Gieo thẳng lúa - giải pháp tăng hiệu quả trong sản xuất
Thái Bình là một trong những tỉnh sớm nhất và đi đầu về áp dụng phương thức gieo thẳng trong gieo cấy lúa xuân.
Nông dân xã Đình Phùng (Kiến Xương) chăm sóc lúa gieo thẳng.
Trong sản xuất nông nghiệp, để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, ngoài việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật mới như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thì việc đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp canh tác tiết kiệm lao động, giảm chi phí đầu tư song vẫn bảo đảm thời vụ và năng suất lúa bằng phương pháp gieo thẳng là rất cần thiết. Nếu như ở vụ xuân năm 2008, diện tích gieo thẳng, gieo vãi mới chỉ đạt 800ha, được coi như một giải pháp tình thế khắc phục tình trạng lúa xuân chết rét và không đủ quỹ thời gian làm mạ thì đến vụ xuân năm 2016 diện tích gieo thẳng toàn tỉnh chiếm 47,6% diện tích gieo cấy.
Vụ xuân năm nay, diện tích gieo thẳng lúa đạt gần 40.000ha, chiếm trên 50% diện tích gieo cấy lúa xuân. Nhìn chung, phương thức gieo thẳng đã khẳng định được tính ưu việt so với gieo cấy truyền thống như: giảm chi phí đầu tư về giống, tiết kiệm công làm mạ và che phủ nilon, giảm công cấy và tăng năng suất tới 15% so với lúa cấy. Một số địa phương trong tỉnh áp dụng đúng quy trình, lúa sinh trưởng đều, phát triển tốt, độ đồng đều cao, ít sâu bệnh, thu hoạch đúng thời vụ với năng suất trên 70 tạ/ha. Vụ xuân năm 2016, tỷ lệ gieo thẳng của huyện Vũ Thư đạt 86%, dẫn đầu toàn tỉnh. Nhận rõ hiệu quả của phương pháp này, huyện đã hướng dẫn các HTX quy hoạch diện tích gieo thẳng, chủ động rà soát, chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích gieo thẳng lúa ngay từ khi xây dựng đề án, đồng thời tăng cường diệt chuột, ốc bươu vàng, phấn đấu mở rộng diện tích gieo thẳng lên 87% trong vụ xuân năm 2017.
Vụ xuân năm 2017, nông dân Đình Phùng (Kiến Xương) gieo thẳng 98% trong tổng số 208ha lúa xuân, còn lại vùng diệc mạ, quá úng trũng bà con mới gieo cấy theo phương pháp truyền thống. Ông Phạm Quang Thường, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Gieo thẳng được nông dân trong xã áp dụng rộng rãi từ 3 - 4 năm nay, không chỉ ở vụ xuân mà vụ mùa, diện tích gieo thẳng cũng đạt trên 90%. Ban đầu, nông dân chưa hiểu, chưa có kinh nghiệm nên còn dè dặt nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp từ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đến các cơ chế hỗ trợ, đến nay, gieo thẳng đã trở thành truyền thống của địa phương. Nông dân cũng đã rút ra những kinh nghiệm trong ngâm ủ mộng, làm đất, vãi nhờ đó tỷ lệ tỉa dặm thấp, năng suất lúa cao. Bà Phạm Thị Sậy ở thôn Nam Huân Nam cho biết: Gia đình tôi gieo cấy 4 sào ruộng nhưng chồng con đi làm ăn xa, lao động chính trong nhà chỉ có tôi. Nhờ áp dụng gieo thẳng, chỉ chưa đến nửa ngày, tôi đã hoàn thành gieo vãi 4 sào ruộng thay vì trước kia còng lưng cấy trong 3, 4 ngày.
Gieo thẳng không những giải quyết được khâu thiếu lao động mùa vụ mà còn là giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả với biến đổi khí hậu. Điều đáng lưu ý là gieo thẳng đã hình thành các nhóm liên kết tự nguyện 5 cùng trong sản xuất nông nghiệp: cùng vùng, cùng giống, gieo cùng thời vụ, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch. Nhờ đó tạo ra được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, từng bước áp dụng cơ giới hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là tiền đề cho sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Chăm sóc lúa gieo thẳng - Trung tâm Khuyến nông tỉnh
1. Nước tưới
- Sau khi gieo cần giữ ẩm mặt ruộng, nếu để ruộng quá khô hoặc trên mặt luống có nước cây mọc ít và chậm hơn.
- Sau khi gieo xong phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm ngay bằng các loại thuốc như Sofit 300EC, Prefif… nồng độ và liều lượng như hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.
- Khi cây đạt 2,5 - 3 lá thật đưa nước láng chân, bón nhử bằng NPK chuyên thúc hoặc 2 - 3kg đạm urê/sào, tiến hành tỉa dặm đồng thời phòng, trừ ốc bươu vàng. Kiểm tra nếu thấy mật độ cỏ lồng vực quá cao nên sử dụng thuốc trừ cỏ đặc trị, tốt nhất diệt trừ sớm khi cây cỏ còn non.
- Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh, thực hiện phương thức tưới nông và giữ ẩm xen kẽ để tạo điều kiện cho mùn giun phát triển, giúp lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, đẻ tập trung; không để mặt ruộng khô, mất lấm cỏ sẽ mọc nhiều hơn.
- Khi lúa đẻ nhánh kín đất tháo nước cạn giúp rễ lúa ăn sâu sẽ tăng khả năng chống đổ của cây.
2. Tỉa dặm
- Không nên để ruộng quá dày lúa sẽ đẻ ít, tỷ lệ bông hữu hiệu thấp, sâu bệnh nhiều. Nên kết thúc tỉa dặm trước khi cây lúa đạt 4 lá.
- Với lúa gieo vãi bằng tay cây cách cây khoảng 8 - 12cm, sạ hàng khoảng 18 - 20 dảnh/m dài, bảo đảm 90 - 100 dảnh/m2 là vừa.
3. Phân bón và kỹ thuật bón phân
Ngoài bón lót ra nên bón thúc bằng các loại phân NPK chuyên dùng có hàm lượng đạm và kali cao, lượng khoảng 12 - 16kg/sào nên bón thúc làm 2 lần:
- Lần 1: Sau khi lúa ra lá non, nhổ lên có rễ trắng và nhiệt độ trên 15oC cần bón thúc ngay với lượng 7 - 8kg/sào
- Lần 2: Khi lúa đứng cái làm đòng, bón hết lượng phân còn lại.
Cần kiểm tra đồng ruộng nếu cuối vụ thấy lúa có hiện tượng đói ăn nên bón nuôi hạt bằng NPK, 1kg đạm + 1kg kali, hoặc phân bón qua lá KH, siêu kali…..
Để hạn chế hiện tượng mất phân do bay hơi và rửa trôi cần bón phân thúc ngay khi mặt ruộng đủ ẩm. Bón xong 1 - 2 ngày sau mới đưa nước vào ruộng.
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện kịp thời sâu bệnh hại và phòng, trừ theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao