Nuôi bò Khắc phục hiện tượng chậm sinh - vô sinh ở bò sữa

Khắc phục hiện tượng chậm sinh - vô sinh ở bò sữa

Author NCN, publish date Saturday. January 9th, 2016

Khắc phục hiện tượng chậm sinh - vô sinh ở bò sữa

1. Hiện tượng chậm sinh – vô sinh ở bò sữa

Hiện tượng chậm sinh – vô sinh ở bò sữa là hiện tượng bò tơ 2 năm tuổi nhưng không động dục, bò rạ sau khi sinh 3 - 5 tháng nhưng không lên giống hoặc có lên giống nhưng phối nhiều lần vẫn không đậu thai.

2. Nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng chậm sinh – vô sinh ở bò sữa

Bò chậm sinh – vô sinh thường do các nguyên nhân sau:

2.1. Bò bị lưỡng tính:

Trường hợp này gặp ở bò tơ do nó được sinh đôi với bê đực làm giới tính của nó bị lưỡng tính.

Khả năng vô sinh ở những con bò này  trên 90% và hiện nay chưa có biện pháp can thiệp. Do vậy người chăn nuôi không nên để nuôi sinh sản những bê cái sinh đôi với bê đực.

2.2. Bò bị khiếm khuyết cơ quan sinh dục:

Hiện tượng này có ở bò tơ và bò rạ.

Ở bò cái tơ thường có biểu hiện: tử cung, buồng trứng kém phát triển, thậm chí không có tử cung.

Nguyên nhân bò tơ khiếm khuyết cơ quan sinh dục có thể do chế độ dinh dưỡng kém, cũng có thể do bẩm sinh.

Vì vậy cần xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp điều trị đúng. Nếu cơ quan sinh sản của bò bị dị hình, khiếm khuyết bẩm sinh thì không có cách chữa trị, cần loại thải bò cái này.

Nếu do yếu tố dinh dưỡng thì cần cải thiện chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc. Bò quá mập hay quá ốm đều ảnh hưởng đến sự phát triển của buồng trứng.

Do vậy cần duy trì thể trạng bò bở mức trung bình.

Bò rạ (phổ biến ở bò già và bò đã đẻ nhiều lứa), buồng trứng có thể bị thiểu năng hoặc bị teo.

Triệu chứng phổ biến là bò không động dục trong thời gian dài, hoặc động dục yếu và các giai đoạn không rõ ràng, buồng trứng bé hơn bình thường, không có thể vàng và cũng không có nang trứng phát triển.

Nguyên nhân do chăm sóc bò không tốt, nguồn dinh dưỡng kém, rối loạn quá trình tiết hormon kích thích sự rụng trứng.

Do vậy cần tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung vào khẩu phần: protein, khoáng, vitamin (A, E, D, B). Điều trị chứng thiểu năng buồng trứng ở bò rạ bằng cách tiêm hormon.

Tuy nhiên, phác đồ điều trị nên có sự tư vấn của bác sỹ thú y.

2.3. Bò bị viêm nhiễm đường sinh dục:

Phổ biến là viêm tử cung.

Nguyên nhân chủ yếu làm tử cung của bò bị viêm nhiễm là do bò bị sót nhau, đường sinh sản bị tổn thương trong khi đẻ.

Bò càng mập lúc đẻ thường đi kèm với hiện tượng đẻ khó, sót nhau, thai lớn và nguy cơ viêm nhiễm đường sinh sản càng cao.

Triệu chứng bò bị viêm tử cung rõ nhất là dịch thải từ tử cung kéo dài quá 2 tuần hoặc có mùi rất hôi (cổ tử cung luôn mở).

Để khắc phục hiện tượng này cần giữ vệ sinh chỗ nằm của bò mẹ, không cho bò khỏe tiếp xúc với bò ốm

. Bổ sung Selen và vitamin E vào khẩu phần.

Duy trì thể trạng của bò không quá gầy, không quá mập bằng cách điều chỉnh lượng thức ăn tinh và thức ăn thô.

Khi bò bị bệnh, bà con chăn nuôi sử dụng kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, nên có sự tư vấn của bác sỹ thú y.

2.4. Thể vàng tồn lưu:

Thông thường trứng không được thụ tinh thì thể vàng sẽ bị tiêu biến và con vật động dục trở lại.

Nếu trứng được thụ tinh, hormon do thể vàng tiết ra có tác dụng giữ an toàn cho thai và con vật không động dục trong suốt thời gian mang thai, trường hợp này gọi là thể vàng sinh lý.

Nếu con vật không mang thai nhưng thể vàng không tiêu biến mà tồn lưu qua nhiều chu kỳ tiếp theo làm bò không động dục trong thời gian dài gọi là thể vàng tồn lưu hay thể vàng bệnh lý.

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tường thể vàng tồn lưu ở bò nhưng chủ yếu do có những vật thể tồn tại trong tử cung (phôi/thai chết, thai chết ngâm, thai gỗ, u nhầy, tử cung có mủ...).

Khi bò bị thể vàng tồn lưu, có thể dùng tay bóc thể vàng thông qua trực tràng, tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Ngoài ra, có thể thuốc đặc trị để điều trị bệnh thể vàng tồn lưu ở bò.

2.5. U nang nang trứng:

Hiện tượng nang trứng không rụng mà lưu lại buồng trứng có đường kính >2,5cm gọi là u nang buồng trứng.

U nang buồng trứng có thể được phân làm 2 dạng là u nang cường dục và u nang không động dục. Ở dạng cường dục, bò động dục liên tục và thường xuyên (có thể 10 ngày động dục một lần), dạng không động dục thì bò không có biểu hiện gì.

Nguyên nhân gây bệnh u nang buồng trứng hiện nay chưa được xác định chính xác.

Tuy nhiên, bệnh u nang buồng trứng thường phát hiện trong các trường hợp chế độ chăm sóc nuôi dưỡng kém, thức ăn không cân đối dinh dưỡng (mức canxi ăn vào quá nhiều, tỷ lệ Ca:P >2) thiếu chất nhất là thiếu Vitamin A,D,E,B, thức ăn nhiễm độc tố nấm mốc,…

Do vậy để phòng bệnh u nang buồng trứng cần kiểm soát thức ăn đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm độc tố nấm mốc, tỷ lệ Ca:P <2.

Điều trị bệnh u nang buồng trứng có có thể áp dụng một trong các cách sau:

1) Tiêm hCG

2) Tiêm GnRH

3) Tiêm PGF2a

4) Tiêm Progesteron

5) Bóp vỡ u nang (qua trực tràng): cách làm này nguy hiểm, cần thận trọng.

3. Kết luận

Hiện tượng chậm sinh – vô sinh ở bò sữa do nhiều nguyên nhân. Do vậy khi bò mắc bệnh cần tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý chính xác.

Với những nguyên nhân mang tính di truyền, bẩm sinh thì không thể điều trị được (bò lưỡng tính, không có tử cung,…) cần loại thải.

Những nguyên nhân khác gây ra hiện tượng chậm sinh – vô sinh có thể phòng và điều trị được bằng thuốc đặc hiệu, tuy vậy cần giữ vệ sinh chuồng trại, khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng và chăm sóc hợp lý để có được đàn bò sữa mạnh khỏe, sinh sản tốt.


Bệnh nấm da lông ở bò sữa - Nguyên nhân và cách phòng trị Bệnh nấm da lông ở bò sữa -… Chọn bò cái hướng thịt và kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng Chọn bò cái hướng thịt và kỹ thuật…