Kinh nghiệm trồng bưởi da xanh trên đất gió lào, sương muối
Ông Đỗ Xuân Khởi mất 20 năm để đúc rút kinh nghiệm trồng bưởi cho trái ngọt trên vùng đất khắc nghiệt Chiềng Ban (Sơn La).
Ông Khởi sinh năm 1970 tại Hưng Yên, lên Sơn La khai hoang năm 1986. Ảnh: Bizmedia
Nhắc đến địa chỉ mua bưởi da xanh ngon, cam Vinh ngọt hay cây ươm giống, người quanh vùng đều tìm đến ông Đỗ Xuân Khởi ở bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Sơn La.
Ông Đỗ Xuân Khởi là một trong những gương nông dân dám vứt bỏ 1,4ha cà phê, làm giàu thành công với cây có múi ở xã nghèo miền núi. Ngôi nhà khang trang mới xây dựng, có được là nhờ vườn bưởi da xanh trồng từ năm 2014.
Sinh năm 1970 tại Hưng Yên, ông Khởi cùng gia đình lên khai hoang mảnh đất gió lào, sương muối Chiềng Ban vào năm 1986. Như nhiều hộ khác, ông trồng cà phê, mía… Nhưng cứ vài năm có đợt sương muối nặng, ví dụ năm 2013, hàng trăm ha mía và rau màu cùng 1.000ha cà phê của Mai Sơn cháy rũ. Ông ví: "Sương muối làm cây chết cháy như rải bom Napal vậy".
Lão nông loay hoay tìm hướng khắc phục nhược điểm của thời tiết. Ông về Hưng Yên mua thử giống bưởi, cam từ nông trường Bãi Khê lên trồng. Năm 2008, ông bắt đầu chặt đi 140 gốc cà phê để xen vào 70 gốc cam, bưởi. Một đợt sương muối nữa qua đi, ông nhận thấy cà phê ít cháy hơn, cây có múi không bị táp, mà thậm chí sinh trưởng được.
Năm sau, bưởi và cam cho bói. Bưởi da xanh ngọt giòn, bưởi diễn cũng cho chất lượng tốt. Thấy cây có múi chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt của Mai Sơn, năm 2014, ông mạnh dạn trồng thêm 300 gốc cam, 200 gốc bưởi Diễn và da xanh.
Ông cũng thử nghiệm nhiều phương pháp nhân giống mới từ năm 2014. Địa phương có ít cây bưởi da xanh giống, nên ông ghép mắt trên gốc bưởi dại để tiết kiệm nguồn giống.
Mỗi gốc bưởi dại chi chít mắt, đoạn ngắn cũng có thể ghép được 10-15 mắt. Cây ghép sống tốt hơn chiết cành, nhờ bộ rễ tôm khỏe mạnh của gốc bưởi dại. Hiện giống bưởi được ông Khởi ươm theo đơn đặt hàng của những người dân quanh vùng.
Mắt ghép trên gốc bưởi dại. Ảnh: Bizmedia
Nền đất feralit đặc trưng của cao nguyên Sơn La, tơi, xốp và hơi đỏ. Ngoài cây có múi, ông Khởi còn kết hợp thêm một số cây ăn quả khác như bơ, đu đủ và cà phê với gần 5.000 gốc.
Ông dùng xẻng đào hố sâu khoảng 20-25 phân, chôn ngầm ống dẫn nước tưới nhỏ giọt và châm phân dưới đất. Đầu nguồn hệ thống sử dụng nước giếng khoan sâu tới 48m, pha với phân bón theo công thức và mở tưới định kỳ. Ông cho biết, chỉ châm khoảng 2 tiếng là đủ ẩm, nếu lỡ bỏ quên một ngày thì nước ngấm lên tận mặt đất.
Hệ thống này được ông lắp đặt từ đầu năm 2015, nhờ địa phương hỗ trợ thiết bị NETAFIM và doanh nghiệp cung ứng hướng dẫn kỹ thuật. Mỗi hộ gia đình tham gia dự án đầu tư thêm chi phí 45 triệu một ha. Phí vận hành và tiền điện tăng 6,5- 9 triệu hàng năm nhưng tiền thuê nhân công lại giảm đáng kể.
Đặc biệt, hệ thống giúp vườn cam bưởi với mật độ 350 cây mỗi ha, cho sản phượng tăng lên 130kg quả một cây, cao hơn mức 80kg quả như trước đây. Gia đình ông được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Hệ thống ống tưới nhỏ giọt và châm phân chôn ngầm. Ảnh: Bizmedia
Ngoài bón phân qua nước tưới, ông Khởi sử dụng thêm phân vi sinh khoáng của nhà máy, kết hợp phân hữu cơ tự ủ từ vỏ cà phê, phân chuồng, bột đỗ tương, bột ngô, phân cá trong ít nhất 6 tháng. Đàn lợn 60 con cho phân chuồng, giảm bớt được nhiều chi phí. Ông giải thích, mục đích bón phân hữu cơ nhằm tăng lượng vi sinh vật, đất tốt thì cây mới được lâu bền.
Cơ chế hoạt động của bẫy côn trùng
Để phòng ruồi vàng hại quả, ông Khởi sử dụng bẫy sinh học có mùi trái cây như táo, ổi thơm để thu hút chúng. Ông tự chế bẫy bằng cách cắt vỏ chai nước giải khát, bên trong chứa dung dịch mồi do chi cục bảo vệ thực vật tỉnh cung cấp.
Cây bưởi muốn mã đẹp, phải bao trái từ khi quả có kích cỡ bằng bát ăn cơm. Sau 3 tháng, bao được tháo ra để quả hồi mã. Đến nay, trung bình mỗi cây bưởi của ông cho từ 70 -100 quả, cây sai cho tới 130 trái. Vụ bưởi chính thu hoạch từ tháng 9 đến cuối tháng 10 dương lịch. Thương lái từ Hà Nội, Hưng Yên đến tận vườn đặt mua. Sau khi cắt đồng loạt, quả sẽ được cân và phân loại theo trọng lượng từ 1,5kg đến 2kg.
Với cây cam, ông hiện trồng 2 loại cam Vinh V1, V2 và thử nghiệm thêm cam Thái không hạt và cam đường. Cam Vinh V1 cho thu từ tháng 9 đến tháng 12 Âm lịch, cam V2 cho thu tiếp từ tháng 12 đến tháng 6 năm sau. Việc kết hợp như vậy giúp nguồn thu ổn định hơn trong cả năm.
Hiện, giá bán bưởi tại vườn đạt 100.000-120.000 đồng mỗi quả. Năm 2016, ông thu hoạch từ 14 tấn cam vinh, cho thu nhập trên 400 triệu đồng. Thu nhập từ bưởi trên 100 triệu đồng.
Ngoài trồng cây ăn quả, ông Khởi còn hợp tác với các nhà vườn Hưng Yên chuyên cung cấp cây giống cho bà con trên địa bàn xã Chiềng Ban và các huyện Sốp Cộp, Sông Mã và tỉnh Điện Biên... Trung bình mỗi năm thu nhập từ cây giống có thêm 80 triệu đồng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao