Nuôi vịt Khôi phục giống vịt bầu Quỳ ở Nghệ An

Khôi phục giống vịt bầu Quỳ ở Nghệ An

Author Sơn Tử Phước, publish date Tuesday. April 2nd, 2019

Khôi phục giống vịt bầu Quỳ ở Nghệ An

Nếu lên các huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Châu phía tây bắc Nghệ An mà chưa được ăn thịt vịt bầu thì coi như chưa đến và chưa cảm nhận hết được hương vị của miền sơn cước.

Trước kia, người dân Nghệ An có câu “Nhất vịt bầu Quỳ, nhì gà chín cựa”. “Quỳ” là cách gọi vùng Phủ Quỳ xưa ở miền tây bắc Nghệ An bao gồm các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Quế Phong bây giờ. Còn gà chín cựa ở tận Mẫu Sơn, xứ Lạng. Vịt bầu Quỳ nổi tiếng nhất vẫn là ở vùng Quỳ Châu, Quế Phong, có thương hiệu lâu nay, là một trong những đặc sản của vùng. Vịt bầu Quỳ có đặc điểm mình to, chân thấp, cổ ngắn, thịt thơm, ngọt, béo mà không ngấy. Do nuôi trong môi trường tự nhiên ít được bà con chú ý phòng, chống bệnh nên thường hay bị dịch bệnh và phát triển chậm.

Các hộ gia đình ở xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong tập trung phát triển đàn vịt bầu Quỳ.

Chúng tôi đến thăm trang trại nuôi vịt thịt, vịt đẻ của gia đình ông Thái Diệu ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành. Trước đây, làng quê Yên Thành còn nghèo, gia đình ông Diệu chỉ nuôi vài ba trăm con vịt mà sản phẩm không tiêu thụ hết. Nhiều đêm trăn trở vì cái nghèo, năm 1993 ông Diệu và gia đình vượt hàng trăm km lên xã Châu Tiến, nơi tiếp giáp hai huyện Quỳ Châu và Quế Phong lập nghiệp. Biết được vịt bầu Quỳ đặc sản nổi tiếng một thời nơi đây hiện đang bị mai một, ông Diệu quyết tâm khôi phục lại giống vịt này. Hằng ngày, vợ chồng ông Diệu chia nhau vào tận các vùng bản mua trứng vịt bầu bản địa. Để có đủ số trứng cho một lò ấp công phu tốn kém, vợ chồng ông phải trèo đèo lội suối lên tận các xã giáp biên Tri Lễ, Thông Thụ, Quang Phong, Cắm Muộn… huyện Quế Phong xa hàng trăm km, nhưng mỗi ngày ông cũng chỉ gom được khoảng hơn mười quả trứng. Tuy đã có kinh nghiệm lâu năm trong ấp trứng, nhưng mẻ ra lò vịt bầu đầu tiên của gia đình ông cũng chỉ được vài chục con.

Nâng niu, chăm chút mãi rồi số vịt ít ỏi cũng lớn dần thành đàn vịt mẹ, vịt bố. Tuy đã có đàn vịt giống đẻ trứng, hằng ngày vợ chồng ông vẫn tiếp tục chia nhau vào các bản để mua thêm trứng vịt bầu về ấp. Chỉ ba năm sau trại chăn nuôi của ông Diệu đã có hàng nghìn con vịt bầu đẻ chính gốc Quỳ. Năm 2007, Ban phát triển kinh tế miền núi huyện Quế Phong đã đầu tư 20 triệu đồng để bảo tồn giống vịt bầu cho trang trại của gia đình ông Diệu. Có thêm nguồn vốn, ông Diệu đầu tư lò ấp hiện đại, mở mang xây dựng trang trại. Từ mô hình bảo tồn và phát triển vịt bầu Quỳ bản địa của huyện Quế Phong thông qua doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu do ông Thái Diệu làm giám đốc, thời gian qua các huyện miền núi Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong khi triển khai Chương trình 135/CP đều tới trang trại ông Diệu để mua giống vịt bầu Quỳ về nhân giống ở các làng bản được hưởng lợi chương trình. Ngoài bảo tồn giống vịt nhân ra khắp nơi, ông Diệu còn nuôi vịt siêu đẻ bảy nghìn con, đẻ 1,6 vạn quả trứng/tháng. Từ trang trại vịt bầu dưới chân cầu xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, đến nay ông Diệu đã có thêm bốn trại nuôi vịt khác nằm ở hai huyện Quỳ Châu và Quế Phong. Với năm lò ấp, mỗi năm doanh nghiệp cung ứng cho người dân hai huyện Quỳ Châu và Quế Phong mười vạn con vịt giống bầu Quỳ, giúp nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Mô hình được nhân rộng, riêng xã Quang Phong, hiện nay, tổng đàn vịt bầu khoảng hơn năm nghìn con. Nằm cạnh Quang Phong, Cắm Muộn cũng là xã có phong trào nuôi vịt bầu khá phát triển. Hiện xã đang có hai lò ấp trứng, với tổng đàn lên tới 12 nghìn con. Phong trào khôi phục và phát triển vịt bầu Quỳ còn phát triển ở một số huyện miền núi khác như Quỳ Hợp, Con Cuông.

Trăn trở với vịt bầu Quỳ, ông Thái Diệu nói: “Tôi không muốn đặc sản vịt bầu của vùng miền núi này một lúc nào đó lại bị mai một. Tôi muốn mở một lớp dạy về kỹ thuật ấp trứng và chăn nuôi vịt bầu, loại vịt này nếu để lai tạp, hoặc chăn nuôi không đúng phương pháp thì vịt bầu trở thành vịt thường. Đây mới chỉ là kinh nghiệm trải qua năm tháng kiên nhẫn và trả giá khá nhiều tốn kém, không thể nói bữa một bữa đôi mà hết được. Muốn bảo tồn, phát triển giống vịt quý phải được sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành và cả cộng đồng…”.

Theo một số tài liệu nghiên cứu, vịt bầu Quỳ có nguồn gốc từ huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, hiện được phân bố ở các huyện Quỳ Châu, Quế Phong. Vịt có thân hình gần giống vịt bầu Bến. Khối lượng trưởng thành: con trống nặng 1,6 đến 1,8 kg, con mái nặng 1,4 đến 1,7 kg/con. Vịt bắt đầu đẻ lúc 162 đến 168 ngày tuổi. Trứng nặng 70 đến 75 g/quả. Tỷ lệ phôi 96 đến 97%. Tỷ lệ ấp nở đạt 80%; Sản lượng trứng/mái/34 tuần đẻ đạt 122 đến 124 quả. Chúng giỏi kiếm thức ăn ở các khe suối, đồng ruộng. Vịt bầu vùng Phủ Quỳ có sức chống chịu bệnh cao, thích ứng với thời tiết khí hậu nóng, lạnh, khô, ẩm, gió phơn tây nam. Vịt bầu thơm ngon, vị ngọt do được nuôi theo hình thức thả rông. Thức ăn chủ yếu là cá, tép dưới khe suối. Đặc điểm khí hậu mùa đông lạnh, mùa hè không quá nóng giúp giống vịt bầu phát triển.


Nuôi vịt biển thích ứng biến đổi khí hậu Nuôi vịt biển thích ứng biến đổi khí… Nuôi vịt chuyên trứng Nuôi vịt chuyên trứng