Tin thủy sản Khởi nghiệp thành công nhờ liên kết nuôi cá theo công nghệ Isarel

Khởi nghiệp thành công nhờ liên kết nuôi cá theo công nghệ Isarel

Author Nguyễn Hải Tiến, publish date Thursday. July 19th, 2018

Khởi nghiệp thành công nhờ liên kết nuôi cá theo công nghệ Isarel

Tốt nghiệp ĐH Thuỷ sản Nha Trang, anh Việt đã không tìm việc làm ổn định ở cơ quan nhà nước mà quyết định về quê, mang kiến thức học được, để lập thân lập nghiệp, làm giàu cho chính mình và nhiều người khác.

Công nghệ "sông trong ao" nuôi cá mật độ cao

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Văn Việt ở thôn Phương Khê, xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc, Hải Dương cho biết: Bắt đầu khởi nghiệp năm 2009, với gần 1ha ao nước đấu thầu của địa phương. Sau 2 năm miệt mài nuôi thả cá, anh đã phát hiện ra, nếu cứ mạnh ai nấy làm, không có sự liên kết sản xuất, thì không tạo ra được số lượng sản phẩm lớn và cũng không thể mua được các loại vật tư SX trực tiếp từ nhà máy với giá thấp hơn, để hạ giá thành, dẫn đến hiệu quả nuôi cá không cao...

Mang những phát hiện nói trên ra chia sẻ cùng những người nuôi cá trong xã, anh Việt đã nhận được sự đồng thuận cao. Và HTX Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt được thành lập, ra đời từ đó (năm 2011), gồm 8 thành viên sáng lập và hơn 10ha ao hồ mặt nước.

Kể từ sau thành lập, dưới sự dẫn dắt của anh Việt trong vai trò là Giám đốc, HTX Xuyên Việt đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, vươn lên chiếm lĩnh thị trường, làm chủ các tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất và kinh doanh có lãi cao.

Một trong những thành tựu đạt được nổi bật trong thời gian qua của Xuyên Việt là: Năm 2013 HTX đã xây dựng và vận hành thành công quy trình nuôi cá trên ao nổi. Đây là công nghệ nuôi cá “hot” nhất lúc bấy giờ, đến nay vẫn được khá nhiều trang trại thuỷ sản áp dụng vào sản xuất. Bởi chi phí đầu tư xây dựng ao nổi chỉ bằng 60% so với đầu tư làm ao chìm (truyền thống).

Ao nổi có ¾ chiều sâu ao được làm nổi trên mặt đất. Thành và bờ ao đổ bê tông cứng. Đảm bảo cho nước ao không bị rò rỉ thất thoát. Không bị ảnh hưởng bởi mưa bão úng ngập. Dễ dàng tháo cạn nước thu hoạch cá và làm vệ sinh đáy ao, mà không cần dùng tới máy bơm hút nước các loại. So với nuôi cá trong ao chìm, ao nổi có hàm lượng oxy hoà tan trong nước cao hơn, nên cá tăng trọng nhanh, ít nhiễm dịch bệnh, chất lượng tốt hơn, năng suất cao hơn 1,5 lần, chu kỳ nuôi cũng rút ngắn được 20% thời gian so với nuôi truyền thống.

Tuy nhiên, sự kiện làm nên danh tiếng Xuyên Việt, được nhiều người biết đến là, năm 2016 HTX đã tạo ra được năng suất đột phá về nuôi cá, nhờ áp dụng quy trình công nghệ của Israel – một trong những công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Để có được công nghệ này, anh Việt đã phải bỏ ra 100 triệu đồng, sang Trung Quốc (qua sự giới thiệu của một giáo sư người Mỹ) tham quan và thực hành nuôi cá công nghệ Israel ở đó.

Theo anh Việt, công nghệ Israel cũng giống như nuôi cá lồng trên sông ở nước ta. Có khác biệt là, công nghệ Israel cần dùng các kiến thức khoa học kỹ thuật, để tạo ra một dòng sông thu nhỏ trong ao, có đầy đủ các yếu tố của một dòng sông lớn ngoài tự nhiên như, bọt khí, sóng nước, dòng chảy liên tục và không dơ bẩn...

Trong điều kiện như vậy, hàm lượng oxy hoà tan trong nước của sông trong ao rất cao. Cho phép nuôi thả cá với mật độ cao. Năng suất có thể đạt 100 - 150kg cá/m2 mặt nước nuôi thả (cao gấp 10 lần so với cách nuôi truyền thống). Chất lượng cá tốt hơn. Thịt thơm ngon, kho/rán không bị ra nước như các loại cá nước ngọt bán trên thị trường.

Bằng cách làm đột phá, từ sau khởi nghiệp đến nay, Xuyên Việt đã mở rộng được diện tích ao nuôi trồng thuỷ sản lên 106ha, bao gồm 22 thành viên sở hữu. Mỗi năm có thể sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 1.000 tấn cá thương phẩm và 30 triệu con cá giống các loại. Lợi nhuận trung bình đạt 9 - 10 tỷ đồng/năm.

Hiện tại Xuyên Việt đã kết nối được với hơn rất nhiều đầu mối bao tiêu cá giống và cá thương phẩm trên toàn quốc. Bảo đảm mọi sản phẩm làm ra từ HTX đều tiêu thụ hết. Ngoài ra, Xuyên Việt còn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá nước ngọt, công suất 1.000 tấn/năm. Dự kiến cuối năm 2019 nhà máy sẽ đi vào hoạt động.

"Hiện tại ở miền Bắc có gần 90 mô hình nuôi cá theo công nghệ Israel, nhưng chỉ có khoảng 10 mô hình thành công. Nguyên nhân, do các chủ trại còn giữ tâm lý tiết giảm chi tiết công nghệ, giảm chi phí, dẫn đến thiết bị không đồng bộ, hiệu quả SX chưa được như ý", anh Việt chia sẻ.


Bước đột phá trong kiểm soát bệnh Amoebic Gill (AGD) Bước đột phá trong kiểm soát bệnh Amoebic… Các mô hình toán học – chìa khóa để giảm muối, tăng hương vị cho các sản phẩm cá Các mô hình toán học – chìa khóa…