Tin thủy sản Hydrogen peroxide trong ao tôm

Hydrogen peroxide trong ao tôm

Author Nguyễn An, publish date Thursday. May 31st, 2018

Hydrogen peroxide trong ao tôm

Hydrogen peroxide là chất ôxy hóa trong nuôi trồng thủy sản. Người nuôi cần hiểu rõ những tác dụng và lưu ý kỹ thuật để sử dụng hiệu quả, tránh gây lãng phí và ảnh hưởng đến tôm nuôi.

Sử dụng H2O2 đúng cách làm tăng hiệu quả tôm nuôi Ảnh: PTC

Hydrogen peroxide có công thức hóa học là H2O2, tên thường gọi là ôxy già. H2O2 được khám phá bởi nhà hóa học người Pháp Louis-Jacques vào năm 1818 và được bắt đầu đưa vào sử dụng trong nuôi trồng thủy sản năm 1969. H2O2 là một chất ôxy hóa mạnh, bay hơi, không bền, khi hòa tan trong nước tạo thành acid yếu. Hòa tan vào nước ở tỷ lệ 1:1, H2O2 sẽ mất tác dụng trong vòng 5 giờ, do đó hiệu quả của H2O2 phụ thuộc rất lớn vào quá trình bảo quản.

1/ Cung cấp ôxy hòa tan

Trên thế giới, Hydrogen peroxide thường được cho vào nước trong các bể dùng để vận chuyển thủy sản đến các vùng xa ở Ấn Độ và các nước châu Á khác, bởi chất này tự động phân hủy trong nước để giải phóng ôxy phân tử.

Hydrogen peroxide cũng đôi khi được dùng làm nguồn cấp ôxy hòa tan khẩn cấp trong các ao và các hệ thống nuôi khác. Trong ao nuôi, tôm thường bị thiếu ôxy, nổi đầu dạt bờ từ nửa đêm về sáng (3 - 5 giờ), biện pháp xử lý là dùng dung dịch H2O2 với liều lượng 1 - 2 mg/l hòa loãng tạt đều khắp mặt ao. Khi vào nước, chất ôxy hóa này sẽ sinh ra một lượng ôxy hòa tan cung cấp cho tôm nuôi, giúp tôm không bị ngạt. Khi sử dụng chất ôxy hóa, người nuôi có thể đồng thời sử dụng thêm các chiết xuất Yucca hoặc Zeolite, tăng cường sục khí và quạt nước.

Sự có mặt của chất hữu cơ trong ao nuôi dùng làm chất xúc tác để thúc đẩy quá trình phân hủy hydrogen peroxide và giải phóng ôxy hòa tan. Không có nhiều thông tin về độ độc của hydrogen peroxide đối với tôm, tuy nhiên, theo khuyến cáo từ các chuyên gia, không nên sử dụng với hàm lượng trên 5 mg/l trong vài giờ. Trên thị trường, sản phẩm H2O2 được sử dụng ở dạng dung dịch đóng chai, can nhựa.

2/ Xử lý nước

Ngoài chức năng cung cấp ôxy, trong nuôi tôm, dung dịch H2O2 được dùng để điều trị các bệnh về ngoại kí sinh rất hiệu quả. H2O2 cũng có chức năng diệt nấm, vi khuẩn, virus. Chúng được dùng để sát khuẩn ở liều lượng 150 ppm. Cơ chế sát trùng của H2O2 là ôxy hóa trực tiếp màng tế bào, phá hủy cấu trúc ADN của tế bào vi khuẩn. H2O2 còn được dùng để khử mùi hôi trong xử lý nước ao tôm bị ô nhiễm, giảm lượng N-NO2-, CN-, H2S trong nước, hạn chế sự ăn mòn do Chlorine (Cl), sulfide (S2-), thiosulfate (S2O32-). Giảm hàm lượng hữu cơ, từ đó làm giảm BOD và COD (lượng ôxy tiêu hao sinh học và hóa học) trong nước. H2O2 khi sử dụng sẽ không tồn lưu trong nước, vì chúng phân hủy thành H2O và O2.

3/ Kiểm soát tảo

Độc tố tảo sản sinh trong ao thường đi kèm với sự bùng nổ mật độ tảo trong ao nuôi. Thuật ngữ “Sự nở hoa của tảo độc - Hamrful algae bloom (HAB)” thường được sử dụng để mô tả hiện tượng tăng trưởng quá mức của các loài tảo. Tảo nở hoa xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ao nuôi. Tôm có thể bị chết khi ăn phải sinh vật chứa lượng cao độc tố của tảo; Ánh sáng không thể xâm nhập sâu hơn vào tầng nước nên làm thay đổi hệ thống và chức năng của ao nuôi, màu nước ao; Sự phân giải tảo làm cạn kiệt nguồn ôxy hòa tan của nước; Làm chết các loài tảo có lợi trong ao nuôi và trong chuỗi thức ăn.

Các nhóm tảo sản xuất độc tố hàng đầu trong ao nuôi là tảo lam (Cyanobacteria), tảo vàng (Prymnesium parvum) và nhóm tảo mắt Euglenoids. H2O2 có tác dụng diệt tảo lam mạnh. Các nghiên cứu cho thấy, H2O2 có tác dụng diệt tảo lam mạnh gấp 10 lần so với tảo lục và tảo khuê. Tạt trực tiếp xuống ao, liều lượng thường được sử dụng diệt tảo từ 0,1 đến 0,5 mg/l, phụ thuộc nhiệt độ nước và mật độ tảo trong ao mà chọn nồng độ thích hợp. Tuy nhiên, H2O2 có khả năng diệt tảo nhưng không có khả năng diệt các nhóm rong trong ao nuôi.

Mới đây, các thử nghiệm được tiến hành tại Vườn Quốc gia Norfolk và Suffolk Broads đã chỉ ra rằng ở nồng độ kiểm soát hydrogen peroxide ( H2O2) với lượng 1,6 - 2 mg/l có hiệu quả diệt trừ tảo vàng Prymnesium parvum trong vòng 24 giờ. Khám phá này được nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm John Innes và Trường Đại học East Anglia thực hiện nhằm mục đích tìm ra một giải pháp tiết kiệm chi phí cho một vấn đề tảo nở hoa liên tục đe dọa nền kinh tế thủy sản.

4/ Lưu ý sử dụng

H2O2 là chất dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian và nhân sự trong việc tẩy uế ao. Khi ao tôm bị thiếu ôxy, người nuôi cần căn cứ vào diện tích ao nuôi, mật độ tôm và yếu tố môi trường để lựa chọn H2O2 với liều lượng sử dụng hợp lý, đảm bảo cấp đủ lượng ôxy cho ao và ít ảnh hưởng đến tôm nuôi.

H2O2 là chất ôxy hóa nên có khả năng ăn mòn da, do đó người nuôi cần trang bị bảo hộ lao động khi sử dụng.

H2O2 sẽ có tác dụng mạnh khi sử dụng ở điều kiện ánh sáng và nhiệt độ cao. Chỉ dùng trong nước có độ cứng và độ kiềm thấp. Khi pH lớn hơn 8,3 thì không nên dùng H2O2.

Cẩn thận trong bảo quản, không để gần những chất dễ gây cháy nổ.


Những nghiên cứu mới về thảo dược trong thủy sản Những nghiên cứu mới về thảo dược trong… Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao