Tin nông nghiệp Hiệu quả kinh tế của cây hoa huệ

Hiệu quả kinh tế của cây hoa huệ

Author Hoa Xuân, publish date Thursday. July 11th, 2019

Hiệu quả kinh tế của cây hoa huệ

“Tháng 3 hàng năm, sau vụ cúc cuối cùng, gia đình tôi lại đảo đất chuẩn bị cho mùa hoa huệ mới. Tháng 3 trồng huệ, đầu tháng 6 chúng tôi đã có thể cắt những lứa đầu đi bán. Trồng hoa huệ có nhiều ưu điểm như: không tốn công làm cỏ, chăm sóc, ít phải sử dụng thuốc trừ sâu, không phải dùng điện để kích hoa nở, chi phí trồng và chăm sóc hoa không đáng kể, phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con nông dân nên cây hoa huệ ngày càng “được lòng” nhiều hộ trồng hoa trong xã. Ở Mỹ Tân hiện xóm nào cũng có người trồng hoa huệ, nhiều thì dăm bảy sào, nhà ít cũng có tới 1, 2 sào”, ông Phan Văn Trường, xóm Cộng Hòa, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) cho biết.

Ông Phan Văn Trường, xóm Cộng Hòa, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) chăm sóc ruộng hoa huệ.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Trường vừa tranh thủ nhanh tay nhặt những cây cỏ còn sót lại trên ruộng hoa huệ: “Tôi trồng huệ đến nay cũng đã được vài năm. Hoa huệ có nhiều loại, huệ đơn (còn gọi là huệ sẻ, huệ ta) và huệ kép (còn gọi là huệ tứ diện, huệ trâu, huệ tàu), mỗi giống hoa có đặc tính, ưu, nhược điểm khác nhau.

Giống huệ tôi đang trồng trong vườn là huệ kép”, ông Trường chia sẻ thêm. So với huệ ta, huệ kép được người chơi hoa yêu thích hơn do hoa đẹp, bông cao, nhiều cánh, thời gian ra hoa lâu, năng suất hoa cao hơn. Tuy vậy, huệ kép không thơm bằng huệ đơn. Mặc dù là giống hoa “dễ tính” song các công đoạn, kỹ thuật trồng hoa huệ nói chung lại tương đối phức tạp.

Hàng năm, để xuống giống huệ vào tháng 3, trước đó các nhà vườn đã chuẩn bị kỹ việc chọn giống. Khoảng 1 tháng trước khi thu củ giống, chủ nhà vườn phòng trừ rệp sáp cho củ tại ruộng bằng cách cắt bớt lá, rải thuốc trừ rệp sáp. Sau đó họ đào củ lên, cắt bỏ bớt rễ và tiếp tục nhúng vào thuốc trừ rầy rệp sáp một lần nữa.

Lựa một góc vườn râm mát, chủ nhà vườn cẩn thận lựa chọn những củ to, đường kính từ 3-4cm xếp theo lớp để bảo quản. Với kích thước như vậy, cây hoa sẽ nhanh chóng cho bông sau khoảng 2-4 tháng xuống giống. Chọn được củ giống, ông Trường cũng như nhiều chủ vườn còn phải tiến hành một công đoạn rất quan trọng trước khi trồng, đó là phơi củ giống nhằm tiêu diệt các mầm bệnh. Công đoạn này theo ông hết sức quan trọng, thậm chí quyết định năng suất hoa: “Những năm đầu khi trồng hoa huệ, tôi gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Lúc xuống giống vụ mới, tôi thường dùng củ tươi để trồng, không xử lý mầm bệnh trước.

Vì thế, cây hoa cho ra bông nhỏ, vàng hoa, khách chê nhiều, khó bán. Sau này, khi được nghe tư vấn, hướng dẫn từ cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện, tôi đã biết cách xử lý mầm bệnh bằng cách phơi củ, ngâm củ trong nước ấm trước khi trồng”. Xử lý củ hoa xong xuôi, ông bắt đầu làm đất. Đặc tính của cây hoa huệ là thích hợp với chân đất cao, không thích nghi với nền đất cũ nên trước khi trồng chủ nhà vườn phải cải tạo đất, lên luống mới cho cây. Chiều cao lý tưởng của luống thường từ 30-40cm, rộng 1-1,2m, luống cách luống từ 0,4-0,5m.

Khi ươm củ hoa, ông trồng với mật độ dao động từ 20-30 cm/củ, sâu 2-3cm. Với mật độ trồng như vậy vừa tiện cho việc chăm sóc vừa đảm bảo cây hoa cho nhiều củ giống. Ươm củ xong, 2 lần/ngày ông Trường tưới nước cho ruộng hoa vào sáng sớm và buổi chiều mát. Xuống giống khoảng 20 ngày, 10 ngày/lần, ông bắt đầu bón phân, kết hợp phun thuốc để kích thích cây hoa huệ sinh trưởng và phát triển, cây cho bông đều, đẹp. Mặc dù là giống hoa ít bị sâu bệnh nhưng hoa huệ vẫn bị một số loại sâu bọ như nhện đỏ và rệp sáp tấn công trên lá.

Vì vậy, quá trình trồng, ông thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh của cây hoa, phát hiện cây có triệu chứng bị sâu ông kịp thời xử lý bằng cách phun thuốc bảo vệ thực vật. Chăm sóc đúng quy trình, 3 đến 4 tháng sau khi trồng, vườn hoa huệ nhà ông bắt đầu cho thu hoạch. 2 tháng tiếp theo hoa huệ cho bông ổn định và thời gian thu kéo dài đến tận cuối năm. Trung bình 1 tháng, ông cắt hoa từ 4-6 lần. Theo ước tính của ông, nếu đầu tư chăm sóc tốt, vườn hoa huệ sẽ cho thu hoạch khoảng 4 đợt/năm.

Với giá bán buôn dao động tại vườn từ 7-30 nghìn đồng/chục bông, tùy thời điểm, 1 sào huệ sẽ cho thu nhập từ 17-20 triệu đồng. Ngoài bán hoa, hiện các nhà vườn còn bán củ giống với giá 35-40 nghìn đồng/kg củ. So sánh giá trị kinh tế với một số cây hoa khác như cúc, hồng, theo ông Trường trồng hoa huệ có nhiều ưu thế hơn. Cụ thể, hoa huệ cho thời gian thu hoạch dài hơn hoa cúc (trung bình 4 tháng cho thu hoạch một lần) và không chịu nhiều rủi ro như trồng hoa hồng. Chưa kể đến vốn đầu tư cho cây hoa huệ thấp hơn, công chăm sóc ít, thị trường lại rất rộng mở.

Nhà vườn ngoài bán ở trong tỉnh còn nhập bán cho các thương lái nhiều tỉnh, thành như: Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội… Ngoài nhu cầu trao đổi, mua bán hoa hàng ngày, hoa huệ còn đặc biệt bán chạy trong các dịp lễ, tết. Đây cũng là lý do mà thời gian qua nhiều hộ gia đình ở Mỹ Tân chọn hoa huệ làm cây trồng chính. Một số hộ gia đình trong xã trồng nhiều có thể kể đến như: gia đình ông Thắm, cụ Cảnh trồng từ 6-7 sào hoa huệ. Từ cây hoa huệ, nhiều hộ trồng hoa đã làm được nhà, sắm xe máy, ti vi và các vật dụng đắt tiền khác, lo cho con cái ăn học đầy đủ. Hiệu quả kinh tế mà cây hoa huệ mang lại đã mở ra hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế gia đình của nhiều nông dân, chủ nhà vườn trong tỉnh.

Cuối tháng 6, khi những ruộng hoa huệ ở Mỹ Tân đang ở vào thời kỳ sinh trưởng và phát triển tốt, màu xanh khỏe mạnh của lá xen với màu trắng của hoa dần phủ rộng nhiều diện tích đất đai trong xã. Những chủ nhà vườn nơi đây xác định hoa huệ là một trong những cây chủ lực, mũi nhọn kinh tế của gia đình. Người người, nhà nhà trồng hoa huệ. Họ trồng từ trong vườn đến ngoài bãi, thậm chí tận dụng cả những vuông đất ít ỏi 2 bên đường để trồng hoa huệ. Khi mùa thu hoạch đến, làng xóm rộn ràng tiếng cười nói, tiếng trả giá, tiếng xe nổ máy vội vã chở hoa phóng về phố. Để rồi, giữa phố đông ồn ào, dù đứng khiêm nhường ở một góc nào đó, người chơi hoa vẫn nhận ra loài hoa này nhờ hương thơm thanh mát, ngọt ngào, tinh tế. Hoa huệ hấp dẫn người chơi không chỉ bởi hương thơm mà còn ở sự bền lâu của hoa. Đối với người trồng, niềm vui lớn nhất của nông dân là những vụ mùa không sâu bệnh, được giá. “Tín hiệu” kinh tế tích cực, khả quan từ cây hoa huệ ở Mỹ Tân, vì thế đang ngày càng “rõ nét”, thu hút nhiều người trồng, canh tác hơn./.


Cao thủ nuôi lợn an toàn giữa vùng dịch Cao thủ nuôi lợn an toàn giữa vùng… Phát triển sinh vật cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao Phát triển sinh vật cảnh đem lại hiệu…