Tin nông nghiệp Phát triển sinh vật cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao

Phát triển sinh vật cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao

Author Hoàng Anh, publish date Thursday. July 11th, 2019

Phát triển sinh vật cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao

Thời gian qua, các cấp Hội Sinh vật cảnh trong tỉnh đã xác định rõ mục tiêu “Phát triển sinh vật cảnh thành kinh tế sinh thái có giá trị cao”; từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp cân bằng hệ sinh thái, tạo môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Nghệ nhân sinh vật cảnh Đỗ Hồng Lý xã Hải Hưng (Hải Hậu) chăm sóc cây cảnh.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông mới kiểu mẫu do Đảng ủy, UBND xã phát động, Hội Sinh vật cảnh xã Điền Xá (Nam Trực) đã vận động 800 hội viên sắp xếp lại toàn bộ khuôn viên khu vườn cây cảnh của gia đình, cắt tỉa, tạo thế và di chuyển các cây cảnh, cây thế, cây bonsai, làm sạch cỏ vườn; trang trí dọc lối đi bằng các chậu cây…, tạo khung cảnh thân thiện. UBND xã quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất từng loại sản phẩm để hình thành các vùng chuyên biệt như: vùng chuyên canh các loại hoa tại khu vực bãi đê hữu Hồng, xóm Trần Phú; vùng trồng cỏ Nhật, cỏ lá tre tại khu vực Nội Vị Khê, Nội Lã Điền, bãi đê hữu Hồng, xóm Hoàng Thụ; vùng trồng cây trang trí khuôn viên, cây thế lâu năm, cây công trình… Hiện nay, tại các nhà vườn kiểu mẫu trồng các loại hoa, cây cảnh truyền thống như: đào, quất, thược dược, đồng tiền, cúc vạn thọ, cẩm chướng, hồng, huệ…, người dân nơi đây đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào các khâu: làm đất, ươm giống, chăm bón, điều tiết ánh sáng để chủ động thời gian ra hoa. Mỗi gia đình trong làng hoa, cây cảnh Vị Khê tự thiết kế, quy hoạch đất vườn của gia đình thành một khuôn viên thu nhỏ với khu trồng các cây hoa, khu trồng cây phôi, khu trưng bày các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật… theo mô hình nhà vườn kiểu mẫu, đảm bảo cảnh quan môi trường. Nhà vườn của nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam Vũ Văn Hoa có các khu trồng cây riêng như: khu trồng các loại cây cảnh lâu năm truyền thống với tùng (tùng kim, la hán, si, sanh)…; khu trồng các loại cây bon sai; khu trồng các loại cây cảnh trang trí… Ước tính, số lượng tác phẩm cây cảnh nghệ thuật nhà ông Hoa có gần 500 cây, trong đó có từ nhiều cây tùng kim, sanh dáng cổ được định giá từ 1-3 tỷ đồng.

Là địa phương có nghề trồng cây cảnh phát triển, ông Trần Văn Chung, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Hải Hậu cho biết: Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, huyện Hải Hậu xác định phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Trên cơ sở đó, các cấp Hội Sinh vật cảnh trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây cảnh vừa để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, vừa để chống biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường sống thân thiện, nhân văn. Hội Sinh vật cảnh huyện hiện có 60 mô hình khu vườn kiểu mẫu, không chỉ tạo mỹ quan chung toàn xóm mà còn giúp các hộ dân có thêm nguồn thu nhập ổn định. Đồng thời vận động người dân tiến hành “xanh hóa” tường rào bằng các loại cây bóng mát, tạo điểm nhấn bằng các bồn hoa, chậu hoa chạy dọc các tuyến đường. Phong trào “chung sức xây dựng nông thôn mới” ngày càng được triển khai sâu rộng với việc làm đẹp cảnh quan môi trường theo hướng “sáng - xanh - sạch - đẹp”; quy hoạch lại sân, vườn, ao tạo cảnh quan khuôn viên gọn gàng, sạch sẽ. Tiêu biểu như nhà vườn kiểu mẫu của nghệ nhân Đỗ Hồng Lý, xã Hải Hưng có diện tích gần 5.000m2; gồm các khu cây cảnh nghệ thuật trưng bày, cây phôi, khu cây bonsai, khu ao sen, cá cảnh… Hiện nay, khu vườn nhà ông có hàng trăm chậu cây quý, như: sanh, tùng la hán, linh sam, bút tùng, mai, si... Nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, bonsai từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước, có giá trị hàng tỷ đồng như: cây sanh hơn 100 năm có dáng “bạt phong hồi đầu” giành Giải vàng tại Triển lãm Sinh vật cảnh mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; cây sanh cổ dáng trực hoành từng 2 lần đoạt Giải vàng tại Triển lãm Sinh vật cảnh tỉnh. Cùng với phát triển cây cảnh truyền thống, nhiều địa phương trong huyện đã chuyển đổi trồng các cây bóng mát, cây ăn quả, cây trang trí, bonsai trong các công trình xây dựng để đưa giá trị sản xuất sinh vật cảnh tăng cao. Được sự định hướng của Hội Sinh vật cảnh xã Hải Sơn, nhiều hộ dân đã tập trung phát triển trồng các loại cây trang trí, cây bóng mát... cung ứng cho thị trường theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Ngoài cây cỏ nhung Nhật được trồng từ nhiều năm trước, hiện nay trên địa bàn xã có thêm 10ha trồng các cây tía tô, hoa sam Nhật Bản, dâu tây, cẩm tú mai, dạ thảo; gần 15ha đất trồng các loại cây bóng mát nhập ngoại và trong nước như cây tràm hoa vàng ở Nam Bộ, cây sao đen ở Trung Bộ, cây dụ, hoa ban đỏ ở Tây Bắc, cây Osaka (Nhật Bản), cây hoàng nam (Ấn Độ)…, tập trung chủ yếu ở các xóm 3, 4, 6, 9. Mặc dù, không có giá trị nghệ thuât như sản xuất, kinh doanh cây thế, cây bonsai nhưng cây trang trí, cây bóng mát cũng cho thu nhập cao, duy trì việc làm cho hàng trăm lao động.

Hội Sinh vật cảnh huyện Giao Thủy hiện đang đảm nhận trồng, chăm sóc hơn 5.000m2 hoa các loại, 14 tiểu cảnh trên các trục đường như: hoa mười giờ, hoa sống đời, dâm bụt, chiều tím, thược dược, hoa sam, hoa cúc… tập trung chủ yếu tại các xã Giao An, Giao Thiện, Bình Hòa, Giao Tiến… Khuôn viên trụ sở Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn, trạm xá, trường học, nghĩa trang, các nhà văn hóa xóm được làm mới, nâng cấp khang trang. Hội Sinh vật cảnh các xã, thị trấn tham gia xây dựng, thiết kế những vườn hoa, chậu cảnh, cây cảnh nghệ thuật, cây bóng mát, cây ăn quả được quy hoạch đẹp mắt theo hướng “mỗi công sở là một công viên, một môi trường xanh thân thiện”. Phong trào sinh vật cảnh của huyện đi vào tận từng gia đình; vườn tạp được xóa bỏ, quy hoạch cây trồng trong vườn, trong các trang trại được tổ chức theo định hướng kinh tế sinh vật cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nhà vườn được đầu tư trồng mới theo quy trình tiên tiến, hướng tới xây dựng các trang trại sinh vật cảnh là điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Gia đình ông Nguyễn Văn Mẫn ở xã Giao An, chủ sở hữu trang trại cây bóng mát, cây công trình có diện tích khoảng 10ha; đã cung cấp trên 20 nghìn cây bồ đề phục vụ công trình Chùa Bái Đính (Ninh Bình); xuất khẩu hơn 1.000 cây phi lao sang thị trường Dubai. Gia đình ông Lê Công Vinh ở xã Giao Châu hiện sở hữu nhà vườn rộng 2ha chuyên cung cấp các loại cây bóng mát, cây công trình cho các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình…, doanh thu từ 3-5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường sinh vật cảnh tỉnh có chuyển biến tích cực. Doanh thu từ việc buôn bán hoa, cây cảnh, đá cảnh, gỗ lũa nghệ thuật… đạt gần 80 tỷ đồng. Trong đó nhiều địa phương duy trì thu nhập cao như: Huyện Nam Trực doanh thu khoảng 20 tỷ đồng từ trồng cây xanh, cây bóng mát ở các khu công nghiệp, đường giao thông và hàng chục tỷ đồng từ bán cây cảnh nghệ thuật, cỏ Nhật...; huyện Hải Hậu có tổng doanh thu trên 25 tỷ đồng, chủ yếu từ các loại cây cảnh nghệ thuật trung thế và đại thế. Thị trường sinh vật cảnh đang khởi sắc. Vì vậy, Hội Sinh vật cảnh các cấp tiếp tục tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp dạy nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nhân giống, trồng, chăm sóc cây cảnh; vận động hội viên tìm tòi, sáng tạo các loại cây cảnh, cây thế đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, đưa sinh vật cảnh phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao./.


Hiệu quả kinh tế của cây hoa huệ Hiệu quả kinh tế của cây hoa huệ Lưu ý khi phun thuốc bảo vệ thực vật Lưu ý khi phun thuốc bảo vệ thực…