hết 2,28triệu đồng/sào; năng suất trung bình được 2 tấn/sào, với giá bán bình quân 4.000đ/kg, trừ chi phí, mỗi sào bí cho thu lãi 5,7 triệu đồng. Gia đình tôi đã làm rất nhiều loại rau màu khác nhưng có thể nói đây là một trong những mô hình có giá trị kinh tế rất cao.
Việc làm giàn lại đơn giản, chăm sóc cây dễ dàng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chủ yếu dùng biện pháp thủ công và bẫy ruồi, sâu hại. Canh tác theo phương pháp làm giàn không cần phải gỡ bỏ giàn mà vẫn làm được đất, để có thể trồng nhiều loại cây trồng khác luân canh với cây bí xanh (bầu, mướp, mướp đắng, dưa chuột, dưa lê, đậu rồng…). Tuy nhiên, khó khăn nhất với người nông dân khi tham ra mô hình này là chi phí sản xuất ban đầu tương đối lớn, hơn nữa giá cả không ổn định, có khi chỉ bán được 2.000 - 3.000đồng/kg, nhưng có thời điểm lại lên 6.000 - 8.000 đồng/kg nên người nông dân không yên tâm đầu tư.
Hiệu quả của trồng bí theo phương pháp leo giàn thì đã rõ, tuy nhiên để nhân rộng mô hình này, tỉnh cần có phương án hỗ trợ kinh phí ban đầu cho nông dân, nhất là kinh phí làm giàn; đồng thời quy hoạch các vùng chuyên canh cây bí, xây dựng thương hiệu bí an toàn Vĩnh Phúc và nhất là đẩy mạnh xúc tiến bao tiêu đầu ra để nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao