Trồng xen mắc ca như thế nào?
Theo bà Phan Thị Hồng Lâm - Giám đốc Dự án cây mắc ca (Công ty TNHH Thương mại Du lịch Đức Anh) tại miền Trung và 5 tỉnh Tây Nguyên: “Diện tích khuyến cáo dành cho những vườn mắc ca thuần là 6m x 6m (khoảng 300 cây/ha). Nếu trồng xen trong diện tích cà phê, chè, ca cao... thì có thể trồng từ 100 cây mắc ca/ha (10m x 10m) đến 180 cây/ha (6m x 9m)”. Sở dĩ có sự chênh lệch trong phương pháp trồng xen, theo bà Lâm, là do tùy theo giống mắc ca, thành phần đất, độ dốc mà có khoảng cách trồng khác nhau. Bà Lâm cũng cho rằng: “Nếu trồng xen trong vườn cây công nghiệp, thì thời gian thu hoạch mắc ca sẽ lâu hơn, nhưng nông dân có thể tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích và tận dụng được ưu thế của mắc ca là cây chắn gió tầng cao, che nắng, che sương, vì đặc điểm của cây này là cây có tán to, lá rậm”.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Đình Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, thì trong thực tế hiện nay, phần đông nông dân dù trồng xen vẫn trồng theo mật độ 6m x 6m. Mật độ này hoàn toàn sai so với khuyến cáo. Chứng thực cho điều này, ông Quảng dẫn tôi đến một vườn mắc ca trồng xen cà phê ở thôn 3, xã Lộc Quảng (Bảo Lâm). Mặc dù cà phê vẫn xanh tốt và mắc ca đang trong giai đoạn cho trái non, nhưng về lâu dài, ông Quảng cho rằng vườn cà phê này sẽ bị tụt giảm năng suất và sản lượng vì mắc ca sẽ chiếm ưu thế về tầng cao và khả năng quang hợp.
Ông Hồ Đình Quảng phân tích: “Chỉ cần sau 4 - 5 năm trồng, nếu được tỉa cành tạo tán đúng theo kỹ thuật, thì đường kính tán mắc ca thông thường đã là 3 mét và cây đã cao 4 - 5 mét. Nếu cứ theo đà phát triển này thì sau 10 năm, vườn cà phê sẽ hoàn toàn biến thành “rừng” mắc ca. Và lúc đó, nông dân chỉ còn một lựa chọn duy nhất, hoặc là chặt cà phê, hoặc là chặt mắc ca!”. Đó là chưa kể, nếu vào thời điểm thu hoạch rộ mà giá mắc ca trên thị trường không đảm bảo lợi nhuận hoặc không ổn định thì nông dân coi như hoàn toàn mất trắng. Vì vậy, theo ông Quảng: “Cần thận trọng khi khuyến cáo người dân trồng xen mắc ca trong cà phê hoặc chè. Nếu trồng xen, thì nên trồng xen mắc ca trong vườn cà phê với mật độ 12 x 12 mét. Mật độ này mới có thể đảm bảo độ rộng cần thiết để duy trì cả 2 cây.
Cũng theo ông Quảng, đặc điểm của mắc ca là thu hoạch trái rụng. Trong khi đó, người trồng chè hoặc cà phê theo hướng bền vững hiện nay thường giữ cỏ dại lại trong vườn để giữ ẩm và bảo vệ các loài thiên địch. Với một lớp cỏ dày bên dưới gốc như thế thì liệu người thu hoạch mắc ca có thấy trái rụng để lượm hay không. Nếu không kịp thời lượm trái rụng thì trái mắc ca sẽ bị hỏng từ đất, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Thêm vào đó, mắc ca không yêu cầu đất tốt nhưng phải là đất thoát nước tốt, thông thoáng. Việc chăm sóc mắc ca thời kỳ thu hoạch cũng khuyến cáo nên thường xuyên làm sạch cỏ quanh gốc cây để phòng kiến và chuột. Chỉ chi tiết này cũng đủ để khiến người nông dân “đau đầu” khi quyết định trồng xen 2 loại cây này.
Một đặc điểm khác nhau giữa mắc ca và cà phê là tuổi thọ. Mắc ca có tuổi thọ kinh tế từ 40 - 60 năm, thậm chí có những cây ở vùng chuyên canh có thể vượt qua trăm tuổi. Trong khi đó, cà phê có tuổi thọ thấp hơn. Nên việc chọn thời điểm trồng xen 2 loại cây này cũng cần được tính toán, không nên trồng xen khi cà phê đang độ thu hoạch rộ, năng suất cao. Theo Ban chỉ đạo Dự án mắc ca Lâm Đồng, cây mắc ca nên xen canh với cà phê có năng suất dưới 3 tấn/ha và cà phê đang trong giai đoạn tái canh để tránh gây xáo trộn cơ cấu cây trồng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao