Những nghiên cứu mới về thảo dược trong thủy sản
Sử dụng các loại thảo dược nhằm thay thế kháng sinh và các hóa chất trong thủy sản đang là xu hướng tất yếu và ngày càng phát triển trên toàn thế giới. Dưới đây là một số nghiên cứu mới các nhà khoa học về tác dụng của các loại thảo dược trong thời gian gần đây.
Quế
Quế có tên khoa học là Cinnamomum là một chi của cây thơm thường xanh và cây bụi thuộc họ Long não (Lauraceae). Vỏ quế và tinh dầu quế được xem là thuốc tự nhiên có nhiều công dụng như kích thích khả năng tuần hoàn hô hấp; tăng nhu động ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa, bài tiết; làm giãn mạch; tăng miễn dịch; kháng histamin và kháng khuẩn mạnh mẽ…
Dựa trên những tác dụng này của bột và tinh dầu quế, các nhà khoa học Brazil đã tiến hành một thí nghiệm nhằm bổ sung bột quế vào thức ăn giúp cá rô phi để tăng cường các hoạt động chống stress. Cụ thể, thí nghiệm đã được tiến hành trên 330 con cá rô phi cá non được chia thành 11 bể. Các nhóm cá rô phi được cho ăn trong 71 ngày với các khẩu phần chứa bột quế ở các mức độ khác nhau (0,5, 1, 1,5, 2%), tinh dầu quế (0,05, 0,1, 0,15, 0,2%) và probiotic (0,4%). Vào cuối thí nghiệm, cá sẽ bị gây stress nhân tạo do thiếu ôxy và tiến hành sau đó lấy mẫu máu để xác định mức cortisol, glucose, hematocrit, lysozyme, chỉ số diệt khuẩn, tổng protein. Kết quả phân tích cho thấy, thức ăn bổ sung bột quế ở mức 0,5% đã cải thiện phản ứng miễn dịch cá, vì nó làm tăng 0,5% mức globulin. Việc sử dụng tinh dầu quế 0,15% trở lên làm tăng alpha 1 và alpha 2-globulins, đồng thời, hàm lượng lipit tăng cao ở thân thịt và chỉ số gan. Điều này cho thấy bột quế kích thích cơ thể cá sản sinh các phản ứng miễn dịch tốt hơn đối với các yếu tố stress.
Cây rễ vàng
Cây rễ vàng hay còn gọi là rễ hoa hồng, có tên khoa học là Rhodiola rosea.
Gần đây, các nhà khoa học đã tiến hành một thử nghiệm để kiểm tra ảnh hưởng của cây rễ vàng đối với tốc độ tăng trưởng, thành phần cơ thể và khả năng chống ôxy hóa của tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei đối với độ mặn thấp và nitrit khi bổ sung vào thức ăn. Kết quả cho thấy, khi bổ sung cây rễ vàng với lượng 3.000 mg/kg đã cải thiện đáng kể sức đề kháng của tôm chống lại sự căng thẳng kết hợp của độ mặn thấp và nitrit, được chỉ ra bởi các hoạt động cao hơn của TAS, GSH-Px và CAT (P <0,05), cũng như bởi mức độ phiên mã GPx và CAT cao hơn một cách có ý nghĩa (P <0,05). Từ các kết quả phân tích trên, các nhà khoa học đã đưa ra nhận định cây rễ vàng (R. rosea) khi bổ sung vào thức ăn có tác dụng đáng kể trong việc kích thích hệ hống miễn dịch tự nhiên của tôm và tăng khả năng chống stress cho tôm đối với các yếu tố môi trường.
Đào kim nương
Đào kim nương có tên khoa học là Myrcia sylvatica là một loài thực vật có hoa trong họ Đào kim nương. Chúng phân bố rộng khắp ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm áp trên thế giới và rất phổ biến trong nhiều khu vực đa dạng sinh học của thế giới. Trong tinh dầu có chứa nhiều loại Polyphenol có tác dụng an thần.
Dựa vào tinh dầu của đào kim nương và củ nghệ (Curcuma longa) các nhà khoa học Brazil đã tiến hành bào chế thuốc gây mê trên cá. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tinh dầu cây Đào kim nương (EOMS) và tinh dầu củ nghệ (EOCL) được khuyến cáo cho gây tê và an thần của cá. Các loại tinh dầu này không làm thay đổi các thông số sinh hóa và tăng khả năng chống ôxy hóa trong các mô quan trọng. Được biết, các chất gây mê là cần thiết để giảm căng thẳng cá trong các hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Bí ngô
Bí ngô (Cucurbita mixta) từ lâu đã được sử dụng làm nguồn dinh dưỡng trong chăn nuôi. Hạt bí chứa nhiều axit béo thiết yếu như axit palmitic, oleic, linoleic và steric cũng như axit arginine và glutamic. Sản phẩm phụ của bí ngô có chứa các hợp chất mà phần nhiều trong số đó là các chất thay thế hiệu quả đối với kháng sinh, hóa chất, vaccine và các hợp chất tổng hợp khác.
Gần đây, các nhà khoa học Ấn Độ cũng đã được thử nghiệm đánh giá thành công tác động của thức ăn bổ sung bột bí ngô lên hiệu quả tăng trưởng, phản ứng miễn dịch và tính kháng bệnh trong cá rô phi chống lại Aeromonas hydrophila. Cụ thể, các kết quả cho thấy chế độ ăn của cá rô phi có bổ sung bột bí ngô ở 4 g/kg và 6 g/kg trong 4 tuần làm tăng tỷ lệ sống sót, tăng trọng, tỷ lệ hiệu quả protein, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn và hiệu quả sử dụng thức ăn đáng kể so đối chứng. Thức ăn hỗn hợp được bổ sung bột bí ngô giúp tăng cường đáng kể hoạt tính bào mòn, hoạt động hô hấp và hoạt động lysosome trong cá nhiễm bệnh ở mức 4 - 1 và 6 g/kg trong 2 - 4 tuần. Tỷ lệ chết tích lũy thấp hơn ở cá ăn 4 g/kg và 6 g/kg (15% và 18%) so với 2 g/kg (26%).
Cây huyết rồng
Cây huyết rồng (Spatholobus suberectus) còn gọi là hồng đằng, kê huyết đằng, đại hoàng đằng...
Mới đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành thí nghiệm bổ sung cây huyết rồng (Spatholobus suberectus), hoàng bá (Phellodendron amurense) và cỏ mực (Eclipta prostrate) vào thức ăn của cá mú hoa nâu E. fuscoguttatus để theo dõi khả năng miễn dịch ở cấp độ phân tử đối với vi khuẩn Vibrio harveyi sau 14 ngày. Nghiên cứu cho thấy, cả ba loại thảo mộc này đều tăng khả năng bảo vệ cá mú hoa nâu chống lại Vibrio harveyi. Nghiên cứu này cũng làm phong phú thêm cơ sở dữ liệu chuyển hóa của cá mú hoa nâu E. fuscoguttatus và góp phần hiểu rõ hơn về cơ chế phân tử liên quan đến hoạt động miễn dịch của các dược thảo Trung Quốc đối với cá, đồng thời, cung cấp thông tin có giá trị về phòng ngừa bệnh trên cá biển bằng các thảo mộc.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao